CTCP Xi măng VICEM Hà Tiên (HT1): Dẫn đầu thị phần khu vực miền Nam, tăng trưởng mạnh trong 2023[Mục Tiệu: 19.008 đ/cp]

Chúng tôi dự phóng KQKD 2023 của HT1 tăng trưởng mạnh trên nền thấp của 2022 với kỳ vọng thị trường xuất khẩu bớt khó khăn so với 2022, giúp giảm cạnh tranh trong nước. Ngoài ra, thị trường BĐS ấm lại vào 2H.2023 sẽ là động lực giúp HT1 tăng sản lượng và giảm áp lực về giá bán. Với triển vọng giải ngân đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành trong 2023 và HT1 tiếp tục giữ vững vị trí doanh nghiệp đầu ngành tại miền Nam, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với HT1 tại thời điểm hiện tại với mức giá hợp lý là 19.008 đồng/cp, chênh lệch 41,3% so với giá đóng cửa ngày 10/02/2023.

Lợi thế cạnh tranh lớn của HT1 khi hoạt động ở thị trường phía Nam luôn dư cầu

Tương quan tiêu thụ và sản xuất tại thị trường cả nước: tiếp tục tình trạng dư cung

Theo số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản xuất toàn ngành Xi măng ước đạt 65,66 triệu tấn, trong đó Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) chiếm khoảng 31,3% sản lượng sản xuất. Tổng sản lượng tiêu thụ tính đến hết tháng 10 đạt 78,27 triệu tấn. Cụ thể: tại thị trường trong nước ước đạt 51,91 triệu tấn; xuất khẩu xi măng, clinker khoảng 26,36 triệu tấn).

Tình trạng cung vượt cầu đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng và giá thành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn ở cả thị trường tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, phân theo khu vực, chỉ thị trường miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng dư cung, thị trường miền Nam luôn ở trong tình trạng dư cầu. HT1 với lợi thế về vị trí địa lý, với 2 nhà máy (gồm Nhà máy xi măng Kiên Lương – Kiên Giang và nhà máy xi măng Bình Phước – Bình Phước), và 3 trạm nghiền xi măng (gồm trạm nghiền Phú Hữu – Tp. HCM, Cam Ranh – Khánh Hòa, và Long An – Long An); tất cả thuận tiện cho các phương tiện bằng đường bộ, đáp ứng nhu cầu tại Tp. HCM và các tỉnh phía Nam. Hiện tại, HT1 đang có 76 nhà phân phối với 10.000 cửa hàng VLXD bao gồm thị trường nội địa trong nước (25 tỉnh phía Nam) và xuất khẩu ở Cambodia và Australia.
Dưới đây là các mỏ đá và phân bổ lò quay theo miền:
Giá bán HT1 và lợi nhuận biên luôn ở trong top các doanh nghiệp cao nhất ngành
Do có lợi thế về vị trí địa lý, giá bán của xi măng Hà Tiên 1 luôn đạt cao nhất ngành tại các thị trường. Theo đó, HT1 vẫn luôn giữ được biên LNG và biên LNR cao hơn các doanh nghiệp khác cũng ngành. Trong 2021 và 2022, có một số quý biên LNG và LNR của HT1 sụt giảm mạnh và thấp hơn các doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung, do tình hình dịch Covid và giãn cách xã hội diễn ra khác nhau giữa các miền.
Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng toàn ngành; HT1 hưởng lợi nhờ chiếm lĩnh thị phần ở miền Nam
Giải ngân đầu tư công lớn với nhiều dự án tại miền Nam là động lực cho tăng trưởng của HT1
Trong kế hoạch đầu tư công 2021-2025, đầu tư cho cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 60% ngân sách. Các dự án trọng điểm tập trung là các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, Sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai. Bắc Bộ, Nam Bộ, Bắc Trung Bộ duyên hải miền khu chiếm 66% tổng vốn đầu tư. Top các tỉnh thành được phân bổ vốn lớn có thể kể tới là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, BR-VT, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nhận được tỷ trọng giải ngân lớn nhất lần lượt là 28%, 19% và 19%.

Cơ cấu tiêu thụ xi măng:

Hiện tại, xây dựng dân dụng vẫn là phân khúc tiêu thụ xi măng chính ở Việt Nam. Do vậy, tiêu thụ trong ngành vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể từ thị trường bất động sản. Xây dựng cơ sở hạ tầng, chiếm 5% tổng sản lượng tiêu thụ xi măng. Tăng cường giải ngân đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy xây dựng dân dụng tại các địa điểm có tuyến đường đi qua. Do vậy, gián tiếp thúc đẩy tiêu thụ toàn ngành.

HT1 chiếm lĩnh thị phần miền Nam

Với thị phần lớn tại các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, HT1 được hưởng lợi gián tiếp từ các dự án trọng điểm tại khu vực này.

Giá nguyên vật liệu đầu vào giảm nhiệt

Cả năm 2022, HT1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.918 tỷ đồng (+26,1% yoy); tuy nhiên, LNST chỉ đạt 262 tỷ đồng (-29,5% yoy), với biên LNG đạt 10%. Giá NVL đầu vào tăng cao làm tăng COGS dẫn tới LNST kém khả quan mặc dù sản lượng hồi phục và giá bán tăng từ nền thấp của 2021. Hiện giá than nội địa đã tăng lên 4 triệu đồng/tấn, từ mức 1,8 triệu đồng/tấn trước đây. Giá than cám 4b nhập khẩu cũng tăng lên 5,5 triệu đồng/tấn. Trong 2022, các doanh nghiệp trong nước đã phải tăng giá khoảng 10% – 15% với mức tăng từ 220.000 – 270.000 đồng/tấn. Theo tính toán sơ bộ từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá than hiện đang chiếm 60% giá thành sản xuất xi măng, khiến doanh nghiệp đứng trước áp lực không nhỏ khi giá than liên tục tăng. Mặc dù tăng giá, nhưng mức tăng này không giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn, biên LNG vẫn giảm mạnh. Hiện nay TKV và TCT Đông Bắc vẫn giữ vai trò chủ đạo sản xuất trên 95% sản lượng than toàn quốc, với tổng trữ lượng than theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam là 48.878 triệu tấn. Tuy nhiên, do điều kiện địa chất phức tạp, công nghệ không phù hợp và điều kiện môi trường phải xứ lý quá phức tạp, hiện tại tài nguyên chắc chắn có thể khai thác chỉ có 3.558 triệu tấn. Do vậy, khả năng tăng công suất sản xuất than thương phẩm của ngành than từ nay tới hết 2035 không nhiều. Trong khi nhu cầu của các ngành công nghiệp như thép và xi măng, giấy, đặc biệt là nhiệt điện ngày càng tăng cao. Do đó, việc nhập khẩu là tất yếu. Ước tính, tới 2035 than nhập khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 50% – 65% lượng than tiêu thụ trong nước, nhu vậy giá than trong nước sẽ bị giá than quốc tế chi phối.

Giá than và giá dầu tăng mạnh trong tháng 3.2022-5.2022, và đang có xu hướng giảm dần trong các tháng cuối năm 2022. BVSC dự báo, xu hướng giảm này sẽ còn tiếp diễn trong 2023, do:

  • Suy thoái kinh tế toàn cầu.
  • Sản lượng cung ứng xăng dầu từ các quốc gia không thuộc OPEC tăng cao hơn dự kiến.
  • Chiến sự Nga – Ukrana dần đi tới hồi kết, các bên đạt được thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc mở cửa, xuất khẩu dễ thở hơn

Xuất khẩu không còn khó khăn như 2022

Trong 2022, khi lượng xuất khẩu Xi măng và Clinker giảm mạnh, các công ty xi măng chuyên xuất khẩu như Hoàng Mai, Thành Thắng, Xuân Trường tập trung vào thị trường trong nước, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với doanh nghiệp tập trung vào thị trường nội địa như HT1. Tổng giá trị xuất khẩu 2022 đạt 1,4 tỷ đô (-20,9% yoy), với mức giảm mạnh ở thị trường Trung Quốc. Trong 2022, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 359 triệu USD (-60,2% yoy), sự sụt giảm mạnh tại Trung Quốc chủ yếu tới từ (i) Chính sách ba lằn ranh đỏ, dẫn tới sự sụp đổ của thị trường BĐS Trung Quốc; (ii) Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách Zero-Covid trong 2022.

Trung Quốc chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam trong giai đoạn tháng 8.2021 – 3.2022. Từ tháng 5.2022, khi giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm đột ngột từ 54 triệu USD trong tháng 4 về 9 triệu USD vào tháng 5; tỷ trọng tiêu thụ xi măng nội địa tăng đột biến từ 70% vào tháng 4 lên 82% trong tháng 5. Giai đoạn T3.2022 – T9.2022 cũng là giai đoạn giá than và giá dầu tăng mạnh. Mặc dù áp lực về chi phí đầu vào lớn, tuy nhiên sự cạnh tranh trong nước gay gắt khiến các doanh nghiệp không thể tăng giá (trừ HT1). Như vậy Trung Quốc mở cửa, sẽ làm giảm áp lực tiêu thụ trong nước cho thị trường xi măng trong 2023.

Tỷ trọng xuất khẩu trong doanh thu của HT1 chỉ chiếm 3%, tuy nhiên HT1 vẫn bị ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành cạnh tranh tại thị trường trong nước. Doanh thu thuần của HT1 trong quý 3.2022 đạt 2.260 tỷ đồng (-5,3% mom) so sánh với mức tăng 21,9% mom của quý 2.2022.

Thị trường lớn thứ 2 là Philippines, giá trị xuất khẩu sang Phillipines đạt 364 triệu đô (+7,2% yoy). Xuất khẩu tới Philippines cũng bị ảnh hưởng trong giai đoạn 8.2021 – 2.2022 bởi vận tải biển khó khăn và giá cước cao, kèm theo thuế chống bán phá giá trên 10% đang áp với xi măng Việt Nam. Trong bối cảnh, cước vận tải biển giảm nhiệt trong các quý cuối 2022, xuất khẩu sang Phillipines cũng giảm bớt áp lực.

Định giá

BVSC sử dụng phương pháp định giá so sánh EV/EBITDA và PE để xác định giá trị hợp lý của HT1. Kết quả, giá trị hợp lý xác định của HT1 là 19.008 đồng/cp, chênh lệch 41,3% so với giá đóng cửa ngày 10/02/2023.

BVSC lựa chọn EV/EBITDA và PE so sánh lần lượt là 5,2 và 15,9; đây là chỉ số trung bình 5 năm từ 2017 – 2022 theo tuần của ngành. Các doanh nghiệp BVSC chọn so sánh bao gồm BTS và BCC, đều là hai doanh nghiệp cùng trong tổng công ty xi măng Việt Nam VICEM, có thanh khoản tốt và vốn hóa lớn.

Nguồn: BVSC


Các nguồn định giá tham khảo khác:


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

HT1 chart. Nguồn: Admin


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


 

 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.