Breakout mạnh mẽ với sự đồng thuận của nhiều nhóm cổ phiếu lớn, Vnindex mở ra xu hướng tăng tích cực – Gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục – Cập nhật phân tích FPT BSR

Cổ phiếu có tín hiệu theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền thông minh iBroker SIS™ 4.0

Tín hiệu MUA/BÁN (lọc cổ phiếu khớp lệnh trên 1 tỷ đồng/phiên)

Top cổ phiếu còn tiếp tục xu hướng tăng sau khi có tín hiệu MUA

* Bản đầy đủ bao gồm Phân tích cơ bản (FA) và chart Phân tích kỹ thuật (TA) vui lòng xem trên website www.phowall.vn – Hệ thống tín hiệu dòng tiền thông minh iBroker SIS™ 4.0

ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG

Nhiều dòng cổ phiếu lớn đồng thuận  kéo chỉ số Vnindex bứt phá thành công qua vùng kháng cự tâm lý 1000 điểm, VN-Index được kỳ vọng sẽ bước vào xu hướng tăng điểm và hướng đến thử thách mốc kháng cự 1035-1045 điểm trong thời gian tới. Dòng tiền cũng được dự báo sẽ có sự cải thiện tốt hơn trong thời gian tới. Kèm theo đó là khả năng mua ròng trở lại của khối ngoại sau động thái hạ lãi suất của FED. Các cổ phiếu vốn hóa lớn và ngành ngân hàng vẫn sẽ là các nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường. Ngoài ra, dòng tiền dự kiến cũng sẽ có sự dịch chuyển luân phiên qua các nhóm cổ phiếu khác để hỗ trợ thị trường đi lên.

VN-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự quanh 1024 điểm trong những phiên kế tiếp. Tại đây, chúng tôi để ngỏ khả năng chỉ số có thể xuất hiện nhịp “throwback” để kiểm định lại vùng 1010-1013 điểm trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm ngắn hạn.

Chiến lược đầu tư:

  • Nâng tỷ trọng danh mục, canh mua những cổ phiếu dẫn dắt thị trường và có kết quả kinh doanh tốt như dòng ngân hàng VCB BID CTG ACB MBB TCB , dòng bluechip và midcap FPT MWG PNJ GAS VRE REE PVS BSR POW, dòng chứng khoán SSI HCM VND.
  • Sau khi bứt phá thành công qua vùng kháng cự 1000 điểm, thị trường có thể xuất hiện các nhịp rung lắc điều chỉnh ngắn. Đây được xem là cơ hội để nhà đầu tư thực hiện mở vị thể mua mới hoặc cover lại các vị thế đã bán trước đó.

 

PHÂN TÍCH CƠ BẢN CỔ PHIẾU

CÔNG TY CỔ PHẦN FPT – ( HOSE – FPT )

KẾT QUẢ KINH DOANH

Trong quý 3/2019, FPT mang về 7,104 tỷ đồng doanh thu thuần và 1,369 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng 18% và 30% so với cùng kỳ do tăng trưởng mạnh doanh thu và lợi nhuận của khối Công nghệ.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của khối Công nghệ đạt 4,105 tỷ đồng và 617 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và 39% so cùng kỳ, chiếm 58% và 45% tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của toàn Tập đoàn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu và LNTT của FPT đạt 19,597 tỷ đồng và 3,508 tỷ đồng, tăng 21% và 28% so với cùng kỳ, thực hiện 74% và 79% kế hoạch cả năm. Lãi ròng 9 tháng của Tập đoàn cũng tăng 30% so với cùng kỳ đạt 2,378 tỷ đồng.

Theo báo cáo bộ phận của FPT, doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn chủ yếu đến từ mảng Công nghệ thông tin và viễn thông, còn lại là Đầu tư và giáo dục.

FPT cho hay “Khối Công nghệ(*) ghi nhận doanh thu và LNTT lần lượt đạt 11,068 tỷ đồng và 1,471 tỷ đồng, tăng tương ứng 25% và 42% so cùng kỳ. Doanh thu khối này tại thị trường nước ngoài chiếm 70% đạt 7,796 tỷ đồng, tăng 32%, LNTT đạt 1,246 tỷ đồng, tăng 34%.”

LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ

FPT đưa ra kế hoạch kinh doanh tích cực với doanh thu năm 2019 đạt 26,660 tỷ VND, tăng 15% yoy trong đó khối Công nghệ tăng 15.3% yoy, khối Viễn thông tăng 13% yoy và khối Giáo dục và Đầu tư tăng 21.4% yoy. LNTT năm 2019 dự kiến đạt 1,933 tỷ VND, tăng 16% yoy với động lực từ khối Công nghệ tăng 27.2% yoy và khối Viễn thông tăng 13.9% yoy cùng với phần đóng góp từ nhóm công ty liên kết tăng 14.1% yoy, trong khi đó khối Giáo dục và Đầu tư giảm 13% yoy

Catalyst:

FPT hiện đang giao dịch tại mức PEG 3 năm là 0,7 dựa trên dự báo tăng trưởng kép hàng năm EPS 2018-2021 là 23% nhờ mảng Xuất khẩu Phần mềm, Viễn thông và Giáo dục. Chúng tôi dự báo 3 mảng này sẽ đóng góp tổng cộng 82% LNST sau lợi ích CĐTS 2021 của công ty so với khoảng 72% năm 2018.

Ban lãnh đạo có kế hoạch thực hiện M&A nhằm đưa doanh thu mảng xuất khẩu phần mềm lên 1 tỷ USD vào năm 2021. Ban lãnh đạo đặt kế hoạch sẽ hoàn tất một thương vụ M&A trong năm 2019, có thể là tại Châu Âu, Singapore và Trung Đông.

Xuất khẩu phần mềm tiếp tục tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, công ty đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi số;

 Thuê bao băng thông rộng tăng trưởng ổn định

ĐỊNH GIÁ

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá so sánh tương quan chỉ số P/E các doanh nghiệp cùng ngành có cùng quy mô vốn tại các thị trường đang phát triển của châu Á đối với 2 mảng Công nghệ và Viễn Thông (P/E điều chỉnh dựa trên chênh lệch lãi suất giữa các quốc gia), đối với mảng Giáo Dục do đóng góp không đáng kể vào lợi nhuận dự kiến, chúng tôi giả định mức P/E hiện tại là hợp lý. Giá mục tiêu của FPT theo quan điểm thận trọng được chiết khấu 10% so với kết quả định giá do yếu tố bất ổn định của chỉ số P/E trung bình ngành. FPT hiện đang được giao dịch với mức P/E trailing là 11.27x và P/E forward 2019 dự báo đạt 9.49x, là mức giá hấp dẫn so với các doanh nghiệp cùng ngành có vốn hóa thị trường tương tự thuộc các thị trường châu Á đang phát triển cũng như đối với thị trường Việt Nam nói chung. FPT là doanh nghiệp đầu ngành ở cả 2 mảng Công nghệ và Viễn Thông và duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn trong các năm gần đây. Chúng tôi đánh giá tiềm năng tăng trưởng của FPT còn lớn nhất là khi doanh nghiệp vừa mới tái cơ cấu, tập trung vào mảng kinh doanh có biên lợi nhuận cao thay vì dàn trải nhiều lĩnh vực như giai đoạn trước. Dựa trên triển vọng kinh doanh cũng như mức độ rủi ro thấp trong hoạt động của FPT trong thời gian tới, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu FPT. Giá mục tiêu là 67,800 VND.

Rủi ro

Cạnh tranh lớn từ các tập đoàn công nghệ trong nước và trên thế giới. Về mảng xuất khẩu phần mềm, FPT Software gần như không có đối thủ trong nước nhưng lại gặp phải cạnh tranh lớn đến từ các tập đoàn công nghệ thuộc Ấn Độ, là quốc gia có các hoạt động gia công phần mềm phát triển. Về mảng viễn thông, FPT phải cạnh tranh thị phần với hai ông lớn khác là VNPT và Viettel Telecom. Hệ thống giáo dục của FPT cũng không thoát khỏi áp lực từ cạnh tranh khi các tập đoàn lớn như Vingroup, TH cũng mở các hệ thống trường quốc tế cho riêng mình bên cạnh hệ thống các trường công lập sẵn có. Thiếu hụt nhân sự chất lượng cao, đặc biệt ngành kỹ sư phần mềm. Theo Bộ TT&TT, Việt Nam cần khoảng 1.2 triệu nhân sự CNTT vào năm 2020, trong khi số nhân sự dự báo thiếu hụt khoảng 500,000 người.

FPT chart.

 

CTCP LỌC HÓA DẦU BÌNH SƠN ( UPCOM – BSR )

KẾT QUẢ KINH DOANH

Theo BCTC hợp nhất quý III, Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đạt doanh thu thuần 23.012 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm ít hơn 11% nên lãi gộp giảm 57% về 741 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 6,4% về 3,2%.

Công ty cho biết trong quý III, giá dầu thô biến động liên tục với xu hướng giảm từ 64,04 USD/thùng bình quân tháng 7 xuống còn 59 USD/thùng bình quân tháng 8 rồi tăng nhẹ lên 62,77 USD/thùng bình quân tháng 9, thấp hơn nhiều so với quý III/2018.

Giá dầu giảm dẫn đến giá thành phẩm cũng giảm. Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục, nhà máy luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian để chế biến từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán, điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho với giá cao hơn giá thị trường. Bên cạnh đó, khoản chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính quý III thu hẹp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Điểm sáng là chi phí tài chính trong kỳ giảm mạnh từ 384 tỷ về 45 tỷ đồng, giảm 88% nhờ không bị lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ. Lãi sau thuế vẫn giảm 50% về 589 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, công ty báo doanh thu đạt 73.926 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.251 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 75% và 43% chỉ tiêu năm. BSR mới chuyển đổi từ công ty TNHH thành công ty cổ phần từ 1/7/2018 nên không có số liệu so sánh cùng kỳ.

LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ

Ngành xăng dầu Việt Nam dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận và thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa cho ngành xăng dầu phát triển, tạo nền tảng tích cực cho sự bứt phá của các doanh nghiệp trong ngành.

BSR sở hữu nhà máy lọc dầu đang được vận hành duy nhất tại Việt Nam. Nhà máy này đang hoạt động với hơn 100% công suất. Vì vậy, Công ty đang tiến hành dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất này nhằm tăng sản lượng sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm đầu ra trong tương lai.

Bước sang năm 2019, BSR tiếp tục thận trọng khi đặt ra mục tiêu kinh doanh với doanh thu đạt 97.979 tỷ đồng (giảm 12,5% so với năm 2018) và lợi nhuận sau thuế đạt 2.939 tỷ đồng (giảm 17,4% so với năm 2018).

ĐỊNH GIÁ

Chúng tôi điều chỉnh giảm 66,5% dự báo LNST sau lợi ích CĐTs 2019. Chúng tôi cũng điều chỉnh giảm 41,6% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS trung bình 2020-2024 vì chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo biên dầu diesel 6%-18% trong khi điều chỉnh giảm dự báo biên xăng 13%-22% cho thời gian này.

Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS sẽ phục hồi trong năm 2020 nhờ biên dầu diesel và biên xăng cùng phục hồi khoảng 75% và 15% có thể bù đắp cho việc sản lượng bán ra giảm do 50 ngày tồn kho.

Chúng tôi dự báo LNST sau lợi ích CĐTS trung bình đạt 2,9 nghìn tỷ đồng, dòng tiền tự do 4,5 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2020-2024 và công ty sẽ trả xong nợ từ năm 2021, qua đó duy trì cổ tức bằng tiền mặt trung bình ổn định tại mức 700VND/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 8%) trong giai đoạn này.

BSR hiện đang giao dịch tại mức EV/EBITDA 5 lần trên cơ sở dự báo lợi nhuận 2020 của chúng tôi, thấp hơn 55% so với các công ty khác trong ngành. Chúng tôi cũng dự báo P/B 0,8 lần theo giá trị sổ sách/cổ phiếu 2020.

Khuyến nghị

Khi so sánh với các công ty lọc dầu trong khu vực, chúng tôi nhận thấy BSR đang vận hành tốt hơn trong khi xét về định giá lại rẻ hơn sau mộ thời gian dài cổ phiếu BSR giảm mạnh. Đây là lý do chúng tôi thực hiện đánh giá OUTPERFORM cho cổ phiếu BSR với mức giá mục tiêu là 11.634 đồng/CP.

Rủi ro

Biên dầu diesel tăng chậm hơn so với dự báo, đầu tư vào dự án nâng cấp 1,8 tỷ USD sẽ ảnh hưởng đến cổ tức. Ngành lọc hóa dầu tiếp tục gặp khó khăn trong 2019-2020 do công suất lọc dầu gia tăng mạnh và tập trung chủ yếu ở các nước Châu Á. Theo kế hoạch, chỉ riêng tại Trung Quốc, công suất lọc dầu sẽ tăng thêm 0,89 triệu thùng/ngày năm 2019 và 1,08 triệu thùng/ngày năm 2020. Việc dư thừa nguồn cung có thể tiếp tục kéo mặt bằng crackspread xuống mức thấp hơn 2018.

BSR chart.

 

TIN VĨ MÔ

Tin nước ngoài

  • Theo khảo sát của Cục Dữ trữ Liên bang New York, kỳ vọng lạm phát năm tiếp theo giảm 0.2% xuống 2.3% trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được bắt đầu tiến hành vào năm 2013.
  • Bộ Tài chính Trung Quốc phát hành 4 tỷ trái phiếu chính phủ bằng đồng euro, lần đầu tiên kể từ lần phát hành 1 tỷ trái phiếu chính phủ bằng đồng euro vào năm 2004.
  • Hợp đồng dầu Brent trên sàn London tăng 0.83 USD, hay 1.3%, lên 62.96 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI trên sàn NYMEX tăng 0.69 USD, hay 1.2%, lên 57.23 USD/thùng.
  • Hợp đồng vàng giao ngay giảm 1.8% xuống 1,481.81 USD/oz. Hợp đồng vàng giao tháng 12 giảm 1.8% xuống 1,511.10 USD/oz.
  • Chỉ số Dow Jones tăng +30.52 điểm, hay +0.11% lên 27,492.63 điểm. Chỉ số S&P500 giảm -3.65 điểm, hay -0.12% xuống 3,074.62 điểm.

Tin trong nước

  • Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, 10 tháng năm 2019, tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt gần 6.7 triệu tấn, tăng 5.3% so với cùng kỳ năm 2018. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 7.06 tỷ USD, giảm 2.4% so với cùng kỳ năm 2018. Mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2019 được sẽ là 9 tỷ USD thay cho mục tiêu 10 tỷ USD đề ra từ đầu năm.
  • Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết cuối tháng 11 Việt Nam sẽ chính thức công bố điều chỉnh quy mô GDP giai đoạn 2011-2017.
  • Bộ Công Thương cho biết, tổng nhu cầu điện năng năm 2019 gần 241 tỷ kWh, tăng trên 9.4% so với 2018. Tình trạng thiếu điện sẽ bắt đầu xuất hiện từ 2021, kéo dài tới 2025. Với kịch bản tần suất nước 50%, lượng điện thiếu vào năm 2023 khoảng 1.8 tỷ kWh. Với kịch bản tần suất nước 75%, lượng điện thiếu vào năm 2021-2023 khoảng 1.5-5 tỷ kWh.
  • Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) nghiệm thu, đóng điện dự án nâng công suất trạm biến áp (TBA) 220 kV Tháp Chàm, từ 250 MVA lên 500 MVA, giúp giải tỏa được khoảng 500 MW công suất điện năng lượng tái tạo hiện nay của tỉnh Ninh Thuận.
  • Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết Đức – thị trường tiêu thụ lớn thứ 3 của cá tra Việt Nam tại EU và cũng là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2019 – đang thắt chặt việc kiểm soát dư lượng chlorate trong sản phẩm cá tra nhập khẩu.
  • Theo Dự thảo Tuyên bố chung của các lãnh đạo ASEAN, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ được lùi sang năm 2020. Theo Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, 16 quốc gia đã đồng ý đưa ra tuyên bố chung và hai quốc gia còn lại đang tiến hành đàm phán tiếp cận thị trường.
  • Chính phủ đã đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép bố trí 1,351 tỷ đồng (giảm 2,718 tỷ đồng từ 4,000 tỷ đồng theo báo cáo hồi tháng 5) từ khoản 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhằm trả một phần số nợ nhà đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

 

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP

  • DVP: Lũy kế 9 tháng, Công ty ghi nhận doanh thu 424 tỷ đồng, giảm 9%; lợi nhuận trước thuế đạt 238.9 tỷ đồng (giảm 3.7%) so với cùng kỳ 2018.
  • PLX: Doanh thu thuần quý III đạt 48,640 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 46,175 tỷ đồng), doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đạt 140,302 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 142,843 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 1,112 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 890.5 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 3,640 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 3,187 tỷ đồng).
  • KBC: Công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần 916.5 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí KBC lãi sau thuế 132.2 tỷ đồng trong quý 3/2019, giảm 44% so với kết quả quý 3/2018.
  • HII: Đã công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần 1,134 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, HII lãi sau thuế 17.4 tỷ đồng trong quý 3/2019, tăng 85%.
  • LTG: Quý 3/2019 doanh thu thuần 1,939.6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí LTG lãi ròng 42 tỷ, giảm so với mức 45 tỷ cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, LTG ghi nhận doanh thu 6,597 tỷ, lợi nhuận sau thuế 292 tỷ đồng, tăng 24%.
  • ROS: Đã thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp 22.5 triệu cổ phần sở hữu tại CTCP Đầu tư và Phát triển vườn thú Faros, với giá không thấp hơn 225 tỷ đồng cho các nhà đầu tư quan tâm.
  • VHM: Đã thông qua việc mua 60 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 1.79%/vốn điều lệ. Phương thức giao dịch thỏa thuận và thỏa thuận với nguyên tắc xác định giá tuân theo các quy định của pháp luật.
  • ACB: Thông báo, đã bán ra hơn 35.2 triệu cổ phiếu quỹ trong ngày 30/10 theo phương thức thỏa thuận, với giá 23,800 đồng/cổ phiếu.
  • TLG: Quý 3/2019 đạt doanh thu 770 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, do giá vốn tăng nhanh, chi phí bán hàng cũng tăng 27% và chi phí quản lý tăng 7%, lợi nhuận sau thuế đạt 69 tỷ đồng, giảm 19%.
  • PXS: Đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với số lỗ gần 21 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp PXS thua lỗ.
  • AMV: Dự kiến trong quý 4, AMV sẽ chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư Phát triển Y học Nha Trang, công ty con do AMV sở hữu 98% vốn điều lệ. Giá chuyển nhượng bằng với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần. Mục đích của đợt chuyển nhượng này theo AMV đưa ra là tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
  • VOC: Theo Nghị quyết HĐQT, VOC sẽ tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất năm 2019. Kế hoạch sản xuất điều chỉnh của Công ty như sau: Doanh thu thuần hợp nhất 2.400 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 180 tỷ đồng.
  • ROS: Công ty sẽ chuyển nhượng 22.5 triệu cổ phần sở hữu tại Đầu tư và Phát triển Vườn thú Faros cho các nhà đầu tư có nhu cầu. Giá chuyển nhượng sẽ được thỏa thuận với các bên nhận chuyển nhượng nhưng đảm bảo không thấp hơn mệnh giá.
  • BVH: Ngày 15/8 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm tài chính 2018, ngày đăng ký cuối cùng là 18/11. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10%, thanh toán bắt đầu từ ngày 10/12/2019.
  • HT1: Ngày 11/11 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2018, ngày đăng ký cuối cùng là 12/11. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 12%, thanh toán bắt đầu từ ngày 22/11/2019.

ThanhCongWM Team

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.