Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tính tăng 32,2% YoY lên 10,75 nghìn tỷ đồng, trong đó 63,4% từ FE Credit và 36,6% từ VPBank. EPS và BVPS 2018 hợp nhất lần lượt là 5.328 đồng và 24.125 đồng. BVPS 2018 của ngân hàng mẹ sẽ là 18.017 đồng và của FE Credit là 21.127 đồng.
Bảng: Các chỉ số chính (Đơn vị: Tỷ đồng)
Lợi nhuận vững chắc ở vị trí thứ 4
VPBank công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất đã kiểm toán ở mức 8,13 nghìn tỷ đồng, tăng 65% YoY nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ lên mức 196,7 nghìn tỷ đồng (+23,9% YoY). Huy động vốn khách hàng tăng mạnh lên 200 nghìn tỷ đồng (+15,8%), cùng với tỷ lệ biên lãi thuần (NIM) là 8,79%, cao hơn so với năm 2016 là 7,79%.
Giống như năm 2016, tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của VPBank đứng thứ 4 trong các ngân hàng đã niêm yết, chỉ đứng sau 3 ngân hàng quốc doanh lớn nhất (bao gồm BID, CTG, và VCB). Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của VPBank tăng 50% YoY lên 25 nghìn tỷ đồng nhờ tăng trưởng thu nhập lãi ròng ở mức 36% YoY lên 20,6 nghìn tỷ đồng, và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 160% YoY lên 4,4 nghìn tỷ đồng.
Doanh thu ấn tượng từ các mảng kinh doanh chiến lược, đặc biệt là tài chính tiêu dùng
Trong các mảng kinh doanh chiến lược, mà tất cả đều thuộc ngân hàng bán lẻ (bao gồm tài chính tiêu dùng thông qua FE Credit, phân khúc KH cá nhân, phân khúc KH tiểu thương, và phân khúc KH doanh nghiệp vừa và nhỏ, v.v.) chiếm 71% tổng lượng cho vay (so với 68% của năm 2016), tiếp tục tăng trưởng 29,5% YoY hàng năm đạt 140 nghìn tỷ đồng. Do vậy, các phân khúc chiến lược chiếm tới 79% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh, tăng từ mức 75% trong năm 2016.
- Công ty tài chính của VPBank (FE Credit), đây là công ty con 100% vốn của VPBank chuyên tập trung vào mảng tài chính tiêu dùng, tiếp tục đóng góp ngày một lớn vào kết quả chung của ngân hàng. Cụ thể, FE Credit đóng góp 23% tổng danh mục cho vay, 18% tổng tài sản, và 51,5% lợi nhuận trước thuế. Những đóng góp này đều lớn hơn so với năm 2016 với tỷ trọng lần lượt là 20,2%, 16%, và 50%.
- Dư nợ cho vay mua nhà của VPBank năm 2017, từ cả mảng tài chính tiêu dùng và phân khúc cho vay cá nhân, chỉ đạt 16 nghìn tỷ đồng, tương đương 8,1% tổng cho vay, tập trung vào phân khúc giá rẻ hướng đến nhà ở và căn hộ có giá trị trong khoảng từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng. Ngân hàng đặt kế hoạch nâng dư nợ cho vay thế chấp lên 18,8% YoY, đạt 19 nghìn tỷ trong năm 2018, tương đương 7,9% tổng cho vay.
- Đối với CommCredit, đây là phân khúc nhắm tới đối tượng cho vay là tiểu thương, triển khai từ năm 2015, với tổng dư nợ cho vay ở mức 3,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng danh mục cho vay, với tỷ lệ nợ xấu khoảng 4,7% trong năm 2017. CommCredit vẫn đang chịu lỗ kể từ năm 2015 đến 2017, nhưng VPBank kì vọng phân khúc này sẽ hòa vốn trong năm 2018.
- VPBank đã nỗ lực tăng dư nợ cho vay tín chấp lên 40% tổng dư nợ cho vay, theo cam kết của HĐQT. Tính đến năm 2017, cho vay không thế chấp tăng 40% YoY lên 68,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng cho vay, tăng từ 31% trong năm trước đó. Cho vay tín chấp có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn, trong khi hệ số rủi ro lại giảm từ mức hiện tại là 100% xuống 75% theo quy định của Basel II.
Đa dạng hóa các nguồn huy động
Trong khi tiền gửi khách hàng chỉ tăng 7,9% YoY, VPBank tăng khoản vay liên ngân hàng lên 15,1% YoY, cùng với các quỹ ủy thác tăng vọt 181% YoY, và chứng chỉ tiền gửi tăng 36%. Trong đó, huy động từ ngân hàng mẹ và FE Credit chiếm lần lượt 62,7% và 37,3%. Nhìn chung, VPBank đã thành công trong việc đa dạng hóa các nguồn huy động, đặc biệt từ các nguồn nước ngoài, và từ các nguồn trung và dài hạn.
Cụ thể, tổng huy động từ các nguồn nước ngoài tăng lên mức 16,4 nghìn tỷ đồng, tăng vọt 124% YoY, chiếm 6,9% tổng huy động, cao hơn đáng kể so với mức 3,6% của năm 2016. Chúng tôi nhận thấy tỷ trọng huy động vốn nước ngoài của ngân hàng mẹ và FE Credit trên tổng huy động lần lượt ở mức 5,6% và 14,6%, so với 2,8% và 9,6% tương ứng trong năm 2016.
Chi tiết hơn, chúng tôi nhận thấy tổng lượng tiền gửi bằng ngoại tệ vay từ các tổ chức tín dụng khác của VPBank tăng mạnh 97,1% YoY. Trong năm 2016, IFC cung cấp hạn mức tín dụng 5 năm cho VPBank với giá trị 133 triệu đô la Mỹ, và VPB vay 50 triệu đô la Mỹ để thực hiện dự án của IFC. Trong năm 2017, VPB vay 57 triệu đô la Mỹ từ IFC trong 2 năm (với quyền được gia hạn thêm 2 năm nữa), và IFC có quyền chuyển đổi khoản vay thành cổ phần VPB trong vòng 3 năm.
VPBank đồng thời cũng nhận được 3,9 nghìn tỷ đồng vốn ủy thác từ IFC và các dự án ODA trong năm 2017, tăng 181% YoY. VPBank cũng có mặt trong danh sách được nhận các quỹ ủy thác từ các tổ chức quốc tế như Worldbank, JICA, KFA, và được phép đầu tư cũng như cho vay trong các chương trình của các tổ chức này.
Đối với kì hạn cấp vốn, VPBank cũng tập trung vào phát hành chứng chỉ tiền gửi với kì hạn lâu dài để cải thiện nguồn vốn trung và dài hạn. Chứng chỉ tiền gửi với kì hạn hơn 12 tháng tăng 34,1% trong năm 2017 lên 55,6 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, VPBank cũng thu hút được khoản lớn tiền gửi không kì hạn. Tỷ lệ CASA của VPBank cũng đã được cải thiện từ 12% trong năm 2016 lên 15% trong năm 2017.
NIM tăng nhờ tỷ lệ LDR tăng và lãi suất cho vay cải thiện
Tỷ lệ CASA tăng và tỷ lệ vốn nước ngoài tăng trong tổng huy động góp phần giảm chi phí vốn. Tuy nhiên, tăng trưởng mạnh trong việc phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn lại làm tăng chi phí vốn. Nhìn chung, chi phí vốn của VPBank tăng từ 5,52% trong năm 2016 lên 6,13% trong năm 2017.
Khi nhìn vào khía cạnh thu nhập, tín dụng từ FE Credit tăng 39,5% YoY trong năm 2017, trong khi tín dụng từ ngân hàng mẹ chỉ tăng trưởng 18,6% YoY. FE Credit đơn thuần là cho vay tài chính tiêu dùng với tỷ suất sinh lời hơn 40% một năm trong năm 2017, và đang tăng trưởng nhanh hơn so với các mảng kinh doanh chiến lược khác. Điều này làm tăng lãi suất cho vay trung bình từ 16% trong năm 2016 lên 17,6% trong năm 2017. Thu nhập lãi ròng từ FE Credit chiếm đến 45% tổng thu nhập lãi ròng của cả ngân hàng.
VPBank cũng tích cực hơn trong việc tăng trưởng tín dụng, với tỷ lệ LDR tăng đáng kể lên 71% so với 67% trong năm 2016. VPBank đã thực hiện phát hành riêng lẻ cố phiếu vào tháng 9/2017 để tăng vốn thêm 1,65 nghìn tỷ đồng tương đương tăng 11,72%, đồng thời thu được khoản thặng dư vốn 4,6 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng cải thiện đáng kể đã khiến tỷ lệ an toàn vốn năm 2017 và tỷ lệ vốn cấp 1 theo Basel II lần lượt tang lên 12,6% và 11,5%, và giúp ngân hàng có nguồn vốn cần thiết để giảm phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng.
Kết quả, NIM cải thiện từ 7,79% trong năm 2016 lên 8,79% trong năm 2017, cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Trong đó, NIM của ngân hàng mẹ là 4,5% so với 4,11% năm 2016, và NIM của FE Credit tăng lên 28,35% từ 27,66% trong năm 2016.
Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh
Thu nhập ngoài lãi là nguồn tăng thu nhập lớn nhất, là điểm sáng cho kết quả kinh doanh trong năm nay. Thu nhập ngoài lãi đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 159% YoY. Trong toàn bộ 2,7 nghìn tỷ đồng tăng so với năm 2016, 49% là từ thu nhập ròng khác, 22% từ phí và hoa hồng, và 21,3% từ đầu tư chứng khoán.
Đáng lưu ý là VPBank có 2,2 nghìn tỷ đồng thu nhập từ phí và hoa hồng từ mảng bancassurance trong năm 2017, tăng 46,1% YoY. Trong đó, FE Credit ghi nhận 1,9 tỷ đổng, tăng 45,4% YoY, và ngân hàng mẹ ghi nhận 328 tỷ đồng, tăng 50,5% YoY.
Trong quá trình kinh doanh thông thường, FE Credit đã bán một lượng lớn hợp đồng bảo hiểm tín dụng, đi kèm với hợp đồng cho vay với các khách hàng hiện tại. Trong tháng 10/2017, VPBank cũng kí hợp đồng bán bảo hiểm nhân thọ độc quyền kéo dài 15 năm với AIA. Ngân hàng công bố nguồn thu nhập không thường xuyên từ thu nhập khác lên tới 800 tỷ đồng trong năm 2017 đến từ hợp đồng này, và kì vọng lượng thu nhập tương đương trong năm 2018. Tổng cộng, trong năm 2018, ngân hàng kì vọng sẽ tạo ra thu nhập từ bancassurance khoảng gấp rưỡi đến gấp đôi con số này trong năm 2017.
Theo ban lãnh đạo của VPBank, trong năm 2017, VPB dẫn đầu thị trường về số lượng thẻ tín dụng quốc tế phát hành mới (160.000 thẻ từ ngân hàng mẹ và 400.000 thẻ từ FE Credit). Tổng số thẻ đã phát hành là 800.000 thẻ, xếp trong top 5 ngân hàng của Việt Nam. VPBank cũng nằm trong top 4 ngân hàng có số tiền chi tiêu thẻ cao nhất. Doanh thu từ phí của kinh doanh thẻ là hơn 600 tỷ đồng trong năm 2017, và ngân hàng kì vọng doanh thu này tăng gấp đôi trong năm 2018. Ngân hàng đặt mục tiêu mở rộng dịch vụ thẻ để nâng cao tỷ lệ CASA và thu nhập từ phí.
Thu nhập ròng khác hợp nhất của VPBank ở mức 2,54 nghìn tỷ đồng, hơn gấp đôi so với năm 2016. Bên cạnh 800 tỷ đồng từ hợp đồng banca với AIA nêu trên, 300 tỷ đồng thu nhập đến từ thanh lí tài sản và hơn 1 nghìn tỷ đồng đến từ thu hồi nợ đã xóa, tăng 52,5% YoY. Trong 1 nghìn tỷ đồng đó, FE Credit thu hồi được 804 tỷ đồng, tăng 131% YoY, cùng với ngân hàng mẹ thu hồi được 287 tỷ đồng, giảm -21,8% YoY.
Vấn đề nợ xấu
Tốc độ hình thành nợ xấu ở mức cao
Bên cạnh nhưng tin tốt nêu trên, mối quan ngại của chúng tôi vẫn nằm ở thực tế là tỷ lệ nợ xấu trước khi xóa nợ của cả ngân hàng mẹ và FE Credit đều có xu hướng gia tăng, làm tăng chi phí dự phòng và tỷ lệ nợ xấu sau khi xóa nợ vẫn cao hơn trước. Trước khi xóa nợ xấu, tổng nợ xấu là 5,59 nghìn tỷ đồng đối với ngân hàng mẹ, tăng ở mức đáng quan ngại 33% YoY, cao hơn mức tăng trưởng 20,6% YoY trong năm 2016. Tương tự, tại FE Credit, nợ xấu năm 2017 trước khi xóa nợ tăng 47,1% YoY lên mức 7,2 nghìn tỷ đồng. Nợ xấu hợp nhất trước khi xóa nợ tăng lên 12,8 nghìn tỷ đồng, tương đương tỷ lệ NPL 6,74%, tăng so với 6,07% năm 2016 và 4,3% năm 2015.
Trong năm 2017, VPB sử dụng 8 nghìn tỷ đồng, gần 50% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng, và tăng 50,6% YoY, để trích lập dự phòng cho nợ xấu, và dùng 6,56 nghìn tỷ đồng để xóa nợ xấu, tăng 34,5% YoY. Khoản xóa nợ xấu này tương đương 51,4% tổng nợ xấu trước khi xóa nợ, thấp hơn mức 53,7% năm 2016. Ngân hàng dường như đã ưu tiên giải quyết nợ xấu của FE Credit khi tỷ trọng nợ xấu được xóa của FE Credit là 68,7%, cao hơn mức 29,2% của ngân hàng mẹ.
Do đó, đến cuối năm 2017, tổng nợ xấu của VPBank là 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 47,4% YoY. Ngân hàng mẹ có 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu (chiếm 63,8% tổng nợ xấu hợp nhất), tăng 73,5% YoY, và FE Credit có 2,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 36,2%), tăng 16,4% YoY.
Kì vọng trích lập dự phòng cao hơn
Theo ban lãnh đạo của VPBank, mức trần tỷ lệ nợ xấu được NHNN quy ước cho các công ty tài chính trong nước là 4,5%. Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit vào cuối năm 2017 là 5%, cao hơn mức trần đó, đồng nghĩa với việc cần thiết điều chỉnh sự khác biệt này.
Thêm vào đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tăng lên 2,87% từ 2,03% năm ngoái, trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 (SML) tăng mạnh 70,4% YoY, chiếm 5,26% tổng dư nợ, tăng đáng kể so với mức 3,78% năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 3,39% và 6,93%. Ngân hàng mẹ nắm giữu 3,23 nghìn tỷ đồng trái phiếu VAMC, tương đương 2,34% tổng dư nợ cho vay, chỉ đứng sau STB, EIB, và SHB.
Tổng cộng, tỷ lệ trái phiếu VAMC chưa trích lập dự phòng, nợ xấu, và nợ nhóm 2 của VPB thuộc nhóm cao nhất trong các ngân hàng niêm yết, cho dù là riêng lẻ hay hợp nhất.
Chúng tôi ước tính có thể ngân hàng cần tăng cường trích lập dự phòng. Giả sử (1) ngân hàng mẹ sẽ xóa nợ thêm 1,05 nghìn tỷ – toàn bộ dư nợ nhóm 5 – để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 2,13%, và FE Credit sẽ xóa nợ thêm để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 4,5%; (2) đồng thời, tỷ lệ LLC sẽ giữ ở mức 52,6% đối với ngân hàng mẹ và 47,5% đối với FE Credit, thì VPB sẽ phải tăng trích lập dự phòng thêm lần lượt 499 tỷ đồng và 123,4 tỷ đồng. Tổng cộng, lợi nhuận trước thuế năm 2017 trong kịch bản này sẽ giảm -7,7% xuống 7,5 nghìn tỷ đồng, tăng 52,3% YoY, tương đương mức ROAE ở 25,16%, với EPS là 3.611 đồng và BVPS là 18.551 đồng. Như vậy, chúng ta có thể thấy kể cả trong trường hợp này, BVPS không giảm quá nhiều.
Kế hoạch quản trị năm 2018 & ước tính của chúng tôi
VPBank đã hoàn thành kế hoạch 5 năm từ 2012-2017 với thành tựu đáng kể. Trong kế hoạch 2018-2022, VPBank hướng tới mục tiêu nằm trong top 3 ngân hàng có giá trị thị trường cao nhất.
Trong năm 2018, VPB đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tiền gửi và cho vay hợp nhất lần lượt là 22,5% và 23% YoY. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 20% YoY đối với ngân hàng mẹ, chủ yếu sẽ dựa vào các mảng kinh doanh chiến lược, và 37% đối với FE Credit. Hiện tại, tiền gửi khách hàng được kì vọng sẽ tăng 23% YoY tại ngân hàng mẹ và 9% tại FE Credit.
Các mảng kinh doanh chiến lược sẽ tiếp tục đóng góp hơn 80% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh hợp nhất. Trong những năm tới, ngân hàng đặt mục tiêu sẽ mở rộng Ngân Hàng Kĩ Thuật Số như một kênh bán hàng, phục vụ tất cả các khách hàng thuộc mảng bán lẻ hiện tại và nhắm vào đối tượng khách hàng chưa mở tài khoản tại ngân hàng, nhóm chiếm đến 60-70% toàn dân số.
Chúng tôi dự đoán tổng tiền gửi và giấy tờ có giá của ngân hàng sẽ tăng trưởng 21,2% YoY, bao gồm 20% tăng trưởng của ngân hàng mẹ và 28,3% tăng trưởng từ FE Credit. Tổng tín dụng được kì vọng sẽ tăng 24%, bao gồm 20,1% tăng trưởng từ ngân hàng mẹ và 37% tăng trưởng từ FE Credit.
NIM hợp nhất ước tính sẽ cải thiện lên 8,93% từ 8,79% trong năm 2017 nhờ vào NIM của FE Credit tăng 28,39% (so với 28,35% năm 2017), trong khi NIM của ngân hàng mẹ sẽ giảm xuống 4,28% (so với 4,5% năm 2017). Kết quả, thu nhập lãi ròng tăng 26,2% YoY lên mức 26 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung, FE Credit sẽ tận dụng nguồn vốn huy động từ tổ chức tín dụng khác hơn là tự phát hành chứng chỉ tiền gửi, làm giảm chi phí lãi. Trong khi đó, do ngân hàng tiếp tục cho các tổ chức tín dụng khác vay thay vì gia hạn khoản vay sẵn có, thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Tổng thu nhập ngoài lãi dự kiến tăng 65% YoY lên mức 7,27 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng trưởng lớn nhất từ thu nhập ròng khác (4,5 nghìn tỷ đồng, +77.2% YoY) và thu nhập ròng từ phí và hoa hồng (2,15 nghìn tỷ đồng, +47,3% YoY).
Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt ngưỡng 33,3 nghìn tỷ đồng, tăng 33% YoY, trong đó chúng tôi ước tính tỷ trọng doanh thu từ FE Credit tăng lên 54,6%, cao hơn so với 51,7% trong năm 2017.
Tỷ lệ chi phí/thu nhập hợp nhất được cải thiện từ 35,5% năm ngoái lên 35,1% năm nay nhờ vào tỷ trọng doanh thu từ FE Credit tăng với tỷ lệ chi phí/thu nhập thấp hơn ở mức 27,6% so với tỷ lệ chi phí/thu nhập của ngân hàng mẹ là 39%. Kết quả, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng nợ xấu được ước tính là 21,6 nghìn tỷ đồng, tăng 34% YoY.
Chúng tôi giả định nợ xấu trước khi xóa nợ sẽ tăng thêm 10,75 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% YoY, vẫn thấp hơn mức tăng 44% YoY năm ngoái. Sau khi xóa nợ, nếu tỷ lệ nợ xấu vẫn giữ nguyên như năm 2017, là 2,87% tại ngân hàng mẹ và 5% tại FE Credit, thì ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng 9,91 nghìn tỷ đồng cho rủi ro tín dụng để giữ tỷ lệ LLC ở mức 52% cho ngân hàng mẹ và 47,5% cho FE Credit. Thêm vào đó, ngân hàng cần trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC với số tiền là 941 tỷ đồng. Tổng cộng, chi phí cho trích lập dự phòng sẽ tăng mạnh 35,6% lên mức 10,85 nghìn tỷ đồng. Chi phí tín dụng được ước tính là 5,3%, cao hơn năm ngoái ở mức 4,89%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tính tăng 32,2% YoY lên 10,75 nghìn tỷ đồng, trong đó 63,4% từ FE Credit và 36,6% từ VPBank. EPS và BVPS 2018 hợp nhất lần lượt là 5.328 đồng và 24.125 đồng. BVPS 2018 của ngân hàng mẹ sẽ là 18.017 đồng và của FE Credit là 21.127 đồng.
Về thanh toán cổ tức, năm 2017, VPB trả cổ tức cố phiếu của năm 2016 theo 2 đợt tương ứng 18,75% vào tháng 1 và 32,83% vào tháng 6 đối với cổ phiếu phổ thông. Đại hội cổ đông năm 2018 sẽ diễn ra vào tháng 3/2018, và sẽ quyết định cổ tức cho năm 2017. HĐQT của ngân hàng đều nhất trí sẽ giữ nguyên chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Chúng tôi ước tính cổ phiếu và tỷ lệ cổ tức cho năm 2017 sẽ cao nhất là 70%, đặc biệt là khi quỹ tăng vốn và đầu tư phát triển, lợi nhuận giữ lại và vốn thặng dư của ngân hàng ở mức lớn, lần lượt là 31,2%, 29,1% và 37,4% so với vốn điều lệ.
Quan điểm đầu tư
Ở mức giá hiện tại là 63.400 đồng/cổ phiếu, VPB đang giao dịch ở mức PE và PB 2018 lần lượt là 11,8x và 2,7x, cao hơn so với các cổ phiếu các ngân hàng khác.
Yếu tố rủi ro có thể khiến cổ phiếu giảm giá bao gồm khả năng tốc độ hình thành nợ xấu nhanh hơn so với dự kiến. Mặt khác, trong trường hợp VPB quyết định nỗ lực giảm tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ và FE Credit xuống lần lượt là 2% và 4,5%, tổng chi phí trích lập dự phòng tín dụng sẽ tăng vọt lên mức 11,75 nghìn tỷ đồng, tăng 46,8% YoY trong năm 2018. Lợi nhuận trước thuế do đó sẽ chỉ ở mức 9,73 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% YoY, giảm 9,5% YoY so với ước tính ban đầu. EPS và BVPS 2018 hợp nhất sẽ giảm xuống mức lần lượt là 4.814 đồng và 23.605 đồng. Theo đó, BVPS của ngân hàng mẹ và FE Credit sẽ lần lượt là 17.664 đồng và 20.928 đồng.
SSI Research
One thought on “VPB: Tài chính tiêu dùng lấn át mảng ngân hàng – Ngân hàng có hệ số NIM cao nhất Việt Nam (hệ số thu nhập lãi thuần)”