CTCP SỮA VIỆT NAM (VNM): Dấu hiệu phục hồi đã được phản ánh vào giá [Mục tiêu: 86.800 đ/cp]

Định giá của chúng tôi dựa trên sự kết hợp với tỷ trọng bằng nhau giữa mô hình DCF (lãi suất phi rủi ro 4,0%, tăng trưởng dài hạn 2,0%) và định giá P/E. Chúng tôi tăng giá mục tiêu từ 85.400đ/cp lên 86.800đ/cp (tiềm năng tăng giá 11%) do chuyển mô hình định giá DCF sang năm 2023. Đối với phương pháp P/E, chúng tôi áp dụng P/E mục tiêu là 19,6 lần trong năm 2023 theo mức P/E trung bình của các nhà sản xuất sữa lớn trên thế giới.

KQKD Q3/22: Có tín hiệu phục hồi

VNM ghi nhận doanh thu (DT) thuần giảm 0,7% svck trong Q3/22 do DT từ nước ngoài giảm 5,6% svck. Trong khi đó, DT của công ty mẹ tăng nhẹ 0,2% svck và 10,5% so với quý trước trong Q3/22. Biên LN gộp giảm 3,4 điểm % svck do VNM vẫn đang sử dụng bột sữa nguyên liệu được thu mua với mức giá cao từ quý trước. Do đó, LN ròng của VNM giảm 21,4% svck trong Q3/22 xuống 2.298 tỷ đồng. Trong 9T22, VNM ghi nhận DT thuần giảm 0,2% svck và LN ròng giảm 20,3% svck, hoàn thành 70,4%/72,2% dự phóng của chúng tôi.

Triển vọng 2023-24: LN ròng quay lại mức tăng trưởng tích cực

Kỳ vọng VNM duy trì mức tăng trưởng doanh thu trung bình 4,2% svck trong 2022-24

Theo Euromonitor, mức tiêu dùng ngành sữa đã ổn định và phục hồi so với cùng kỳ, tuy nhiên có sự phân hóa rõ rệt giữa hai phân khúc phổ thông và cao cấp. Trong đó, thu nhập của những người có thu nhập thấp và trung bình chưa bắt kịp với tỷ lệ lạm phát tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu yếu hơn hoặc sử dụng các sản phẩm thay thế với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, VNM đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng ở hầu hết các dòng sản phẩm. Chúng tôi nhận thấy một số đối thủ cạnh tranh của VNM bao gồm Friso, TH True Milk hay Vita Dairy. Vita Dairy là một trong ba công ty sản xuất sữa bột công thức lớn nhất thị trường nội địa sau Vinamilk và Nutifood, và đang tiếp tục lấn sân sang phân khúc sữa nước với sản phẩm sữa non tươi “Colos Fresh Milk”. Theo quan điểm của chúng tôi, bên cạnh TH True Milk, Vita Dairy sẽ là một trong những đối thủ cạnh tranh của VNM trên thị trường sữa nước.
Do đó, chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ duy trì thị phần đi ngang trong giai đoạn 2023-24 với sản lượng hàng bán nội địa tăng lần lượt 3,0%/3,0% svck, trong khi giá bán bình quân không đổi trong năm 2023 và tăng nhẹ 1,0% svck vào năm 2024 do VNM đã tăng giá bán bình quân 5,5% svck trong năm 2022. Do đó, doanh thu nội địa dự phóng tăng lần lượt 3,0%/4,0% svck trong năm 2023/24. Bên cạnh đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng doanh thu xuất khẩu sẽ đạt lần lượt 7,0%/8,1% svck trong năm 2023/24 do nhu cầu tiêu thụ sữa phục hồi tại thị trường Trung Đông. Do đó, doanh thu thuần của VNM dự phóng tăng 3,7%/4,7% trong năm 2023/24.

Giá bột sữa giảm bù đắp cho biến động tỷ giá

Tính đến ngày 18/10, giá bột sữa đã giảm 10% svck và thấp hơn 28,1% so với mức đỉnh vào ngày 01/03. Theo Rabobank, dữ liệu tháng 8 cho thấy khối lượng nhập khẩu nguyên liệu bột sữa của Trung Quốc đã giảm so với năm ngoái trong 6 tháng liên tiếp. Nguyên nhân là do nguồn cung nội địa tăng, lượng hàng tồn kho dồi dào và nhu cầu của người tiêu dùng ở mức thấp. Chúng tôi kỳ vọng giá bột sữa sẽ tiếp tục giảm và giao dịch ở mức thấp hơn 5,0% so với năm 2022 khi Trung Quốc tiếp tục chính sách Zero-Covid và sản lượng bột sữa toàn cầu năm 2023 tăng 1,5% svck. Theo Rabobank, nguồn cung sữa sẽ ổn định vào năm 2023 nhờ nguồn cung cấp thức ăn chăn nuôi dồi dào và lợi nhuận của các trang trại ở mức ổn định. Trong trường hợp Trung Quốc mở cửa trở lại, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng ở mức thấp do nguồn cung sữa trong nội địa đang tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó, chúng tôi tin rằng điều này cũng sẽ ảnh hưởng không lớn đến giá bột sữa toàn cầu.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy VNM sẽ phải đối mặt với một thách thức mới từ biến động tỷ giá khi 50% nguyên liệu sữa của VNM được nhập khẩu từ Châu Âu để sản xuất sữa bột và bột dinh dưỡng. Tỷ giá USD/VND đã tăng lên mức 24.835 đồng (+8,7% so với đầu năm). Do vậy, chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng giá bột sữa nguyên liệu xuống lần lượt 2,8%/3,8%, đồng thời tăng dự phóng tỷ giá lên 3,2%/5,2%, do đó biên LN gộp dự phóng gần như không thay đổi so với trước đó trong 2022/23. Chúng tôi cho rằng giá nguyên liệu thấp hơn sẽ bù đắp cho mức ảnh hưởng từ biến động tỷ giá đến biên LN gộp trong 2023.
Chúng tôi kỳ vọng biên LN gộp tăng lên mức 43,4% (+1,5 điểm % svck) trong năm 2023 và 44,9% (+1,5 điểm % svck) trong năm 2024. Do đó,chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng của VNM giảm 11,4% svck trong năm 2022 trước khi phục hồi 9,9% svck năm 2023 và tăng 11,4% svck năm 2024.

Sức khỏe tài chính tốt trong bối cảnh tăng lãi suất và biến động tỷ giá

VNM duy trì sức khỏe tài chính lành mạnh với lượng tiền mặt ròng cao (10.718đ/cp) và đòn bẩy tài chính ở mức thấp (0,3) lần giúp công ty giảm rủi ro do tăng lãi suất và biến động tỷ giá. Doanh nghiệp vay ngắn hạn chủ yếu bằng đồng USD tại ngân hàng với lãi suất thả nổi, chiếm 98% tổng nợ vay ngắn hạn. Trong 9T22, VNM ghi nhận lỗ tỷ giá tương đương 152 tỷ đồng (+642% svck) và chi phí lãi vay 50 tỷ đồng (+105% svck) và do biến động tỷ giá và lãi suất tăng. Do đó chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng thu nhập tài chính ròng của doanh nghiệp xuống 8,8% trong năm 2022 so với dự báo cũ.
Với năm 2023,chúng tôi kỳ vọng thu nhập tài chính ròng tăng 36,0% svck do lỗ tỷ giá hối đoái giảm và lãi suất ổn định hơn.

Thay đổi dự phóng trong giai đoạn 2022-2024

Chúng tôi kỳ vọng VNM duy trì mức tăng trưởng doanh thu trung bình 4,2% svck trong 2022-24 với dự phóng giá bán bình quân không đổi trong 2023 và tăng 1,0% scvk trong 2024. Biên LN gộp dự phóng đạt 43,4% (+1,5 điểm % svck) trong 2023 và 44,9% (+1,5 điểm % svck) trong 2024 nhờ giá bột sữa nguyên liệu hạ nhiệt. Do đó, LN ròng của VNM giảm 11,4% svck trong 2022 trước khi phục hồi 9,9% svck trong 2023 và tăng 11,4% svck vào 2024.

Định giá

Định giá của chúng tôi dựa trên sự kết hợp với tỷ trọng bằng nhau giữa mô hình DCF (lãi suất phi rủi ro 4,0%, tăng trưởng dài hạn 2,0%) và định giá P/E. Chúng tôi tăng giá mục tiêu từ 85.400đ/cp lên 86.800đ/cp (tiềm năng tăng giá 11%) do chuyển mô hình định giá DCF sang năm 2023. Đối với phương pháp P/E, chúng tôi áp dụng P/E mục tiêu là 19,6 lần trong năm 2023 theo mức P/E trung bình của các nhà sản xuất sữa lớn trên thế giới.

Giá cổ phiếu VNM tăng 14,6% kể từ ngày 7/10, vượt trội hơn so với chỉ số VNIndex (-1,7%), do đó chúng tôi cho rằng mức đà tăng giá gần đây đã phản ánh triển vọng tăng trưởng LN ròng của DN trong giai đoạn 2023-24.Vì vậy, chúng tôi hạ đánh giá từ Khả quan xuống Trung lập.

Nguồn: VND


Các nguồn định giá tham khảo khác


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

 

VNM chart. Nguồn: Admin


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.