NH TM CP QUÂN ĐỘI (MBB) : Tiến tới ngân hàng số [Mục tiêu 40.800 đ/cp]

Chúng tôi điều chỉnh tăng lợi nhuận giai đoạn 2022-2023 lên 7,2%/11,1% so với dự báo cũ nhằm phản ánh tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và CASA cao hơn mức dự kiến, giá mục tiêu mới của MBB là 40.800đ/cp.

Tăng trưởng toàn diện

Trong năm 2021, thu nhập lãi (NII) tăng trưởng 29% svck nhờ tín dụng tăng trưởng 26% svck và NIM đạt 5,03%. Thu nhập ngoài lãi (non-ii) tăng mạnh 51,5% svck nhờ thu nhập từ nợ xấu đã xử lý tăng 68,1% svck và thu nhập từ hoạt động bảo hiểm tăng 23,7% svck. Về mặt chi phí, CIR giảm về 33,5% từ mức 38,6% năm trước, nhờ quản lý chi phí nhân viên hiệu quả. Chi phí dự phòng tăng 31,2% svck, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 268% – cao thứ hai trong ngành. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) giảm về 0,9% từ mức 1,1% năm trước, thấp hơn 53% so với mức trung bình ngành là 1,92% năm 2021.

Luận điểm đầu tư

Các điểm chính trong cuộc gặp với chuyên viên phân tích:

Trong cuộc họp với chuyên viên phân tích ngày 15/3/2022 vừa qua, MBB đã chia sẻ vể chiến lược giai đoạn 2022-2026 và kết quả sơ bộ Q1/2022.

  • Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ, bao gồm cho vay cá nhân và micro-SME với mục tiêu tăng trưởng khách hàng đạt mức 20 triệu vào năm 2022 và mức 30 triệu trong năm 2026, trong đó, số lượng khách hàng mảng dịch vụ Priority và Private đạt 2,8 triệu.
  • Ngân hàng duy trì đầu tư từ 1,6-2 nghìn tỷ mỗi năm trong 5 năm tiếp theo vào nền tảng công nghệ với các sáng kiến kỹ thuật số tập trung vào BAAS (nền tảng ngân hàng dưới dạng dịch vụ), dữ liệu lớn…
  • Ngân hàng cũng đặt các mục tiêu cụ thể về mặt tài chính trong giai đoạn 2022- 2026 về tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm, bao gồm: tài sản đạt 11%, tín dụng đạt 17%, tổng thu nhập hoạt động đạt 24% và lợi nhuận trước thuế đạt 21%.
  • Ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho đối tác chiến lược – Tập đoàn Viettel. Chi tiết về đợt phát hành riêng lẻ vẫn chưa được hé lộ thêm. Về phương án chia cổ tức, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ ít nhất là 15%, kết quả cuối cùng sẽ được thông qua tại đại hội đồng cổ đông vào ngày 25/4/2022 tới đây.
  • Trong năm 2022, ngân hàng đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20,9 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% svck với mức tăng trưởng tín dụng đạt 20% svck. Cũng trong cuộc họp này, ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng đạt 10% sv cuối năm trước và lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 20% svck) trong Q1/22.

Trên góc độ của chúng tôi, MBB sẽ đạt được những mục tiêu đề ra vì những lý do sau:

  • Ngân hàng có vốn hóa tốt hơn các ngân hàng khác với tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,2% (theo Base II) vào cuối năm 2021, điều này sẽ cho phép ngân hàng duy trì tăng trưởng cho vay mạnh mẽ trong thời gian tiếp theo.
  • Tiềm năng tăng trưởng thu nhập ngoài lãi nhờ nguồn thu đa dạng và các công ty con.
  • Việc mở rộng cho vay bán lẻ và micro-SME giúp ngân hàng có mức tài sản sinh lãi cao hơn các ngân hàng khác. Bên cạnh đó, chi phí vốn sẽ không tăng quá nhiều khi ngân hàng đang tập trung tăng trưởng CASA nhờ các chương trình thu hút khách hàng và nâng cấp các ứng dụng. Chúng tôi ước tính NIM năm 2022 đạt 5,03%.

Dự phóng giai đoạn 2022-2023

Tập trung vào cho vay bán lẻ và micro-SME

Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng kép hàng năm tín dụng đạt 17% giai đoạn 2022-2026 (thấp hơn mức 21% giai đoạn 2017-2021) dựa trên chiến lược tiếp tục tăng trưởng cho vay bán lẻ và mở rộng cho vay với micro-SME. Như thông tin chia sẻ tại cuộc họp với chuyên viên phân tích ngày 15/3/2022, tăng trưởng tín dụng ngân hàng ước tính đạt 10% sv cuối năm trong Q1/22. Ngân hàng dự định sẽ đề xuất với ngân hàng Nhà nước nhằm nâng hạn mức tín dụng cao hơn mức hiện tại là 15%. Chúng tôi tin ngân hàng sẽ được tăng hạn mức tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng 20% tín dụng trong năm 2022 nhờ hệ số an toàn vốn (CAR) khá cao (11,2% theo Base II) và LDR thấp (chúng tôi ước tính khoảng 70%) vào cuối năm 2021.

NIM mở rộng nhờ cho vay bán lẻ và CASA cao

Nhìn lại năm 2021, cho vay của ngân hàng tăng 21,6% svck, trong đó cho vay bán lẻ tăng 27,5% svck. Chúng tôi tin đây là kết quả của việc thu hút khách hàng nhờ các chương trình và chính sách mới như miễn phí chuyển khoản khi sử dụng ứng dụng, tài khoản số đẹp, miễn phí quản lý với khách hàng doanh nghiệp…. và các chính sách này sẽ tiếp tục hoạt động trong giai đoạn 2022- 2026. Tăng trưởng cho vay bán lẻ sẽ giúp ngân hàng có mức tài sản sinh lãi cao hơn so với các ngân hàng khác. Thêm vào đó, ngân hàng cũng tập trung phát triển dịch vụ Private và Priority nhằm nâng cao thu nhập, với mục tiêu đạt 2,8 triệu khách hàng năm 2026. Chúng tôi cho rằng đây là một chiến lược thông minh về dài hạn khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ gia tăng trong
thập kỷ tiếp theo.

Trong năm 2021, số lượng người sử dụng ứng dụng App MB tăng lên 9,3 triệu người từ mức 3 triệu người vào cuối năm 2020 (tăng 210% svck), số lượng giao dịch tăng lên 388 triệu từ mức 89,9 triệu năm trước (tăng 344% svck). Chúng tôi dự báo CASA của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng nhờ việc áp dụng các nền tảng công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng trên ứng dụng. Điều này sẽ giúp chi phí vốn không tăng quá nhiều trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tăng do lạm phát và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác trong năm 2022.

Thu nhập ngoài lãi (non-ii) có xu hướng tăng dần

MBB có 6 công ty con, trong đó có nhiều công ty đứng đầu trong hoạt động kinh doanh như Công ty Cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC) đứng thứ 5 về doanh thu bảo hiểm trong năm 2021 (năm 2020 đứng thứ 6), MCredit trong top 3 về quy mô trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng… đóng góp khoảng 14% trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất. Chúng tôi tin rằng các công ty con sẽ tiếp tục tăng trưởng và gia tăng mức đóng góp trong năm 2022, đặc biệt là Công ty Cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC). Từ năm 2021, MIC đã áp dụng hàng loạt giải pháp ứng dụng công nghệ số toàn diện trên hệ thống, cho phép người dùng “tối đa hóa” lợi ích khi truy vấn thông tin chi tiết, đăng ký và nhận
quyền lợi bảo hiểm dễ dàng thông qua các thao tác trực tuyến. Cùng với đó, việc áp dụng AI, Chatbox trong hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm đã mang lại sự tăng trưởng đột biến về lượng khách hàng trên các kênh kỹ thuật số. Trong Q1/22, theo ước tính kinh doanh sơ bộ, MIC ghi nhận tổng doanh thu bảo hiểm hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 35% svck, tăng gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng toàn ngành.

Thêm vào đó, ngân hàng tập trung tăng trưởng bán chéo trong tập đoàn, quảng báo các sản phẩm công nghệ trong giai đoạn 2022-2026 nhằm nâng cao thu nhập từ bảo hiểm và phí. Chúng tôi tin thu nhập ngoài lãi tăng 16,4% svck trong năm 2022.

Chi phí dự phòng giảm từ năm 2022 nhờ chất lượng tài sản vững chắc

MB áp dụng mô hình ba tuyến phòng thủ vào quản trị ngân hàng, đảm bảo tách bạch chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, tránh chồng chéo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của ngân hàng trong việc xác định, đánh giá, giám sát và kiểm soát rủi ro. Do đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát đạt 0,9% hợp nhất và 0,7% đối với báo cáo riêng trong năm 2021. Ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng trong năm 2021 (31,2% svck) giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 268% vào cuối năm 2021- cao thứ hai trong toàn ngành.

Ngân hàng tin rằng 90-95% các khoản nợ tái cơ cấu sẽ có thể thu hồi trong giai đoạn 2022-2026. Thêm vào đó, ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% đối với các khoản nợ tái cơ cấu này thay vì 30% theo quy định trong năm 2021. Do đó, chúng tôi tin rằng ngân hàng sẽ giảm chi phí dự phòng trong các năm tiếp theo nhờ tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao trong năm 2021 và việc quản lý tín dụng hiệu quả. Chúng tôi dự báo chi phí dự phòng giai đoạn 2022-2024 giảm từ 2-5% so với năm 2021 cùng với NPL thấp hơn 1%.

Chúng tôi tăng dự phóng giai đoạn 2022-2024

Chúng tôi nâng dự báo thu nhập từ lãi lên 11,4%/14,7%/14,7% so với dự báo cũ nhằm phản ánh đà tăng trưởng của tín dụng, phù hợp với xu hướng của ngân hàng như đã đề cập ở trên.

Chúng tôi cũng nâng thu nhập ngoài lãi lên 19,0%/20,8%/19,5% so với dự báo cũ giai đoạn 2022-2024 khi chúng tôi tin rằng các công ty con sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Kết quả, chúng tôi điều chỉnh lợi nhuận lên 7,2%/11,1%/15,3% giai đoạn 2022- 2024 so với dự báo cũ.

Định giá

Chúng tôi điều chỉnh tăng lợi nhuận giai đoạn 2022-2023 lên 7,2%/11,1% so với dự báo cũ nhằm phản ánh tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và CASA cao hơn mức dự kiến.

Giá mục tiêu của chúng tôi dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư (chi phí vốn chủ sở hữu: 15,1%; tăng trưởng dài hạn: 3%) và P/BV (2 lần cho năm 2022) để định giá MBB với tỷ trọng tương đương cho mỗi phương pháp. MBB hiện tại đang giao dịch tại mức 1,6 lần P/B 2022, thấp hơn so với mức trung bình ngày là 2,0 lần.

Chúng tôi tin MBB phù hợp với mức dự báo 2 lần P/B nhằm phản ánh ROE cao hơn trung bình ngành giai đoạn 2022- 2023. Kết hợp 2 phương pháp, giá mục tiêu mới của MBB là 40.800đ/cp.

Nguồn: VND


Các nguồn định giá tham khảo khác:

 


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

MBB chart. Nguồn: Admin


 

Link tham room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.