DGW đã có 1 năm 2018 tăng trưởng mạnh mẽ với tổng doanh thu đạt 5.943 tỷ (+55% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 109 tỷ (+39% YoY) nhờ tăng trưởng đến từ tất cả các mảng kinh doanh dù tăng trưởng mảng kinh doanh mới chưa được như kỳ vọng
2019, DGW đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 20%, tương đương với 7.150 tỷ, tăng trưởng lợi nhuận 25%với 137 tỷ.
NESTLÉ là dấu mốc đặc biệt, khẳng định hướng đi DGW đã cam kết với ngành hàng Tiêu dùng & Chăm sóc sức khỏe.
KẾT QUẢ KINH DOANH 12T 2018
Tổng kết năm 2018, DGW có mức tăng trưởng ấn tượng với doanh thu đạt 5.943 tỷ (+56%) và LNST đạt 109 tỷ (+39%), lần lượt hoàn thành 126% và 108% kế hoạch đặt ra. Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng 20% doanh thu và 25% LNST trong năm 2019, đến từ 2 trụ cột chính là ngành hàng điện thoại di động và thiết bị văn phòng.
Điện thoại di động: Hợp đồng phân phối độc quyền cho Xiaomi là động lực chủ yếu cho con số tăng trưởng 196% doanh thu điện thoại di động. Đổi lại, chiến lược mở rộng thị phần bằng các đợt flash sale của Xiaomi cũng khiến biên lợi nhuận của DGW giảm so với năm 2017.
Bước sang năm 2019, DGW đặt mục tiêu tăng 27% doanh thu phân phối điện thoại – khá “khiêm tốn” so với kết quả năm 2018, mặc dù có sự đóng góp của hợp đồng mới từ Nokia HMD. Điều này phản ánh sự thận trọng của ban lãnh đạo khi thị trường điện thoại được cho là dã bão hòa về doanh số. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng “thần kỳ” của mảng điện thoại năm trước sẽ khó có thể được lặp lại trong năm nay:
Thị phần Xiaomi (về số lượng) đã duy trì ổn định quanh mức 5% trong suốt năm 2018 và sẽ khó có đột biến trong năm 2019 khi mức độ cạnh tranh ở phân khúc giá trung bình/rẻ đang ngày càng gay gắt hơn. Nếu như trước đây Xiaomi là hãng đi tiên phong trong việc sản xuất smartphone giá rẻ kèm với cấu hình cao thì hiện nay phân khúc này đã trở nên “chật chội” với đủ các tên tuổi từ Huawei, OnePlus, Asus hay mới đây là Vinsmart.
Về phần Nokia, nếu thị phần về giá trị của Xiaomi và Nokia tại Việt Nam không có chênh lệch đáng kể (đều khoảng 5%-6%) thì hợp đồng phân phối với Xiaomi là độc quyền trong khi với Nokia, DGW chỉ là 1 trong 3 nhà phân phối chính thức. Do đó đóng góp mà Nokia mang lại sẽ khó có thể so sánh được với Xiaomi. Hãng này cũng tỏ ra khá chậm chạp trong việc ra mắt các mẫu điện thoại mới.
Mặt khác, doanh số của các hãng mới gia nhập thị trường như Xiaomi hay Nokia HMD phụ thuộc lớn vào “độ chịu chi” của hãng trong việc marketing và khuyến mãi, đây là yếu tố khó có thể dự đoán được.
Thiết bị văn phòng: Tiếp tục duy trì tăng trưởng cao (+25% doanh thu). So với ngành hàng điện thoại phụ thuộc vào 2 đối tác lớn là Xiaomi và Nokia, ngành thiết bị văn phòng có hợp đồng đến từ đa dạng các đối tác như: Schneider, Logitech, AOC, Genius… Sang năm 2019, công ty kỳ vọng doanh thu từ khách hàng cũ và mới sẽ tăng lần lượt 17% và 8%.
Máy tính xách tay & Máy tính bảng: Cùng với điện thoại, đây là mảng kinh doanh đóng góp doanh thu chính cho công ty (40% tổng doanh thu 2018). Tuy nhiên với tình trạng bão hòa của thị trường laptop, mảng này chỉ tăng trưởng 6% trong năm 2018. Công ty không đặt mục tiêu tăng trưởng cho ngành hàng này trong năm 2019.
Hàng tiêu dùng: Mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu. Mảng hàng tiêu dùng tăng trưởng 50% trong năm 2018 nhưng chỉ đạt 38% kế hoạch đặt ra. Nguyên nhân đến từ các khó khăn ban đầu khi công ty chuyển từ kinh doanh hàng ICT sang hàng tiêu dùng, cũng như việc phải tái cấu trúc lại cơ cấu mặt hàng của C&L – công ty phân phối hàng tiêu dùng mới được mua lại.
KẾ HOẠCH KINH DOANH 2019
DIGIWORLD VÀ NESTLÉ VIỆT NAM KÝ HỢP TÁC CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHO SẢN PHẨM DINH DƯỠNG Y HỌC
Công ty tiếp tục chiến lược tấn công vào thị trường ngách bằng hợp đồng phân phối sữa chuyên dụng mới kí với Nestle. Theo ước tính, thị trường sữa chuyên dụng có giá trị khoảng 7.000 tỷ và có tiềm năng tăng trưởng cao khi mức tiêu thụ sữa chuyên dụng trên đầu người mỗi năm tại Việt Nam (14,8 lít) còn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (23 lít) và Trung Quốc (25 lít). Hợp đồng mới cho phép DGW phân phối độc quyền 6 loại sữa dinh dưỡng y học, phục vụ các đối tượng:
Người cao tuổi: Tỷ lệ dân số trên 50 tuổi tại Việt Nam được dự báo tăng từ 21% (2015) lên 30% (2030), theo Liên Hợp Quốc.
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng tại Việt Nam vào khoảng 25% (Tổ chức Save the children, 2017).
Tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ước tính vào khoảng 10% trên tổng dân số (Bộ Y tế).
Tuy vậy, thị trường này không phải là một “miếng bánh dễ ăn”. DGW/Nestle sẽ gặp phải sự cạnh tranh không hề nhỏ từ các tên tuổi ngoại như Abbot hay Friesland Campina, hay Vinamilk cũng đang bắt đầu lấn sân sang mảng sữa chuyên dụng khi thị trường sữa nói chung đang có sự chững lại.
Về kế hoạch tăng vốn qua phát hành thêm, công ty cho biết sẽ tạm hoãn không thời hạn do điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi. Thay vào đó, công ty sẽ vay nợ ngắn hạn để tài trợ cho nhu cầu vốn tăng lên.
Nguồn: VDSC, DGW IR
Các nguồn định giá tham khảo khác