[Weekly Report 26.09] Thông tin Vĩ Mô – Khuyến nghị PNJ FPT CII PVT NNC NCT – Cập nhật công ty HNG HAG QBS VTO

ssi-weekly-ff-report-banner

Vĩ mô

CPI tháng 9 tăng +0,54% so với  tháng 8 chủ yếu do Chính Phủ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục

TCTK công bố chỉ số tiêu dùng tháng 9 tăng +0,54% so với tháng 8, tương đương với mức tăng của tháng 5 và chỉ thấp hơn mức tăng +0,57% của tháng 03/2016. CPI tháng 9 tăng chủ yếu là do 53 tỉnh thành trên cả nước đồng loạt tăng học phí cùng với mùa năm học mới khiến nhu cầu mua sắm sách vở, đồ dùng học tập tăng cao. Những yếu tố này khiến cho CPI nhóm Giáo dục tăng +7,19%, đóng góp 0,42% trong mức tăng chung.

Bên cạnh đó, nhóm Giao thông cũng tăng +0,55% do tác động của các đợt tăng giá xăng dầu gần đây. Các nhóm hàng hóa khác có mức tăng không đáng kể. Nhóm Hàng hóa và Dịch vụ ăn uống có tỷ trọng cao nhât trong rổ hàng hóa chỉ tăng +0,09%, trong đó lương thực tăng +0,16%, thực phẩm tăng +0,10% và ăn uống ngoài gia đình tăng +0,04%. Nhóm Nhà ở và VLXD đóng góp tỷ trọng lớn thứ hai cũng có mức tăng tương tự +0,09%. Chỉ có duy nhất nhóm Bưu chính viễn thông có CPI giảm so với tháng trước với mức giảm -0,07%.

Chỉ số CPI hàng tháng (%YoY)

cpi t9.png

Nguồn: TCTK

TCTK cũng có biết lạm phát cơ bản trong tháng 9 (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm; năng lượng và mặt hàng do NN quản lý bao gôm dich vụ y tê ́và dịch vụ giao dục) tăng +0,07% so với tháng trước và tăng +1,85% so với cùng kỳ 2015. Trung bình lạm phát 9 tháng năm 2016 lạm phát cơ bản tăng +1,81%YoY.

Với diễn biến giá cả 9 tháng đầu năm, mục tiêu lạm phát dưới 5% trong năm nay gần như chắc chắn đạt được.

FDI giải ngân 9 tháng đạt 11,02 tỷ USD

Việt Nam tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với dòng vốn FDI mạnh mẽ khi tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 16,43 tỷ USD. Trong đó, tính đến ngày 20 tháng 9 năm 2016 cả nước có 1.820 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỷ USD, tăng +1,1% so với cùng kỳ năm 2015. Và trong 9 tháng, có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,265 tỷ USD, bằng 86,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Lượng vốn FDI trong 9 tháng giai đoạn 2013-2016

fdi t9 2016.png

Nguồn: SSI tổng hợp

Như vậy, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả năm tính đến hết ngày 20/09 khoảng 16,43 tỷ USD, giảm -4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng sụt giảm này chủ yếu là do lượng vốn 2,4 tỷ USD của nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 đăng ký vào 09/2015.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 767 dự án đầu tư đăng ký mới và 608 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 12,15 tỷ USD, chiếm 73,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 9 tháng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nếu xét về đối tác đầu tư, Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu với lượng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,58 tỷ USD, chiếm 34% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,84 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,7 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư.

Cũng theo thống kê của bộ KH và ĐT, tính đến hết tháng 9, dòng vốn FDI giải ngân đạt 11,02 tỷ USD (tăng +12,4%YoY).

Tổng hợp khuyến nghị trong tuần

PNJ: Mảng kinh doanh chính tăng trưởng vượt thị trường, trích lập dự phòng đầy đủ cho Ngân hàng Đông Á [MUA – Mục tiêu 89.000]

PNJ đang giao dịch tại PE 2016 và 2017 là 14,8x và 12,0x. Với PE mục tiêu 1 năm là 15x, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu PNJ tại giá mục tiêu 1 năm là 89.000 đồng/cp (+18,8% so với giá hiện tại).

Theo Hiệp hội Vàng Thế giới, trong năm 2015, tỷ lệ giá trị trang sức vàng trên mỗi người tại Việt Nam là 6,2 USD tương đương 60% so với Malaysia và chỉ 7% so với Singapore. Thêm vào đó, tỷ lệ trang sức vàng trong tổng thiêu thụ vàng chỉ đạt 25% so với hơn 50% ở những nước trên. Số liệu cho thấy thị trường trang sức còn tiềm năng tăng trưởng lớn. Đối với PNJ, tỷ lệ bán lẻ tăng là nhờ mở rộng mạng lưới bán hàng, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể tăng giúp hỗ trợ lợi nhuận.

Tại Việt Nam, thị trường trang sức vàng phân chia thành thị trường chính thức (20%) và thị trường tự do (80%). PNJ tăng thị phần từ 12% thị trường chính thức vào năm 2012 lên 25% vào năm 2015 và vẫn giành thêm thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ khi công ty mở rộng mạng lưới bán lẻ. PNJ đặt kế hoạch đạt 300 cửa hàng đến năm 2020.

PNJ cũng lên kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt mức tối đa 49%. Đây sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ cổ phiếu trong ngắn hạn.

Xem chi tiết: tại đây

PGS: Cập nhật công ty [Mục tiêu 16.700 – Phù hợp thị trường]

Lợi nhuận năm 2017 sẽ không bao gồm lợi nhuận bất thường do đó sẽ ổn định trở lại. Nếu chỉ tính mảng kinh doanh cốt lõi, lợi nhuận ròng năm 2017 của PGS vẫn có khả năng tăng 17% nhờ (1) giá dầu hồi phục nhẹ, (2) công suất chưa tận dụng ở phân khúc CNG với biên lợi nhuận cao, (3) tỷ suất lợi nhuận gộp phân khúc LPG có thể hồi phục hơn nữa nhờ mảng bán lẻ tăng trưởng và (4) thu nhập lãi ổn định nhờ nguồn thu từ hoạt động thoái vốn.

Ở mức giá hiện tại là 16.500 đồng/cp, PGS đang giao dịch tại PE 2016 và 2017 là 2,5x và 9,2x, trong khi đó PB 2016 và 2017 là 0,8x. Với PE và PB mục tiêu không đổi đối với mảng kinh doanh chính là 8,5x và 0,7x, chúng tôi đặt giá mục tiêu 1 năm là 16.700 đồng/cp. Giá cổ phiếu đã tăng mạnh trong quý 1/2016 ngay trước khi thoái vốn. Bên cạnh đó, PGS trả cổ tức khá cao: cổ tức 2016 là 30% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức là 18,4%) trong đó PGS đã trả 15% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức 9,2%). Sau đó, chúng tôi ước tính cổ tức có thể vào khoảng 14-15% trên mệnh giá. Vì vậy, PGS phù hợp cho nhà đầu tư theo chiến lược cổ tức và tìm kiếm sự ổn định.

CII: Kế hoạch tăng sở hữu nước ngoài lên 70% [Khuyến nghị NẮM GIỮ]

CII công bố cho phép chuyển nhượng dự án BT Thủ Thiêm từ công ty mẹ sang công ty TNHH Bắc Thủ Thiêm, đây là công ty CII nắm giữu 100% vốn. Ban lãnh đạo cũng lên kế hoạch loại bỏ lĩnh vực phát triển bất động sản và nước khỏi giấy phép kinh doanh của công ty mẹ (ngành nước sẽ chuyển giao cho SII, đây là công ty CII giữ 55% vốn). Mục đích là để xin nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 49% lên 70%. CII hiện đang giao dịch tại PE và PB 2016 là 8,6x và 1,7x, là tương đối hợp lý. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu.

HAG và HNG: Cập nhật Đại hội Cổ đông 2016 [Không khuyến nghị]

Đối với HNG, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2016 đạt 2.596 tỷ đồng (+125% so với cùng kỳ năm trước và 60% kế hoạch 2016), trong khi đó lợi nhuận ròng ghi nhận lỗ 559 tỷ đồng (so với lãi 602 tỷ đồng trong 6T2015). Đối với HAG, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2016 đạt 3.657 tỷ đồng (+20,5% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 59,4% kế hoạch năm) trong khi đó lợi nhuận ròng chịu lỗ 1.191 tỷ đồng (so với lợi nhuận ròng năm 2015 là 913 tỷ đồng). Hiện chúng tôi không khuyến nghị đối với cổ phiếu HAG và HNG.

Sabeco: Sabeco đã quyết định niêm yết trên sàn HOSE trong 2 tháng tới. Bộ Công Thương hiện đang nắm giữ 89,59% cổ phần tại Sabeco và đang có kế hoạch thoái vốn làm hai đợt, đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ trong năm 2016; Đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Tin tức này được các nhà đầu tư tiếp nhận khá tốt sau thời gian chờ đợi kể từ khi IPO trong năm 2008.

Sabeco là doanh nghiệp sản xuất bia lớn nhất tại Việt Nam với thị phần chi phối về khối lượng trên 46% vào năm 2015. Tổng doanh thu đạt 27.717 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái và vượt mục tiêu 4%.

Theo Euromonitor, cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn đặc biệt là sau khi hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Theo TPP, giả sử Việt Nam loại bỏ thuế nhập khẩu với mặt hàng bia, điều này sẽ làm cạnh tranh thêm gay gắt do ngày càng có nhiều doanh nghiệp bia mới tham gia vào thị trường. Cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài dự kiến sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ thị phần.

FPT: Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2016 hồi phục như kỳ vọng [MUA – Mục tiêu 55.000]

Trong 8 tháng đầu năm 2016, FPT đạt 24.544 tỷ đồng doanh thu (giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái và 1.119 tỷ đồng lợi nhuận ròng (giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái). Kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm sát với kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi duy trì ước tính kết quả kinh doanh cho năm 2016 và 2017. FPT hiện đang được giao dịch tại PE 2016 là 11,5x và PE 2017 là 10,1x. Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với FPT tại mức giá mục tiêu 1 năm là 55.000 đồng / cổ phiếu (tăng 21,4% so với mức giá hiện tại).

Xem chi tiết: tại đây

PVT: Triển vọng lợi nhuận bền vững [MUA – Mục tiêu 17.500]

Trong quý 2/2016, PVT đạt tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận ròng. Doanh thu đạt 1.737 tỷ đồng +22,8% so với cùng kỳ năm trước nhờ tất cả các lĩnh vực đều đạt tăng trưởng. Lợi nhuận trước thuế quý 2/2016 đạt 176 tỷ đồng +33,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không bao gồm yếu tố tỷ giá, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế có thể đạt 9% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 142 tỷ đồng +32% so với cùng kỳ năm trước trong đó, lợi nhuận ròng thuộc về công ty mẹ đạt 109 tỷ đồng. Lũy kế 6T2016, PVT hoàn thành 82% kế hoạch năm về lợi nhuận trước thuế là 350 tỷ đồng.

Ở mức giá hiện tại là 14.650 đồng/cp, PE và PB dự phóng 2016 của PVT là 9,4x và 1,1x. Chúng tôi cho rằng mức định giá này chưa phản ánh đầy đủ triển vọng tăng trưởng và giá trị tài sản của PVT. PVT có nguồn khối lượng công việc tốt và ngày càng tăng, dòng tiền ổn định để trả nợ và nhiều cơ hội phát triển trong 5 năm tới. Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 1 năm là 17.500 đồng/cp (+19,4% so với giá hiện tại) dựa trên PE mục tiêu là 11x và PB mục tiêu là 1,3x. Theo quan điểm của chúng tôi, PVT là khoản đầu tư dài hạn tốt và xứng đáng 1 mức định giá cao hơn giá trị P/B trong quá khứ (mức trung bình 3 năm là 0,8x), và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ là yếu tố tăng trưởng chính (dự phóng 2018) cùng với bảng cân đối kế toán mạnh với lượng tiền mặt dồi dào.

Xem chi tiết: tại đây

NNC: Cập nhật công ty [Khuyến nghị KHẢ QUAN]

NNC công bố KQKD quý II/16 với doanh thu đạt 149,4 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và LNST tăng ấn đượng đạt 52,7 tỷ đồng tăng 103,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng 2016, NNC đạt doanh thu 265,8 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ và LNST đạt 90,8 tỷ đồng, tăng 81,2% so với cùng kỳ. Ở mức giá hiện tại là 98.500 đồng/cp, NNC đang được giao dịch tại PE dự phóng 2016 và 2017 đều là 8.7x. Áp dụng phương pháp định giá theo PE, chúng tôi đưa ra PE hợp lý của NNC là 10x, tức là ngang bằng với trung bình ngành ở thời điểm hiện tại, theo đó giá mục tiêu một năm tương ứng là 112.317 đồng/cp, cao hơn 14% so với mức giá hiện tại. Khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu NNC.

Xem chi tiết: tại đây

VTO: Cập nhật chuyến thăm công ty – Biên lợi nhuận sẽ dần cải thiện [Khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG]

Chúng tôi tin rằng VTO là công ty có triển vọng ổn định và tài chính vững mạnh. Là một công ty con của Petrolimex và có các hoạt động cho thuê tàu định hạn, doanh thu ước tính rất ổn định. Khi nợ đang được trả dần và giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức thấp, biên lợi nhuận sẽ dần được cải thiện theo thời gian. Ở mức giá hiện tại là 9.700 đồng, PE 2016 là khoảng 8,1x, đây là mức khá hấp dẫn. Chúng tôi tin rằng công ty phù hợp với các nhà đầu tư dựa trên sự ổn định và cổ tức. Trong quá khứ, công ty đã trả 6% cổ tức bằng tiền liên tục 5 năm qua.

Rủi ro giảm giá đối với cổ phiếu của VTO là giá nhiên liệu tăng cao sẽ làm giảm biên lợi nhuận. Một rủi ro khác là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018. Khi đó, nhu cầu đối với xăng dầu nhập khẩu sẽ giảm mạnh, dẫn đến khả năng VTO sẽ phải cơ cấu lại mảng cho thuê định hạn.

Xem chi tiết: tại đây

NCT: Dư cung làm giảm tiềm năng tăng trưởng [Khuyến nghị NẮM GIỮ]

Với mức giá thị trường hiện tại là 101.000 đồng, PE 2016 là 9,8x và PE 2017 là 9,1x. Dựa trên PE mục tiêu là 10x, chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu NCT từ 127.000 đồng/cổ phiếu đến 107.000 đồng/cổ phiếu, do chúng trôi cho rằng triển vọng tăng trưởng của NCT giảm đáng kể khi ACSV hoàn thành cảng mới trong năm 2017. Chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu NCT tại thời điểm hiện tại. Cổ tức cho năm 2016 dự kiến là 10.000 đồng, tương ứng tỷ suất cổ tức là 9,7%. Rõ ràng, rủi ro giảm giá chính là nguy cơ sụt giảm thị phần và mất khách hàng vào tay đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, liên doanh Samsung SDS – ALS cũng tạo ra những bất ổn trong tương lai.

QBS: Cập nhật công ty [Không khuyến nghị]

QBS hiện tại hoạt động trên 3 mảng kinh doanh chính bao gồm: (i) Sản xuất phân bón, (ii) dịch vụ xuất nhập khẩu (kho bãi, vận chuyển, bốc xếp, đại lý hải quan) và (iii) thương mại phân bón, hóa chất và nông thủy sản. Mảng dịch vụ xuất nhập khẩu là mảng mang lại lợi nhuận lớn nhất cho QBS và đang có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ dự án đầu tư ICD Quảng Bình – Đình Vũ. Do tỷ lệ nợ đã tương đối cao nên QBS có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược để bổ sung vốn mở rộng sản xuất. Tỷ lệ phát hành dự kiến 27,03% tương ứng với 17.3 triệu cổ phiếu. Theo lãnh đạo QBS, trong cơ cấu cổ đông của QBS hiện tại không còn sự hiện diện của nhóm liên quan đến chứng khoán IB. Sau khi đăng ký mua vào liên tục, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập và ban giám đốc của QBS đã tăng ~2% so với  đầu năm. Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược diễn ra thuận lợi và đã có một số nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đăng ký. Giá bán dự kiến không thấp hơn mệnh giá. Thời gian phát hành dự kiến sẽ là quý IV năm 2016

SSI Research

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.