[Monthly Recap & Recommendation] Tổng hợp thị trường và khuyến nghị tháng 6/2017: GAS, CAV, PNJ, MBB, FPT, MWG, PPC, REE, HPG, HSG, DHA, CTI, CVT, HBC

TỔNG HỢP THỊ TRƯỜNG THÁNG 6

Thị trường duy trì đà tăng và lập đỉnh mới trong tháng 6. Với 15/22 phiên tăng điểm, VN-Index tăng +38,65 điểm (+5,24%) lên mức đỉnh mới 776,47 điểm, HNX-Index cũng tăng +5,23 điểm (+5,57%) lên 99,14 điểm. Trong đó, nhóm vốn hóa lớn bao gồm SAB, VNM, PLX, GAS, VIC, HPG, MWG và nhóm ngân hàng đóng góp phần lớn điểm số.

Trong tháng 6 thị trường chứng khoán đón nhận nhiều quyết định quan trọng. Quốc hội đã thông qua nhiều luật và nghị định mới bao gồm Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Nghị quyết về xử lý nợ xấu và chính thức thông qua dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thị trường tiếp tục kỳ vọng vào triển vọng tích cực mà các quyết định này hứa hẹn mang lại. Các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dược, xây dựng và vật liệu xây dựng có nhiều diễn biến tích cực. Trong khi đó, giá hàng hóa giảm mạnh trong tháng, đặc biệt là giá dầu thô (-6,7%), giá cao su (-13,7%) và giá đường (-8%) tác động tiêu cực tới cổ phiếu các ngành này.

Cũng trong tháng 6, MSCI đã công bố kết quả Đánh giá phân loại thị trường hàng năm cho 84 thị trường theo dõi. Kết quả ban đầu gây thất vọng bởi Việt Nam chưa được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, kết quả này là hợp lý bởi thị trường Việt Nam còn rất nhiều điểm cần cải thiện trên con đường nâng hạng, cả về quy mô thị trường, quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài và khả năng luân chuyển dòng vốn, đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực của toàn hệ thống. Thị trường giảm nhẹ (-0,65%) sau thông tin này nhưng đã nhanh chóng đánh giá lại, nhìn nhận kết quả này theo chiều hướng tích cực hơn và quay trở lại yếu tố cơ bản.

Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, VN-Index đã tăng +16,8%, HNX-Index tăng +23,7%, cao hơn mức tăng +9,2% và 6,0% của cùng kỳ năm 2016 và được ghi nhận là mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Tổng vốn hóa hai sàn (chưa tính Upcom) đạt 2.090 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh +27.1% so với đầu năm (1.644 nghìn tỷ đồng), trong đó phải kể đến đóng góp của các trụ cột mới lên sàn trong năm 2017 như PLX và VJC. Nếu tính cả sàn Upcom, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vào khoảng 2.500 nghìn tỷ đồng, tương đương 56% GDP và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Giao dịch của khối ngoại tiếp tục nâng đỡ thị trường. Tổng giá trị mua ròng trên cả hai sàn đạt 2.043 tỷ đồng trong tháng, tăng mạnh +83% so với tháng 5. Khối ngoại đã mua ròng liên tục 6 tháng kể từ đầu năm 2017, nâng tổng giá trị mua ròng năm nay lên 9.110 tỷ đồng. Đáng chú ý, quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF đã huy động được thêm vốn đầu tư vào quỹ lần đầu tiên kể từ tháng 2. Trong tháng 6, số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành đã tăng 500 nghìn đơn vị, tương đương có thêm 7,3 triệu USD vốn đầu tư vào thị trường.

Thanh khoản thị trường sụt giảm trong tháng 6 chủ yếu do ROS. Giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 4.979 tỷ đồng/phiên, giảm -12,5% so với tháng 5. Thanh khoản của ROS giảm mạnh từ mức 938 tỷ đồng/phiên xuống 313 tỷ đồng/phiên kéo giảm tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.

Thị trường đang được giao dịch ở vùng giá mới với PE hiện tại là 16.5x cao hơn đáng kể so với 15.7x vào cuối tháng 5 trong khi bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 vẫn chưa được phản ánh khiến nhà đầu tư thận trọng hơn, đặc biệt mùa kết quả kinh doanh này có báo cáo soát xét giữa niên độ. Để bền vững, thị trường cần diễn biến chậm lại về điểm số để tiếp nhận thông tin lợi nhuận chính thức. Vì vậy, dòng tiền sẽ tập trung theo hướng thuận lợi cho các cổ phiếu được dự đoán có triển vọng kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực.

VN-Index tháng 6 tiếp tục tăng điểm
Tăng trưởng 6 tháng đầu năm so cùng kỳ
   
GT mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài (tỷ đồng) Quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF
   

CỔ PHIẾU KHUYẾN NGHỊ

Ngoài nhóm chứng khoán (SSI, HCM, VND) có KQKD sẽ hưởng lợi trực tiếp từ diễn biến tích cực của thị trường thì một số cổ phiếu như  GAS, CAV, PNJ, MBB, FPT, MWG, PPC, REE, HPG, HSG, DHA, CTI, CVT, HBC là các cổ phiếu hiện có các yếu tố hỗ trợ mạnh cho tăng trưởng KQKD quý 2 và 6 tháng đầu năm.

CK Giá hiện tại
(30/6/2017)
Giá

mục tiêu

Upside

(%)

Giá tại ngày khuyến nghị Gía hiện tại so với giá khuyến nghị Giá cao nhất trong kỳ so với giá khuyến nghị PE 2017 Ghi chú
Các cổ phiếu đã khuyến nghị kỳ trước (ngày 13/6/2017)       
SSI         27,650  n.a n.a          26,600 3.9% 4.1% n.a Duy trì khuyến nghị
HCM         44,600  n.a n.a          43,800 1.8% 3.3% n.a Duy trì khuyến nghị
VND         21,600  n.a n.a          21,500 0.5% 1.9% n.a Duy trì khuyến nghị
MBB         22,300               26,600 19.3%          19,900 12.1% 12.1% n.a Duy trì khuyến nghị
VCB         38,500               41,800 8.6%          38,600 -0.3% 2.8% n.a Duy trì khuyến nghị
HPG         32,000               37,900 18.4%          29,400 8.8% 8.8% 6.1 Duy trì khuyến nghị
HSG         32,400               35,400 9.3%          31,600 2.5% 2.5% 6.8 Duy trì khuyến nghị
DHA         33,200               40,300 21.4%          31,600 5.1% 9.5% 8.5 Duy trì khuyến nghị
CTI         30,400  n.a n.a          30,400 0.0% 0.0% 11.0 Duy trì khuyến nghị
CTD      216,500             253,800 17.2%        210,300 2.9% 4.0% 8.9 Duy trì khuyến nghị
Khuyến nghị mới 7/2017
CVT         46,600  n.a n.a         46,600 7.7
REE         36,900  n.a n.a         36,900 8.8
MWG      102,900             128,000 24.4%       102,900 n.a
PNJ      101,800  n.a n.a       101,800 15.5
HBC         51,300  n.a n.a         51,300 8.0
PPC         20,500               23,000 12.2%         20,500 8.5
FPT         46,850               51,800 10.6%         46,850 11.9
CAV         57,500               65,000 13.0%         57,500 11.3
GAS         58,300               69,800 19.7%          58,300     14.3

 

Cơ hội đầu tư ở các ngành có tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với tăng trưởng lợi nhuận chung của thị trường

Nhóm Dịch vụ tài chính – chứng khoán (+86,8%)

(Loại trừ OGC ra khỏi bảng tính thì tăng trưởng lợi nhuận của nhóm này là 6,8%)

Top pick: SSI, HCM, VND

Nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tăng 43,7% từ đầu năm và vẫn còn dư địa tăng trưởng trong dài hạn do:

(1) GTGD thị trường tăng và duy trì ở mức cao, đóng góp bởi NĐT trong nước lẫn nước ngoài

(2) TTCK phái sinh đi vào vận hành, NĐT có thêm công cụ giúp gia tăng thanh khoản

(3) Nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi đang dần được cụ thể hóa bởi cơ quan quản lý thị trường

(4) VCSC sẽ niêm yết trong nửa cuối năm nay, đây là 1 trong top 3 CTCK có thị phần hàng đầu và đo đó có thể sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực cho cổ phiếu khác trong ngành

Động lực của thị trường vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới:

  • Định giá TTCK Việt Nam còn thấp khoảng so với thị trường các nước trong khu vực (P/E ~16 lần)
  • Hàng hóa đa dạng và chất lượng. Các doanh nghiệp như SAB, BHN, NVL, VJC, QBS, PC1, PLX sau khi niêm yết đã và đang đón nhận sự quan tâm lớn của NĐT trong và ngoài nước cùng nhiều quỹ/tổ chức lớn. Sắp tới sẽ là VEAM, PV Power, TCB, Viettel Global, Mobifone…
  • Vốn hóa thị trường so với GDP còn thấp (~53% GDP so với mục tiêu 70% GDP của Chính phủ). Vốn hóa thị trường đã tăng 23,5% so với cuối năm 2016 cho thấy TTCK đã đạt được những thành tựu đầu tiên trước nỗ lực của tất cả các thành viên thị trường.

Các công ty có thị phần môi giới lớn và doanh thu môi giới chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu như SSI, HCM, VCSC và VND sẽ hưởng lợi trực tiếp từ chuyển biến tích cực của thị trường. Xét về định giá P/E và P/B thì SSI và VND đang rẻ hơn so với HCM. Định giá thấp sẽ giúp giá cổ phiếu phản ứng nhanh hơn với các yếu tố tích cực của thị trường. GTGD trong Q2/2017 vượt dự báo có thể tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các công ty này.

  Giá P/E P/B ROE ROA LNST 2016 LNST 2017KH % tăng trưởng LNST Q1/2017 % tăng trưởng % kế hoạch
SSI 26.250 12,7 1,5 13.3% 7,2% 875 840,0 -4,0% 294,0 53,5% 35,0%
HCM 42.550 16,2 2,2 14.0% 9,0% 304,5 361,1 18,6% 94,9 46,7% 26,3%
VND 20.800 8,2 1,4 19.0% 7,1% 186,3 n.a n.a 222,8 684,6% n.a

 

     

Nguồn: SSI, Fiinpro

GAS

Theo KQKD sơ bộ 5T2017, doanh thu của GAS đạt 27 nghìn tỷ đồng (52% kế hoạch năm) và 3,5 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng (66% kế hoạch năm). Trong nửa đầu năm 2016, lợi nhuận ròng sau thuế của GAS đạt 3,14 nghìn tỷ đồng.

Dựa trên KQKD sơ bộ 5 tháng đầu năm 2017, GAS ước tính có thể đạt 30% tăng trưởng lợi nhuận ròng trong 6T2017, đây là kết quả ấn tượng so với các công ty khác cùng ngành Dầu khí đang khó có thể đạt lợi nhuận tích cực. Giá FO so với đầu năm trung bình ở mức 301 USD/tấn, (+41% YoY) và giá FO tăng mạnh là yếu tố chính giúp công ty đạt KQKD tích cực trong 6T2017. Nhờ kết quả 6T2017, khả năng cao GAS sẽ vượt kế hoạch kinh doanh cẩn trọng năm 2017.

Nhờ chính sách giá sàn, lợi nhuận của GAS có thể được bảo vệ đáng kể khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu thấp. Giới hạn lợi nhuận ròng tối thiểu của GAS được ước tính vào khoảng 5.500-6.000 tỷ đồng trong điều kiện giá dầu biến động kém thuận lợi.

GAS hiện đang đang giao dịch tại PE 2017 (đã tính khoản thu nhập bất thường từ việc tăng phí đường ống Cửu Long) là 14,1x và PE 2018 là 13,8x, là mức tương đối hấp dẫn. Giá mục tiêu 1 năm của GAS ở mức 69.800 đồng/cp, với PE mục tiêu là 17x.

CAV

Theo ban lãnh đạo, trong 5T2017, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của CAV đạt tương ứng 2.441 tỷ đồng và 161 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2017. Biên lợi nhuận trước thuế vẫn ở mức cao 6,6%, tương đương biên lợi nhuận quý 1/2017. Giá đồng tăng 20% trong nửa đầu năm 2017 so với cuối năm 2016, và CAV cũng tăng giá bán lẻ lên 20% theo tỷ lệ tăng giá đồng để duy trì biên lợi nhuận hiện tại.

Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2017, công ty sẽ hoàn thành 48% KH doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế (năm 2017, CAV đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế tương ứng 6.200 tỷ đồng và 410 tỷ đồng). Vì vậy, lợi nhuận trước thuế 6T2017 sẽ tăng trưởng khoảng 34,6% so với cùng kỳ năm 2016.

KQKD trong nửa cuối năm 2017 của CAV sẽ tốt hơn nửa đầu năm do kết quả kinh doanh trong quý 1 bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết nguyên đán.  Ngoài ra, công ty vừa  tăng công suất thêm 5 tấn nguyên liệu đồng tại nhà máy Đồng Nai trong quý 2/2017.

CAV đang giao dịch tại PE năm 2017 là 11,3x. KQKD thực hiện vượt kế hoạch năm 2017 sẽ là yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu.

PNJ

Theo PNJ, lợi nhuận ròng 4T2017 đạt 300 tỷ đồng (cao hơn so với 244,5 tỷ đồng của 6T2016), hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2017. Phân khúc trang sức vàng tiếp tục đạt kết quả vượt bật, với doanh thu tăng 31,2% YoY (cao hơn so với tăng trưởng của quý 1/2017 là 29,3%). Công ty mở 13 cửa hàng mới trong 4 tháng đầu năm 2017, hoàn thành 32,5% kế hoạch năm.

Thị trường trang sức Việt Nam chỉ mới phát triển và còn mang tính tự phát, khoảng 80% thị phần thuộc về các công ty nhỏ lẻ và cửa hàng gia đình. Do đó còn rất nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp trang sức lớn như PNJ với các lợi thế về quy mô, chi phí sản xuất thấp và chuỗi cửa hàng bán lẻ rộng khắp từ Nam ra Bắc.

Cổ phiếu đang giao dịch tại PE 2017 là 15,5x và PE 2018 là 12x. Với một doanh nghiệp bán lẻ trang sức dẫn đầu thị phần và còn nhiều dư địa để tăng trưởng như PNJ thì mức định giá này vẫn còn hấp dẫn.

MBB

MBB đã hợp tác với Shinsei, một ngân hàng Nhật Bản, để thành lập Công ty Tài chính TNHH Hai Thành viên MB (MCredit). Theo Stockplus, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng khoảng 15,1 tỷ USD vào năm 2015, và bao gồm 2 công ty chi phối (FE Credit và HD Saison). Được hỗ trợ kinh nghiệm từ Shinsei cùng với thế mạnh về tài chính và mạng lưới khách hàng của MBB, MCredit sẽ có thể giành lấy thị phần trong phân khúc có lợi nhuận cùng rủi ro cao này. MCredit cung cấp gói cho vay cá nhân với quy mô nhỏ không cần tài sản bảo đảm để mua thiết bị gia dụng, điện thoại di động và vay cá nhân tiêu dùng. Trong ngắn hạn, MBB được ước tính đã bán 49% cổ phần của MCredit cho Shinsei với giá lớn hơn khoảng 2 lần so với giá trị sổ sách, nghĩa là MBB sẽ sớm ghi nhận lợi nhuận thuần khoảng 245-250 tỷ đồng sớm nhất vào quý 2 năm 2017.

Kết quả sơ bộ nửa đầu năm, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khả quan. Dự báo lợi nhuận trước thuế của MBB sẽ đạt từ 2.500 – 2.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 (+35-40% YoY). Mức lợi nhuận có thể đạt được nhờ tỷ lệ NIM hiện tại của MBB đang ở mức cao, khoảng 4% và cao hơn nhiều so với các ngân hàng lớn hơn, chỉ bằng khoảng 2,7 – 2,8%. Thêm vào đó, thu nhập từ phí có thể tăng trưởng mạnh vào năm 2017.

MBB đang giao dịch tại PB 2017 và PB 2018 tương ứng khoảng 1,47x và 1,39x. Thị trường đã đánh giá lại MBB dựa trên tăng trưởng lợi nhuận và triển vọng tươi sáng. Với PB mục tiêu là 1,8x, mức giá mục tiêu trong 1 năm cho MBB là 26.600 đồng.

FPT

FPT đã công bố kết quả 5 tháng đầu năm 2017, doanh thu và lợi nhuận thuần đạt tương ứng 16.366 tỷ đồng (+12% YoY) và 745 tỷ đồng (+10% YoY). Mức lợi nhuận thuần trong 5 tháng đầu năm đã gần bằng mức 861,6 tỷ đồng trong 6T2016. FPT đang đẩy nhanh quá trình thoái vốn tại FTG và FRT và công ty tự tin sẽ kết thúc hai thương vụ vào năm 2017.

FPT có lợi thế là doanh nghiệp đầu ngành (số 1 về gia công phần mềm, số 2 về internet băng thông rộng và bán lẻ sản phẩm CNTT). Xuất khẩu phần mềm của Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Nhật và EU dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 25-30% trong 3 năm tới. Trong lĩnh vực viễn thông, số lượng người dùng internet dự kiến sẽ tăng ít nhất 6.3% trong 5 năm tới. Đây đều là các phân khúc mũi nhọn giúp thúc đẩy tăng trưởng của tập đoàn.

FPT hiện đang giao dịch ở PE 2017 là 11,9x, khá thấp. Giá mục tiêu 1 năm vẫn giữ nguyên ở mức 51.800 đồng/ cổ phiếu. Lợi nhuận ngắn hạn và dòng tiền từ các thương vụ thoái vốn sắp tới có thể sẽ giúp giá cổ phiếu tăng trưởng trong năm 2017.

MWG

MWG đã công bố KQKD trong 5 tháng đầu năm tích cực với doanh thu và LNST đạt lần lượt 25.933 tỷ đồng (+60% yoy) và 896 tỷ đồng (+28% yoy), hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đặt ra trong năm 2017. Trong 6T2016, MWG đạt LNST 834,4 tỷ đồng.

MWG vẫn tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và bỏ xa đối thủ trong mảng bán lẻ điện thoại di động và điện tử gia dụng với hệ thống phân phối vượt trội. Đến cuối tháng 5, MWG đã sở hữu 1.009 cửa hàng di động, 373 cửa hàng điện máy, và hệ thống siêu thị Bách Hoá Xanh với 95 siêu thị mini. Theo ban lãnh đạo, Bách Hoá Xanh đang tích cực triển khai mô hình kinh doanh mới trong nửa cuối năm 2017, trong đó sản phẩm thịt tươi sống. Các siêu thị sử dụng mô hình kinh doanh cũ có doanh thu 0,9-1 tỷ đồng/tháng, trong khi các cửa hàng sử dụng mô hình kinh doanh mới đem lại doanh thu 1-1,2 tỷ đồng/tháng.

MWG đang giao dịch ở mức PE 2018 là 11,3x, đây là mức định giá thấp với một công ty bán lẻ có vị thế dẫn đầu . Mức giá mục tiêu cho MWG là 128.000 đồng/cổ phiếu với mức PE mục tiêu 14x dựa trên kỳ vọng Bách Hóa Xanh sẽ triển khai thành công mô hình kinh doanh mới.

PPC

Trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng điện thương mại của PPC đạt 1.931 triệu KWH. Doanh thu và lợi nhuận thuần đạt tương ứng 2.564 tỷ đồng và 350 tỷ đồng. Ước tính trong 6 tháng đầu năm, PPC có thể đạt 450 tỷ đồng lợi nhuận ròng so với khoản lỗ 350 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2016.

PPC đang tích cực thanh toán các khoản nợ bằng đồng JPY giúp giảm đáng kể rủi ro tỷ giá trong giai đoạn 2018-2019 và tạo tác động tích cực hơn cho lợi nhuận của công ty. Kỳ vọng vào cuối tháng 6, số dư nợ bằng đồng JPY của PPC sẽ giảm xuống còn khoảng 6,5 tỷ JYP (tương đương 1.300 tỷ VNĐ) và 5 tỷ JPY vào cuối năm 2017.

Giá bán điện năm 2017 có thể tăng giúp tăng lợi nhuận do tỷ trọng sản lượng điện theo giá hợp đồng PPA cao hơn so với 2016, giá than đầu tăng và giá trần thị trường điện cao hơn năm 2016.

PPC đang được giao dịch tại PE 2017 ước tính là 8,5x, khá hấp dẫn khi lợi nhuận đang có sự cải thiện đáng kể và sẽ ổn định hơn khi dư nợ JPY giảm dần. PPC dự kiến trả cổ tức 15% cho năm 2017, tương ứng với tỷ suất cổ tức là 7,3%. Rủi ro tài chính của công ty do phải tăng vay vốn dài hạn để đầu tư nâng cấp nhà máy Phả Lại 1 giai đoạn 2018-2021.

REE

REE đã đạt KQKD ấn tượng trong quý 1/2017 với doanh thu và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 1.088 tỷ đồng (+97% YoY) và 331 tỷ đồng (+237% YoY) nhờ doanh thu mảng M&E khi hoàn thành các dự án lớn (+216% YoY) và mảng điện (+152% YoY). Theo đó, REE đã hoàn thành được 29% kế hoạch lợi nhuận trong năm.

Triển vọng KQKD của REE sẽ tiếp tục khả quan trong quý 2 nhờ chuyển biến tích cực của nhiều mảng kinh doanh: (1) Mảng M&E liên tục tăng trưởng cao trong nhiều năm và tiếp tục duy trì nhờ giá trị hợp đồng gối đầu cao, hiện tại đạt 6.000 tỷ đồng, (2) khoản đầu tư vào ngành điện có triển vọng khả quan nhờ KQKD tích cực của các nhà máy thủy điện, (3) lợi nhuận hợp nhất từ PPC có sự cải thiện đáng kể và ổn định hơn hơn khi PPC giảm thiểu rủi ro tỷ giá bằng việc thanh toán nhanh các khoản nợ bằng JPY, (4) mảng BĐS ghi nhận lợi nhuận cao từ VIID và SaigonRes trong năm 2017 nhờ các dự án đang thực hiện và (5) mảng văn phòng cho thuê sẽ tạo động lức tăng trưởng xa hơn trong giai đoạn 2018-2020

REE đang được giao dịch tại PE 2017 và 2018 lần lượt là 8,8x và 8,5x, mức định giá hấp dẫn so với tiềm năng và mức định giá của các cổ phiếu bluechips khác trên thị trường (PE của VN30 đang ở mức khoảng 14x).

HPG

Trong quý 1/2017, HPG đã đạt KQKD tăng trưởng ấn tượng nhờ gia tăng về cả sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán và xu hướng này đang tiếp tục diễn ra trong quý 2/2017. Các sản phẩm thép xây dựng và ống thép của HPG tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với thị phần đạt lần lượt 24,2% và 26,5% so với con số 19,5% và 22,3% trong quý 1/2016.

Tiêu thụ thép toàn thị trường vẫn đang tăng trưởng tốt. Tổng lượng thép xây dựng sản xuất trong 5 tháng đầu năm đạt 3.676.645 tấn, tăng 12,83% YoY. Trong đó, tiêu thụ đạt 3.483.326 tấn, tăng 3,92% YoY. Đặc biệt, xuất khẩu đạt tới 372.050 tấn, tăng 94,86% YoY.

Thị phần dẫn đầu đi kèm với các thuận lợi sẵn có như lợi thế chi phí sản xuất và hưởng lợi từ thuế tự tự sẽ giúp HPG duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. HPG đang được giao dịch tại PE 2017 là 6,1x. Giá mục tiêu 1 năm đưa ra là 37.900 đồng/cp, dựa vào PE mục tiêu là 7x và phù hợp với NĐT dài hạn với kỳ vọng HPG có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân hơn 20% trong vòng 4 năm tới nhờ dự án Khu liên hợp thép Dung Quất.

HSG

Hai dây chuyền mạ kẽm mới ở Ninh Bình và Nghệ An dự kiến đi vào hoạt động sẽ giúp gia tăng tổng công suất của HSG lên 36% đạt 2,2 triệu tấn/năm. Nhà máy Nghệ An đã chính thức vận hành vào ngày 6/6, đây sẽ là động lực tăng trưởng sản lượng tiêu thụ cho HSG.

HSG đang được giao dịch tại P/E 2017 và 2018 lần lượt là 6,8x và 5,6x, khá hấp dẫn với yếu tố tích cực ngắn hạn nhờ thuế tự vệ vừa được ban hành và triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của doanh nghiệp.

DHA

Trong năm 2016, sự cố sập cầu Ghềnh từ ngày 20/3 đến đầu tháng 7 đã ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ đá ở mỏ này (-31% yoy). DHA cho biết giá bán đá khai thác từ mỏ Núi Nhỏ đã tăng 10% và mỏ Tân Cang 3, Thạnh Phú 2 đã tăng 2-3%. Công ty cũng dự kiến giá bán sẽ tiếp tục tăng 20% nữa trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ gia tăng. Do đó, có cơ sở thể kỳ vọng KQKD của DHA trong những quý tiếp theo sẽ tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm 2016.

DHA hiện đang được giao dịch tại P/E 2017 và 2018 ở mức 8,5x và 6,8x, thấp hơn KSB (khoảng 9x) và mức định giá P/B cũng chỉ ở mức 1,3x, thấp nhất so với các công ty khai thác đá niêm yết. Mức giá hợp lý cho DHA là 40.300 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E mục tiêu 10x và P/B 1,7x. Các mỏ của DHA có thời giạn khai thác từ 8-10 năm nữa trong khi các mỏ chính của KSB, C32 và NNC sẽ hết hạn khai thác vào cuối năm 2017 hoặc sẽ được gia hạn tối đa thêm 2 năm.

CTI

Doanh thu mảng thu phí trong quý 1/2017 tăng 36% khi cả hai trạm T1 và T2 cùng đi vào hoạt động. LNST trong quý 1đạt 33,8 tỷ đồng, tăng trưởng 13,6% yoy và hoàn thành 23,1% kế hoạch đặt ra trong năm.

Thu phí là một nguồn thu ổn định giúp CTI duy trì tăng trưởng từ quý 2 trở đi. Ngoài ra, CTI sẽ tăng cường đầu tư các lĩnh vực khai thác đá, sản xuất ống cống bê tông và phát triển KCN Phước Bình. Đây sẽ là nguồn chính mang lại sự tăng trưởng KQKD cho công ty trong tương lai. CTI đã cho biết đã chính thức khai thác đá tại mỏ đá Xuân Hòa (Đồng Nai) và cung cấp ra thị trường kể từ ngày 15/5/2017 vừa qua.

CTI đang được giao dịch tại P/E 2017KH là 11x, mức giá khá hấp dẫn để đầu tư bởi tính ổn định và mảng khai thác đá là yếu tố dẫn dắt tăng trưởng tiềm năng.

CVT

CVT đã tập trung nâng cao năng lực sản xuất từ mức chỉ 5 triệu m2/năm vào năm 2011 lên mức hiện tại là 16 triệu m2/năm, giúp KQKD kinh doanh liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Công ty đang đầu tư thêm dây chuyền mới với công suất là 3 triệu m2/năm tại nhà máy CMC2 (giai đoạn 3), sản xuất gạch granite thấm muối tan dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 4, nâng tổng công suất thiết kế thêm 18,8%. Đây là sản phẩm mới định hướng theo phân khúc cao cấp với giá bán cao hơn phân khúc truyền thống sẽ giúp công ty gia tăng biên lợi nhuận. Ngoài ra công ty cũng đang tìm cách phát triển thị trường phía Nam thông qua việc ký thêm hợp đồng với 2 đại lý ở TP. HCM vào cuối năm nay.

CVT đặt kế hoạch cho năm 2017 đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu (+16,3% YoY) và 170 tỷ đồng LNST (+11,8% YoY). Riêng quý 1/2017, CVT đạt 189,2 tỷ đồng doanh thu thuần và 28,6 tỷ đồng LNST, tăng trường lần lượt 16,0% và 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mới chỉ hoàn thành 17% lợi nhuận kế hoạch do tình hình tiêu thụ còn chậm trong quý đầu năm, KQKD của CVT sẽ tăng trưởng nhanh hơn từ quý 2 khi bắt đầu bước vào mùa xây dựng ở khu vực miền Bắc và các công trình xây dựng thường đẩy nhanh tiến độ vào cuối năm.

CVT đang được giao dịch tại PE 2017KH là 7,7x. Với tiềm năng tăng trưởng cao khi công ty liên tục nâng công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn từ thị trường, đây là mức định giá khá hấp dẫn của cổ phiếu cho nhà đầu tư trung và dài hạn. Việc CVT chuyển niêm yết từ sàn HNX sang HOSE như đã thông qua tại ĐHCĐ sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư lớn.

HBC

HBC đặt kế hoạch doanh thu và LNST cho cả năm 2017 đạt lần lượt 16.000 tỷ đồng (+48,6% YoY) và 828 tỷ đồng (+46% YoY). Chỉ riêng quý 1/2017, công ty đã thực hiện được 3.033 tỷ đồng doanh thu và 181 tỷ đồng LNST, tương ứng với mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt 87,4% và 250,8% so với cùng kỳ năm trước mặc dù là quý thấp điểm.

Trong 4 tháng đầu năm 2017, công ty cho biết đã ký kết được hơn 10.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng mới, hoàn thành 50% kế hoạch đặt ra cho năm 2017 và nâng tổng giá trị hợp đồng còn lại cho quý 2/2017 trở đi lên con số gần 25.000 tỷ đồng với nhiều dự án lớn như sân Golf Đầm Vạc và Khu Biệt thự nhà vườn Mậu Lâm – Đầm Vạc (Times Garden Vĩnh Yên), Chung cư cao cấp Phường Phú Hữu, Quận 9 của Khang Điền (KDH), Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay… Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng HBC sẽ duy trì tăng trưởng KQKD vượt bật trong quý 2 và hoàn thành vượt kế hoạch đặt ra trong năm 2017.

HBC đang được giao dịch tại PE 2017KH là 8,0x, mức giá khá tốt để đầu tư với một trong những doanh nghiệp xây dựng hàng đầu có tiềm năng tăng trưởng cao và khối lượng công việc đảm bảo trong 2 năm tới nhờ giá trị hợp đồng ký kết gối đầu lớn.

SSI Research

* Chi tiết phân tích từng cổ phiếu vui lòng liên hệ Vũ Thành Công – congvt@ssi.com.vn

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.