[Nhận định thị trường ngày 19.05 ] Xem xét mở các vị thế mua Trading – Cập nhật VNM – NEUTRAL

TIN THẾ GIỚI

Dow Jones tăng 911,95 điểm, tương đương 3,85%, lên 24.597,37 điểm. S&P 500 tăng 90,21 điểm, tương đương 3,15%, lên 2.953,91 điểm. Nasdaq tăng 220,27 điểm, tương đương 2,44%, lên 9.234,83 điểm.

Giá dầu lên đỉnh hai tháng ngay trước ngày WTI giao tháng 6 đáo hạn.Đây là giá chốt phiên cao nhất kể từ ngày 11/3 đối với cả hai loại dầu, vài ngày trước khi thị trường lao dốc vì OPEC và đồng minh, tức OPEC+, không đạt thỏa thuận giảm sản lượng.

Giá dầu Brent tương lai tăng 2,31 USD, tương đương 7,1%, lên 34,81 USD/thùng.

Giá dầu WTI tương lai tăng 2,39 USD, tương đương 8,1%, lên 31,82 USD/thùng.

VN – INDEX

Phiên giao dịch ngày 18/5, VN-Index hồi phục trở lại khi nhóm cổ phiếu ngành thép và ngân hàng có sự bứt phá với HPG tăng trần, VCB tăng 3,3%, VPB tăng 5,2%… Mặc dù vậy, khối ngoại quay đầu bán ròng hơn 110 tỷ đồng trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 20,6 triệu cổ phiếu, trị giá gần 572 tỷ đồng, trong khi bán ra 27,5 triệu đơn vị với giá trị khoảng 683 tỷ đồng. Kết thúc VN-Index tăng 9,98 điểm (1,21%) lên 837,01 điểm, HNX-Index giảm còn 0,48 điểm (-0,44%) xuống 108,54 điểm, UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (0,24%) lên 53,28 điểm.

Trên HoSE, dòng vốn ngoại chấm dứt 4 phiên mua ròng khi bán ra gần 90 tỷ đồng. VHM, BID bị bán ròng mạnh nhất với 37,5 tỷ đồng và 26,7 tỷ đồng. Mt cổ phiếu khác cũng bị bán ròng 3 phiên liên tiếp là CTG. Ở chiều ngược lại, CCQ VFMVN Diamond được mua ròng phiên thứ 4 với hơn 43 tỷ đồng và chủ yếu đến từ giao dịch thoả thuận. 2 cổ phiếu ngân hàng và VPB và VCB được mua ròng phiên thứ 7 liên tiếp với giá trị trung bình mỗi phiên là 63 tỷ đồng và 46 tỷ đồng.

Đối với HNX, nhà đầu tư nước ngoài giảm bán ròng còn 6,5 tỷ đồng so với mức 13 tỷ đồng của phiên trước. SHB tiếp tục đứng đầu danh sách bán ròng với 4 tỷ đồng nhưng áp lực đã giảm phân nửa. Cổ phiếu này đến hết phiên sáng đã giảm sàn nhưng hồi phục dần trong phiên chiều và đóng cửa ở mức 14.900 đồng/cp. Tiếp theo sau SHS và BVS với giá trị bán ròng 1,5 tỷ đồng và 780 triệu đồng. Ngược lại, TIGtiếp tục được mua vào phiên thứ 2 nhưng giá trị chỉ đạt 470 triệu đồng. TKU và PLC cũng được mua ròng với 200 triệu đồng và 170 triệu đồng.

Tại UPCoM, khối ngoại bán ròng phiên thứ 6 liên tiếp với gần 15 tỷ đồng, tăng 11% so với phiên trước.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

VN-Index dự báo sẽ tiếp tục tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 840-845 điểm trong phiên kế tiếp. Đây vẫn là vùng cản đáng chú ý đối với chỉ số nên BVSC lưu ý khả năng rung lắc mạnh của thị trường khi tiếp cận vùng kháng cự này. Nếu chinh phục thành công vùng cản này, thị trường có cơ hội bước vào nhịp tăng điểm mới để hướng đến vùng kháng cự quan trọng 860-880 điểm trong ngắn hạn.

Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và dòng tiền vẫn sẽ có xu hướng tập trung ở các nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin, dầu khí và nhóm hưởng lợi từ EVFTA (dệt may, thủy sản…).

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 35-45% cổ phiếu, nắm giữ các vị thế trong danh mục và có thể xem xét mở các vị thế mua trading trở lại nếu chỉ số vượt thành công kháng cự 840-845 điểm.

DANH MỤC CỔ PHIẾU KHUYẾN NGHỊ


TIN DOANH NGHIỆP

DVN : Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020, ban lãnh đạo Tổng công ty Dược Việt Nam (UPCoM: DVN) lên kế hoạch kinh doanh thận trọng trong bối cảnh khó khăn từ dịch Covid-19. Mục tiêu doanh thu và thu nhập hợp nhất là 5.854 tỷ đồng, tăng nhẹ 1%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 216 tỷ đồng, giảm 10,5%. Cổ tức năm 2019 và năm 2020 dự kiến 4%/năm. Quý I, công ty ghi nhận doanh thu 1.322 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế là 31,7 tỷ đồng. Sau 3 tháng, Dược Việt Nam đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 15% kế hoạch lợi nhuận.

HVG : HĐQT CTCP Hùng Vương vừa thông qua Nghị quyết đầu tư thành lập Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn chăn nuôi Việt Đan. Cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất Heo giống và Thức ăn chăn nuôi Việt Đan được thành lập theo loại hình là Công ty TNHH hai thành viên với số vốn điều lệ 556 tỷ đồng.Trong đó, CTCP Sản xuất chế biến và phân phối nông nghiệp THADI (Thadi) chiếm 75% vốn và HVG chiếm 25% vốn.

HTI : CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2020 đạt hơn 373 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 74 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức là 14%. Năm 2020, HTI cho biết sẽ phối hợp với VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động) và nhà thầu cung cấp lắp đặt thiết bị rà soát, dự trù tất cả các trường hợp rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống thu phí tự động, xây dựng các phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.

HBC : Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa cho biết, Hòa Bình đã nhận được thư trúng thầu của ba dự án mới là Khu căn hộ vịnh đảo (CT07) Sky Oasis Residence; thiết kế dự án Nhà ở xã hội Vũ Phúc; Cobi Tower 1 và Cobi Tower 2 với tổng giá trị 1.554 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án Khu căn hộ vịnh đảo (CT07) Sky Oasis Residence nằm trong khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đây là dự án tổ hợp trung tâm thương mại và chung cư do CTCP Tập đoàn Ecopark làm chủ đầu tư, có quy mô gồm 2 tầng hầm, 41 tầng cao. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là tổng thầu thiết kế và thi công, tổng giá trị hợp đồng gần 1.500 tỷ đồng, thời gian thi công trong 614 ngày.

SEA : Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam công bố BCTC hợp nhất với lãi ròng quý 1 tăng nhẹ 5% trong khi doanh thu thuần giảm 18%.  Cụ thể, SEA ghi nhận doanh thu thuần và giá vốn hàng bán quý đầu năm 2020 đồng loạt giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó dẫn đến lãi gộp giảm 17%, xuống còn gần 26 tỷ đồng.

BÁO CÁO CẬP NHẬT 

CTCP SỮA VIỆT NAM ( HOSE – VNM ): Tiêu thụ sữa dần phục hồi. Giá sữa bột thấp sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận

Ảnh hưởng từ COVID-19, doanh thu VNM đi ngang trong Q1 nếu loại trừ việc hợp nhất GTN. VNM công bố kết quả Q1 2020 với doanh thu thuần 14.153 tỷ đồng (+7,3% yoy) và lợi nhuận sau thuế 2.777 tỷ đồng (-0.7% yoy). Trong đó có một số điểm chính như sau:

    • Doanh thu nội địa của công ty mẹ chỉ tăng trưởng 1,2% yoy dù giá bán đã tăng 3% kể từ Q4 2019. VNM cho biết thị phần của mình giảm nhẹ so với cuối năm 2019.
    • Biên lợi nhuận ở công ty mẹ đạt 49,4% – tăng 2,8% yoy chủ yếu nhờ: (i) tăng giá bán từ cuối 2019; (ii) giá sữa bột đầu vào giảm và (iii) cơ cấu sản phẩm cải thiện.
    • Xuất khẩu trực tiếp tăng trưởng 7% nhờ vào thị trường Trung Đông. Chúng tôi có lo ngại doanh số sẽ bị ảnh hưởng do giá dầu giảm và dịch COVID-19 tuy nhiên mọi thứ có vẻ vẫn đang ổn. VNM cũng cho biết doanh thu xuất khẩu tháng 4 vẫn đang tăng trưởng tốt ~24% yoy.
    • Doanh thu công ty con ở nước ngoài đi ngang, trong đó Driftwood có bị ảnh hưởng nhẹ bởi các trường học ở California đóng cửa từ giữa tháng 3; Angkor Milk thì vẫn tăng trưởng tốt.
    • Hoạt động kinh doanh của Sữa Mộc Châu (MCM) cải thiện rõ rệt. Trong Q1, MCM đạt mức tăng trưởng 15% về doanh thu và biên lợi nhuận gộp tăng lên 31% từ mức bình quân ~20% trong năm 2019. VNM cho biết đang xây dựng lại hệ thống quản trị và hệ thống phân phối của MCM, riêng vế sau dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6/2020.
    • Tỷ lệ SG&A / doanh thu tăng +1,6% lên 24% do tác động của việc hợp nhất GTN làm tăng chi phí phẩn bổ Lợi thế thương mại; ngoài ra chi phí bán hàng để hỗ trợ cho mùa dịch cũng tăng. Qua đó lợi nhuận Q1 2020 của VNM chỉ đi ngang.

Luận điểm đầu tư

Giá sữa bột thấp sẽ hỗ trợ cho biên lợi nhuận trong phần còn lại của năm 2020. Hiện nay VNM đã chốt giá sữa nguyên liệu đến tháng 6 và đang đấu thầu để chốt đến tháng 9. Theo thống kê của Global Dairy Trade đầu tháng 5 giá WMP là 2.745USD/tấn và SMP là 2.373USD/tấn, thấp hơn lần lượt 12% và 8% so với mức bình quân của năm 2019. BVSC cho rằng nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở Trung Quốc thì giá sữa bột có thể tiếp tục sẽ duy trì ở vùng giá thấp như hiện nay vì dự báo sản lượng sữa của nhóm Big 7 sẽ tăng yoy trong Q2 2020.

Dự báo lợi nhuận cả năm vẫn tăng trưởng 5,1% dù phải gánh chi phí phân bổ Lợi thế thương mại do hợp nhất GTN.BVSC dự báo doanh thu thuần cả năm đạt 62.037 tỷ đồng (+9,7% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 11.089 tỷ đồng (+5,1% yoy). EPS 5.730 đồng/cp và P/E dự phóng 19,7 lần

Định giá

Giá cổ phiếu VNM đã tăng 14% kể từ giữa tháng 4 theo đợt hồi phục chung của thị trường và cũng phần nào phản ánh các tin tức khác như mua cổ phiếu quỹ. Do đó, trong báo cáo này, chỉ khuyến nghị NEUTRALđối với VNM với giá mục tiêu 115.000 đồng/cp. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sự biến động của thị trường vẫn rất khó lường do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở Việt Nam cũng như là toàn thế giới. Do đó, VNM vẫn là một trong những cổ phiếu an toàn hàng đầu nếu thị trường chuyển hướng điều chỉnh về những vùng giá hấp dẫn hơn.

ThanhCongWM Team


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.