CTCP Gemadept (GMD: HOSE): Duy trì tăng trưởng ổn định [Mục tiêu 71.500đ/cp]

Chúng tôi tiếp tục duy trì mức lợi suất yêu cầu (RRR) 12%, tỷ lệ tăng trưởng (g) sau năm 2030 ~ 5% và một số giả định khác, sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do (FCFF) chúng tôi xác định mức giá hợp lý của cổ phiếu GMD là 64,000 VND/cổ phiếu.

Giá thị trường( 10/08/2022) : 52.000 đ/cp

Giá mục tiêu: 71.500 đ/cp

Lợi nhuận kỳ vọng: 37.5%

Kết quả kinh doanh

Doanh thu thuần 2Q2022 của công ty đạt 978 tỷ VND, tăng 30% YoY. Doanh thu 1H2022 đạt 1,858 tỷ VND, hoàn thành 49% kế hoạch đề ra cho năm nay. Trong đó, đóng góp chính cho doanh thu thuần vẫn là doanh thu đến từ cảng chiếm 83% đạt 1,536 tỷ VND (+24%YoY), doanh thu từ Logistics đạt 322 tỷ VND (+61% YoY). LNTT của tập đoàn tăng 98% YoY đạt 370 tỷ VND 2Q2022, nâng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu lên đến 38% (so với mức 26% 2Q2021). Trong 2Q2022, LNST của GMD ghi nhận đạt mức 334 tỷ VND, tăng 87% so với mức 178 tỷ VND đạt được vào quý 2 năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, LNST Gemadept đạt 653 tỷ VND (+86%YoY), hoàn thành 72% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Giá vốn bán hàng 2Q2022 tăng nhẹ 25% trong khi doanh thu thuần tăng 30% dẫn đến biên gộp tăng từ 42% 2Q2021 lên 45% YoY 2Q2022. Lợi nhuận gộp 2Q2022 tăng từ 319 tỷ VND cùng kỳ lên 436 tỷ VND (+37% YoY).
Trong 1H2022, doanh thu tài chính giảm hơn 73% xuống 8.2 tỷ VND do không còn lãi thanh lý các khoản đầu tư.

Lãi từ công ty liên doanh liên kết tăng 47% so với cùng kỳ, từ 68 tỷ VND cùng kỳ năm ngoái tăng đạt 100 tỷ VND 2Q2022, giúp lãi ròng của Gemadept tăng đến 87% so với cùng kỳ, đạt 334 tỷ VND. Tính cả 1H2022, lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết của Gemadept đạt 225 tỷ VND, trong đó SCS ghi nhận lãi ròng gần 340 tỷ VND trong 1H2022, tăng 19% so với cùng kỳ, đóng góp gần 50 tỷ VND lợi nhuận cho Gemadept. Gemalink cũng có đóng góp lớn khi bắt đầu đạt ngưỡng hòa vốn và ghi nhận lãi từ 4Q2021. Trong 1H2022, sản lượng Gemalink tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận lãi 68 tỷ VND cho GMD (so với lỗ gần 40 tỷ VND 1H2021). Ngoài ra lợi nhuận phát sinh của riêng công ty TNHH CJ Gemadept Shipping Holdings đóng góp cho GMD cũng tăng 25 tỷ VND.

Tổng tài sản của Gemadept đạt 11,378 tỷ VND, tăng khoảng 600 tỷ VND so với đầu năm. Trong đó, các khoản mục hầu như không biến động quá nhiều, trừ các khoản phải thu ngắn hạn tăng 32% lên 1,109 tỷ VND. Tổng nợ vay của Gemadept tính đến cuối tháng 6 là 1,980 tỷ VND, không thay đổi nhiều so với đầu năm, chiếm 55% nợ phải trả.

ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ

NGÀNH CẢNG BIỂN KÌ VỌNG DUY TRÌ MỨC TĂNG TRƯỞNG 3-4%/NĂM TRONG 5 NĂM TỚI

6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 371 triệu tấn, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khối lượng hàng container qua cảng biển ước đạt 12.75 triệu Teu, tăng 1% so với 1H2021. Tuy vẫn đạt tăng trưởng dương, tăng trưởng đã giảm tốc xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây, nguyên nhân do:

  • Giá cước tuy đã giảm 30% từ tháng 2 nhưng vẫn duy trì mức cao gấp 5 lần trước đại dịch, giá dầu và giá nguyên liệu tăng cũng khiến mức phụ phí được đẩy lên cao.
  • Chính sách Zero Covid của Trung Quốc – thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam – là một trong những nguyên do chính cho việc hàng hóa nhập khẩu 1H2022 giảm 8% so với cùng kỳ, tác động tiêu cực đến sản lượng hàng thông qua cảng.
  • Lạm phát tăng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm khiến người dân và chính phủ có xu hướng thắt chặt chi tiêu, góp phần kéo chậm lại tăng trưởng của ngành cảng biển.

Ngành cảng biển kì vọng sẽ phục hồi từ 2023 khi giãn cách xã hội ngày càng được nới lỏng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng do tắc nghẽn container được giảm thiểu nhờ nguồn cung container mới vào 2023. Hoạt động sản xuất và tiêu dùng trở lại bình thường sẽ giúp hoạt động vận chuyển hàng hóa qua cảng biển quay lại đà tiếp tục tăng trưởng, đạt mức tăng trưởng 4%/năm – mức tăng trưởng Drewy đặt dự báo cho thị trường Đông Nam Á trong 3 năm tới.

Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 10 năm qua luôn duy trì tăng trưởng ở mức 10 đến 20%, chỉ rơi xuống mức 10% vào năm 2020 khi đại dịch bùng phát gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong 1H2022, xuất nhập khẩu tại Việt Nam vẫn diễn tiến tích cực, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 371 tỷ VND, tăng 16.4% YoY. Chúng tôi kì vọng tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục giữ mức tăng 10 – 15% trong 5 năm tới khi hầu hết các ngành, lĩnh vực đã có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. GDP các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong 2022 và 2023. Sự hồi phục của nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường này cũng sẽ ảnh hưởng tích cực tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, duy trì tiềm năng tăng trưởng tích cực cho ngành cảng biển Việt Nam.

CỤM CẢNG HẢI PHÒNG KÌ VỌNG DUY TRÌ TĂNG TRƯỞNG VỚI NAM ĐÌNH VŨ 2

Theo số liệu Cảng vụ cảng Hải Phòng, sản lượng hàng thông qua khu cảng biển Hải Phòng 6 tháng đầu năm đạt 47.6 triệu tấn, tăng 1.7% so với cùng kỳ. Lượng hàng container thông qua cảng biển khu vực này 1H2022 đạt 3.05 triệu TEU, tăng 7.5% so với cùng kỳ, tương đương 94% tổng công suất thiết kế. Công suất các cảng hạ nguồn đã bắt đầu được lấp đầy.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng tàu trọng tải lớn ngày càng nhiều, các hãng tàu đang dần chuyển sang tàu trọng tải lớn hơn để đáp ứng nhu cầu của chủ hàng cũng như tiết kiệm chi phí. Với việc sở hữu lợi thế vị trí đắc địa ở hạ nguồn sông Cấm cùng mớn nước sâu và khả năng đón nhận tàu trọng tải lớn 40,000 DWT, cảng Nam Đình Vũ sẽ đón nhận cơ hội tiếp nhận tàu lớn chuyển từ cảng Lạch Huyện sang. Chúng tôi kì vọng sản lượng Nam Đình Vũ sẽ đạt 90% công suất thiết kế trong năm 2022.

Tháng 12/2021, công ty đã khởi công giai đoạn 2 của cụm cảng Nam Đình Vũ. Tính đến hết tháng 6/2022 Nam Đình Vũ giai đoạn 2 đang được thi công đúng tiến độ trên tất cả các hạng mục xây dựng và lắp đặt, từ cầu bến, bãi container. Nam Đình Vũ giai đoạn 2 dự kiến được đưa vào khai thác từ quý 1 năm 2023, chúng tôi dự kiến cảng sẽ đạt 50% công suất trong năm đầu tiên và đạt sản lượng lấp đầy công suất thiết kế trước 2026. Nam Đình Vũ 1 dự kiến sẽ đạt 90% công suất hoạt động trong 2022 và sẽ sớm đạt công suất tối đa. Nam Đình Vũ 2 sẽ kịp thời đưa vào hoạt động đáp ứng nhu cầu về cảng cho các tàu lớn, trong khi tình trạng sa bồi chưa được giải quyết vẫn hạn chế khả năng đón tàu lớn ở cảng nước sâu Lạch Huyện.

CỤM CẢNG PHÍA NAM TIẾP TỤC ĐÀ TĂNG TRƯỞNG DÀI HẠN VỚI GEMALINK LÀ ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHÍNH.

Cụm cảng Cái Mép Thị Vải hiện là khu vực cảng phát triển nhanh nhất Việt Nam hiện nay. Ngày 25/05 vừa rồi, S&P Global Market Intelligence công bố chỉ số CPPI (chỉ số hoạt động cảng container) cho 370 cảng trên toàn cầu, theo đó cụm cảng nước sâu Cái Mép xếp thứ 11, cho thấy cụm cảng Cái Mép đang được đánh giá cao. Bên cạnh đó, nhu cầu về cảng nước sâu ngày càng tăng, các hãng tàu đang đóng ngày càng nhiều những tàu siêu lớn (mega-ship) với sức chứa trên 18,000 Teu. Để đáp ứng nhu cầu, ngành vận tải container có xu hướng gia tăng kích thước tàu, nâng cao công suất trên mỗi chuyến vận tải, gia tăng thị phần cho các cảng nước sâu có quy mô lớn. Gemalink là cảng nước sâu duy nhất tại khu vực có khả năng đón tối đa 3 tàu mẹ vào làm hàng cùng lúc, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200,000 DWT, công suất thiết kế lên đến 1.5 triệu Teu. Vì vậy triển vọng phát triển của Gemalink là rất tích cực, nhất là khi hầu hết các cảng trong khu vực đều đang hoạt động vượt công suất.

Gemalink đã đạt điểm hòa vốn và mang lại lợi nhuận, ghi nhận sản lượng khai thác 800,000 Teu trong năm 2021, trở thành cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt sản lượng 1 triệu Teu sau tròn 1 năm đi vào hoạt động từ tháng 3/2021. Trong nửa đầu năm, cảng sẽ hoàn thành lắp đặt bổ sung thêm 2 dàn cầu STS và 6 e-RTG thế hệ mới cùng các trang thiết bị hiện đại khác để nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác.

Gemalink giai đoạn 2 dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào quý 3 năm 2022. Tổng chiều dài bến trong giai đoạn 2 đạt 370m. Dự kiến Gemalink 2 đi vào hoạt động từ quý 1/2025. Ở giai đoạn 2 của cảng, Gemalink có thể tiếp nhận 3 tàu mẹ, 3 tàu feeder và 5 sà lan làm hàng cùng lúc. Cảng được trang bị dàn cẩu bờ 8 chiếc STS của Hàn Quốc nặng hơn 1,700 tấn có tầm với 24+2 hàng container. Từ bờ có thể vươn xa 70m ra biển, có thể nâng cùng lúc 2 container loại 20 feet hoặc hàng rời và hang dự án với trọng tải 65 tấn và 85 tấn.

GMD có nhiều dự án đầu tư đảm bảo triển vọng lợi nhuận tích cực và được kì vọng bền vững, tiêu biểu là dự án Gemalink 2 và Nam Đình Vũ 2. GMD đang dự kiến trình cổ đông thông qua việc phát hành mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3:1 để thực hiện tăng vốn góp, đầu tư vào cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án thủy nội địa (800 tỷ VND), tăng vốn góp vào cảng Cái Mép Gemalink cho kế hoạch giai đoạn 2 (1,000 tỷ VND) và đầu tư mua sắm tài sản cố định phát triển hoạt động kinh doanh của công ty (209 tỷ VND). Cụ thể số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán tối đa 100.4 triệu cổ phiếu với giá phát hành 20,000 đồng/ cổ phiếu, tổng số tiền dự kiến thu được khoảng 2,009 tỷ VND.

DỰ PHÓNG KẾT QUẢ KINH DOANH NĂM 2022

Năm 2022, chúng tôi ước tính doanh thu của GMD đạt 3,680 tỷ VND, tăng 15% YoY dựa trên các yếu tố:

Doanh thu mảng khai thác cảng dự kiến đạt 3,206 tỷ VND, tăng 16% YoY nhờ: (1)sản lượng container thông qua cảng các khu vực đều tăng, với đóng góp lớn đến từ cụm cảng Hải Phòng dù tốc độ đã chậm lại do tình trạng dư cung; Nam Đình Vũ 1 kì vọng lấp đầy 90% công suất trong năm nay, đạt 450,000 Teu và (2) cước phí dịch vụ cảng biển dự kiến tăng 7%.
Doanh thu mảng Logistics ước đạt 474 tỷ VND với kỳ vọng tăng trưởng 7% so với 2021.

Lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng đột biến đạt 361 tỷ VND, tăng 52% YoY, với giả định lợi nhuận đóng góp từ SCS tăng trưởng 15% YoY. Cùng với đó, chúng tôi kỳ vọng Gemalink 1 sẽ lấp đầy 90% công suất đạt 1.4 triệu Teu trong năm nay, nâng mức lợi nhuận đóng góp cho Gemadept lên 113 tỷ VND. Chúng tôi dự phóng mức lợi nhuận trước thuế đạt 1,108 tỷ VND, tăng 37% YoY. Mức lợi nhuận sau thuế của công ty dự kiến đạt 959 tỷ VND, tăng 33% YoY.

 

Định giá

Sử dụng phương pháp định giá từng phần cho GMD bao gồm:

  • Hoạt động kinh doanh cốt lõi + lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết.
  • Dự án Gemalink.
  • Dự án cao su và bất động sản, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 71,500 VND/ cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 38.9% so với mức giá đóng cửa 52,000 VND ngày 10/08/2022.

Nguồn : KBSV


Các nguồn định giá tham khảo khác

 


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

GMD chart. Nguồn: Admin


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.