[Nhận định thị trường ngày 10.08] Dòng tiền tiếp tục mua lên – Một số nhóm ngành đáng chú ý : BĐS khu công nghiệp, nguyên vật liệu, dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng – Cập nhật TCB

 

TIN THẾ GIỚI

Chốt phiên 7/8, giá dầu Brent tương lai giảm 1,5% xuống 44,4 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1,7%, xuống 41,22 USD/thùng. Tuy nhiên, chốt tuần, giá dầu Brent vẫn tăng 2,5%, giá dầu WTI tăng 2,4%, cho thấy thị trường năng lượng có nguy cơ đi xuống tiếp.
 
VN – INDEX

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 7/8, VN-Index tăng 1,42 điểm (0,17%) lên 841,46 điểm, HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,5%) xuống 112,78 điểm. UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (0,18%) lên 56,22 điểm. 
Khối ngoại bất ngờ bán ròng lên đến gần 287 tỷ đồng, tương ứng khối lượng khối lượng bán ròng là 6,55 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, trong số giao dịch của khối ngoại phiên 7/8 có hơn 207 tỷ đồng (2 triệu cổ phiếu) đến từ bán ròng trái phiếu MSN12001. Nếu loại trừ giao dịch này khối ngoại bán ròng khoảng hơn 79 tỷ đồng.
 
Tại sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 89 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 5 triệu cổ phiếu. Mua ròng : VNM, HPG, CTD, SAB, VCB,….Bán ròng : AGG, VIC, NVL. PAC, PVT,…..

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại hơn 7,6 tỷ đồng, tương ứng 486.000 cổ phiếu. Mua ròng : PVS. TAR, DNM, VCS, IDV,….Bán ròng : IDC, BVS, PLC, S99, PCT,…

Ở sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng trở lại 2,2 tỷ đồng sau 4 phiên bán ròng liên tiếp. Mua ròng : VEA, MCH, VIB, BCM, LTG,…..Bán ròng : VTP, KDF, FOX, BSR, ADG,….
 
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

Trên đồ thị ngày, giá đóng cửa cao hơn phiên giao dịch ngày 6/8  nhưng cây nến thứ hai liên tiếp có dạng Spinning top cho thấy bên mua không hoàn toàn có khả năng kiểm soát thị trường, cảnh báo về sức mạnh của xu hướng tăng giá hiện tại. Với sự hình thành của cây nến này, khoảng giá mục tiêu mà thị trường đang hướng tới là 830,85 – 850,55 điểm. Sự thiếu kiên quyết của thị trường cùng việc khối lượng giao dịch tiếp tục giảm nhẹ và thấp hơn khối lượng trung bình 20 ngày cho thấy khả năng thị trường tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần tới là không chắc chắn. Lúc này, các chỉ báo MACD và KST vẫn tiếp tục duy trì âm, cho thấy rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu.

Thị trường dự báo có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh kỹ thuật trong một vài phiên giao dịch kế tiếp trước khi tiếp tục xu hướng tăng điểm và hướng đến đường xu hướng trên của kênh giá song song được hình thành từ đầu tháng 06 đến này (tương ứng vùng kháng cự 850-860 điểm). Đây là vùng kháng cự quan trọng đối với việc xác định hướng đi kế tiếp cho thị trường trong ngắn hạn. Do đó, chúng tôi để ngỏ khả năng chỉ số sẽ vấp phải áp lực điều chỉnh giảm trở lại khi tiếp cận vùng kháng cự này.
 
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Thị trường dự báo có thể điều chỉnh nhẹ trong một vài phiên đầu tuần tới trước khi tiếp tục quá trình tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 852-858 điểm trong ngắn hạn.

Trong những tuần tới, thị trường sẽ rơi vào giai đoạn tương đối thiếu vắng về mặt thông tin. Do đó, diễn biến thị trường có thể sẽ có sự phân hóa mạnh theo từng câu chuyện riêng lẻ của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang quen dần với những thông tin về dịch Covid-19, tuy nhiên, các diễn biến mới về dịch Covid-19 vẫn sẽ là yếu tố có thể tạo rủi ro đối với thị trường.

CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ

Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 50-65% cổ phiếu. Các nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường trong một vài phiên kế tiếp để mở các vị thế mua trading ngắn hạn.
Một số nhóm ngành được chú ý trong tuần tới: BĐS khu công nghiệp (SZC, PHR…), nguyên vật liệu (HPG, PLC, KSB…), dịch vụ tiêu dùng, ngân hàng (VIB, CTG, ACB)…

TIN DOANH NGHIỆP

TCH : CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy công bố góp 99,99% vốn thành lập công ty con – CTCP Xây dựng Đại Thịnh Vượng. Công ty con này có vốn điều lệ đăng ký lần đầu là 310 tỷ đồng, thực hiện các dự án bất động sản của Tài chính Hoàng Huy. HĐQT thống nhất ủy quyền cho Tổng giám đốc – bà Trần Thị Hoàng Hà – quyết định các nội dung như tăng, giảm quy mô vốn trong 6 tháng kể từ ngày thành lập công ty, đảm bảo vốn điều lệ không vượt quá 500 tỷ đồng; bổ sung người đại diện pháp luật, thực hiện các thủ tục liên quan góp vốn… Như vậy, Xây dựng Đại Thịnh Vượng là công ty con thứ 5 của Tài chính Hoàng Huy, bên cạnh 3 công ty chuyên đầu tư xây dựng và một công ty về đầu tư bất động sản (CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV).
 
TBC : Ngày 28/8 tới đây CTCP Thủy điện Thác Bà sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 2.000 đồng. Thời gian thanh toán 18/9/2020. Như vậy với 63,5 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Thủy điện Thác Bà sẽ chi khoảng 127 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.
 
STH : Ngày 19/8 tới đây CTCP Phát hành sách Thái Nguyên sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành 13 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ phát hành 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua. Cứ 1 quyền mua được mua 2 cổ phiếu mới. Dự kiến nếu chào bán thành công, Phát hành sách Thái Nguyên sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần hiện tại, từ 65 tỷ đồng lên 195 tỷ đồng – tương ứng mức tăng thêm 200% vốn điều lệ.
 
BÁO CÁO CẬP NHẬT

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam ( HOSE – TCB )

1.      Cho vay khách hàng tăng trưởng chậm lại

Ngành Ngân hàng Báo cáo cập nhật Tháng 8, 2020 chi phí dự phòng tiếp tục tăng mạnh nhưng LNST quý 2 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Ngân hàng Techcombank đã công bố báo cáo tài chính Quý 2/2020 với lợi nhuận sau thuế tăng 16,9% yoy mặc dù chi phí dự phòng tăng mạnh với mức tăng lên tới 6,1 lần so với cùng kỳ. LNST đạt được kết quả tích cực này nhờ thu nhập lãi thuần tăng 26% yoy, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 33,9% yoy và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt kéo CIR giảm về mức 29,5% là mức thấp nhất trong 7 quý gần đây.

Tín dụng tăng trưởng khiêm tốn trong 6T2020 với mức tăng 3,5% YTD, cao hơn một chút so với mức tăng toàn hệ thống là 3,3%. Trong đó, Quý 1/2020 tín dụng của TCB tăng 3,7% YTD và giảm 0,2% QoQ trong Quý 2/2020. NIM trong quý II giảm nhẹ so với 2 quý gần đây về mức 4,19%. Tuy nhiên mức này vẫn cao hơn 66 bps so với cùng kỳ giúp cho TCB là ngân hàng có NIM cao thứ 3 hệ thống (nếu loại trừ hai ngân hàng VPB và HDB do đây là hai ngân hàng có đóng góp từ cho vay tiêu dùng khá lớn). Mức tăng NIM chủ yếu nhờ chi phí vốn giảm 54 bps so với cùng kỳ.

Dư nợ tái cấu trúc khoảng 8.300 tỷ đồng do tác động của Covid19. Techcombank đã thực hiện tái cấu trúc khoảng 8.300 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư 01, khoản nợ tái cấu trúc này tương đương với 3,6% tổng giá trị nợ vay khách hàng của Techcombank. Nợ tái cơ cấu tập trung chủ yếu ở nhóm ngành như khách sạn, du lịch, nhà hàng và nhóm một số nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu trong chuỗi giá trị bất động sản.

2.      Quan điểm đầu tư

Chúng tôi ưa thích Techcombank do đây là ngân hàng đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm với mức tăng trưởng lợi nhuận kép 10 năm qua là 19,5%/năm. Cùng với đó, Techcombank là ngân hàng có văn hóa đổi mới sáng tạo và là ngân hàng tiên phong trong việc tạo ra nhiều dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Techcombank cũng là ngân hàng có hiệu quả hoạt động cao với ROE bình quân 4 năm gần đây lên tới 21,1% với đòn bẩy tài chính thấp nhất trong hệ thống ở mức 5,9 lần. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại ngành ngân hàng có thể chịu tác động xấu từ covid19 trong vài năm tới, mức tập trung vào ngành Bất động sản ở mức cao ở Techcombank và cùng với đó là mức định giá chưa hấp dẫn (giá thị trường ngày 06/8/2020 chỉ còn kém mức giá kỳ vọng 21.500 VND/CP của chúng tôi 11,98%), do đó chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu TCB.

ThanhCongWM Team


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/mudsad194

 


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.