[Weekly Report 22.02] Thông tin Vĩ Mô – Tổng hợp khuyến nghị NLG HPG MWG DHC

VĨ MÔ

Sẽ sớm có nghị định mới thay thế Nghị định 23/2007

Chính phủ đang lên kế hoạch phát triển thị trường bán lẻ, cụ thể hơn sẽ sớm đưa ra nghị định mới thay thế Nghị định 23/2007 (quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam), để hỗ trợ hơn nữa cho các nhà phân phối và bán lẻ trong nước.

Sau đây là những hướng dẫn của chính phủ trong việc soạn thảo nghị định mới:

  • Hạn chế mở rộng lĩnh vực phân phối và bán lẻ nhanh hơn cam kết hiện tại, chỉ xem xét cho phép vượt cam kết với trường hợp thật sự mang lại lợi ích cho quốc gia và quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá lợi ích này (như về việc làm, thu nhập cho người lao động, không tạo bất lợi đối với doanh nghiệp trong nước…).
  • Đối với phân phối hoặc bán lẻ cho các sản phẩm mà không bị ràng buộc bởi các cam kết quốc tế như hiện nay, các quy định mới cũng sẽ hạn chế các doanh nghiệp FDI hoạt động, hoặc để có giấy phép thì doanh nghiệp này phải cam kết hỗ trợ hoặc phân phối các sản phẩm nội địa.
  • Các thương vụ M & A có NĐTNN tham gia trong lĩnh vực phân phối hoặc bán lẻ cũng được quy định rõ trong Nghị định này.
  • Quy định về dịch vụ bán buôn (như Metro Cash và Carry) cũng được xem xét đưa vào Nghị định.
  • Đồng thời Nghị định mới nêu rõ về định nghĩa doanh nghiệp nước ngoài khi Nhà nước áp dụng Luật mới đầu tư.

Dự thảo mới có thể được trình Chính phủ vào tháng 3 tới nhằm hỗ trợ các nhà phân phối, bán lẻ trong nước. Bảo hộ lĩnh vực bán lẻ là giải pháp giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể đứng vững ngay tại sân nhà.

Các doanh nghiệp Nhật đánh giá cao hơn điều kiện kinh doanh tại Việt Nam

Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) vừa mới công bố kết quả khảo sát từ các công ty Nhật bản về điều kiện kinh doanh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Từ bảng công bố đó cho thấy sự cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam dưới con mắt đánh giá của các doanh nghiệp Nhật Bản như sau:

  • Hai phần ba số người tham gia khảo sát mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam (cao hơn tỷ lệ ở Indonesia, Malaysia, Philipinnes, Thái Lan), trong đó các doanh nghiệp Nhật sẽ tập trung hướng về lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và tiện ích.
  • Tỷ lệ mua sắm địa phương tại Việt Nam cải thiện đáng kể với 34,2% trong năm 2016 (năm 2010: 22,4%, năm 2015: 32,1%). Điều này cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn cách xa so với Thái Lan (57%), Indonesia (41%) và Malaysia (37%).
  • 75,5% số người được khảo sát cho biết vấn đề lớn nhất là việc tăng lương cho người lao động, mặc dù họ vẫn cho rằng chi phí nhân công ở Việt Nam vẫn khá rẻ. Cuộc khảo sát cho thấy, mức lương hàng năm cho công nhân sản xuất tại Việt Nam là khoảng 4.000 USD vào năm 2016, gấp 2,2 lần so với mức lương của năm 2010, nhưng vẫn còn khá thấp so với các đất nước trong cùng khu vực.

Tổng hợp khuyến nghị trong tuần

NLG: Kết quả kinh doanh năm 2016

Doanh thu quý 4/2016 tăng 41,6% YoY đạt 862,3 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 39,5% YoY đạt 182,7 tỷ đồng. Cả năm 2016, doanh thu tăng 101,3% YoY đạt 2.533,8 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng mạnh 67,4% YoY đạt 345,2 tỷ đồng.

Năm 2017, chúng tôi ước tính doanh thu đạt 4.648 tỷ đồng, tăng 83,4% YoY nhờ đóng góp doanh thu từ dự án Fuji Flora, Aquamarine Valora, Ehome S, Kykio Valora, Kykio Flora, The Greenhill,… và lợi nhuận ròng đạt 587 tỷ đồng, tăng 51,4% YoY. Do đó, lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng 46,8% YoY đạt 506,6 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận ước tính giảm do đóng góp doanh thu đất nền giảm.

NLG đang giao dịch tại PE 2016 và 2017 là 10,7x và 6,8x; PB 2016 và 2017 là 1,3x và 1,1x. Định giá NLG theo phương pháp RNAV là 28.800 đồng/cp, tăng 26% so với giá hiện tại. Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu.

HPG: Cập nhật công ty

Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG có thể tăng 17% YoY đạt 2,1 triệu tấn trong năm 2017, cao hơn 5% so với kế hoạch công ty là 2 triệu tấn. Sản lượng tiêu thụ ống thép ước tính cũng tăng 30% YoY. Do đó, doanh thu năm 2017 ước tính tăng 17,3% YoY giúp lợi nhuận ròng điều chỉnh nhẹ 2,3% YoY từ mức cao trong năm 2016 mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp giảm 3,3 ppts.

Mặc dù lợi nhuận ròng ước tính giảm nhẹ 2% trong năm 2017, HPG đang giao dịch tại PE chỉ ở mức 6,2x đối với năm 2017 và 5,4x đối với năm 2018, chúng tôi cho rằng đây là mức khá hấp dẫn đối với một công ty đầu ngành với lợi thế về chi phí sản xuất, thị phần mạnh và được bảo hộ dài hạn đối với sản phẩm thép nhập khẩu. Thêm vào đó, chúng tôi cho rằng việc mở rộng vào thép tấm và thép dài chất lượng cao có thể giúp tăng cường lợi thế về quy mô của công ty và mang lại triển vọng tích cực trong dài hạn.

Do ước tính lợi nhuận tăng, chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu 1 năm đối với HPG là 58.500 đồng/cp (từ mức 51.200 đồng/cp) với PE mục tiêu không đổi PE là 8x, +30,7% so với mức giá hiện tại. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu.

MWG: Cập nhật công ty

Trong quý 4/2016, MWG công bố doanh thu và lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 13.837 tỷ đồng (+78,6% YoY) và 355,6 tỷ đồng (+7,2% YoY). Năm 2016, MWG công bố doanh thu và lợi nhuận gộp đạt 44.613 tỷ đồng (+76,7% YoY) và 1.577 tỷ đồng (+47,2% YoY).

Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2017 có thể đạt 69.204 tỷ đồng (+55%) và 2.314 tỷ đồng (+46,7% YoY). EPS ước tính đạt 14.600 đồng đã tính 3% cổ phiếu ESOP năm 2017. Năm 2018, chúng tôi ước tính MWG có thể mở lên tới 1000 cửa hàng bách hóa và phân khúc này có thể tạo hơn 6.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2018 và tỷ suất lợi nhuận ròng đạt 1%. Nhìn chung, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng có thể đạt 89.335 tỷ đồng (+29% YoY) và 2.927 tỷ đồng (+26,5% YoY), tương ứng EPS đạt 17.918 đồng.

Ở mức giá hiện tại là 173.200 đồng/cp, MWG đang giao dịch tại PE 2017 và 2018 là 11,2x và 9,7x. Chúng tôi duy trì PE mục tiêu là 15x và giá mục tiêu 1 năm là 212.500 đồng/cp (+22,7% so với giá hiện tại). Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị MUA cổ phiếu.

DHC: 2017 – Chuẩn bị cho nhà máy mới

Ở mức giá hiện tại là 35.700 đồng/cp, DHC đang giao dịch tại PE 2017 là 12,7x và EV/EBITDA 2017 là 8,07x thấp hơn so với các công ty trong khu vực là 17,9x và 10,2x. Do DHC có quy mô nhỏ và thanh khoản thấp hơn các công ty này (vốn hóa 40 triệu USD so với vốn hóa thị trường 2-3 tỷ USD của các công ty trong khu vực), chúng tôi cho rằng mức định giá này khá hợp lý. Tỷ suất lợi nhuận ròng ước tính giảm trong năm 2017 có thể tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư dài hạn, với việc nhà máy mới đi vào hoạt động trong tháng 7/2018 và lợi nhuận có thể tăng đáng kể, DHC có thể là khoản đầu tư tiềm năng. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên xem xét lại cổ phiếu trong nửa cuối năm 2017. Chúng tôi áp dụng EV/EBITDA mục tiêu cho năm 2017 là 9x để tính giá mục tiêu của DHC là 40.200 đồng/cp (tăng 12,6% so với giá hiện tại). Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu.

SSI Research

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.