[Daily Stock Calls 09/11/2018] VPB: 9T2018 tăng trưởng chậm hơn ước tính, xem xét đầu tư khi chi phí dự phòng và tỷ lệ nợ xấu giảm; VEA: KQKD vượt xa kỳ vọng, lượng tiền và khoản phải thu dồi dào

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB: HOSE): Tăng trưởng chậm hơn ước tính

Tăng trưởng 9 tháng đầu năm của VPB tiếp tục chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái, phù hợp với chiến lược của ngân hàng không tiếp tục tăng trưởng mạnh như trong những năm trước. VPBank tập trung xem xét lại danh mục cho vay và xóa nợ xấu một khoản lớn trị giá 7,1 nghìn tỷ đồng tương đương 3,42% tổng tín dụng trước khi xóa nợ trong 9T2018 so với 2,76% trong 9T2017, khiến tăng trưởng tín dụng giảm. Mặt khác, giá trị danh mục đầu tư trái phiếu tại ngân hàng mẹ giảm 21,3% YTD. Do đó, tính đến cuối Q3, tổng tín dụng hợp nhất đã tăng nhẹ từ Q2 lên + 0,5% QoQ và đạt + 7,3% YTD. Tổng tiền gửi của khách hàng tăng trưởng 6,53% YTD, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của hệ thống là 9,15% YTD.

Trong kỳ, nợ xấu tăng mạnh 62,5% YTD tại ngân hàng mẹ và tăng 32,4% YTD tại FE Credit. Khi tốc độ phát sinh nợ xấu gia tăng, ngân hàng đã dành một khoản lớn cho trích lập dự phòng (+45,8% YoY) và xóa nợ (+ 49,3% YoY). Sau khi xóa nợ, nợ xấu vẫn ở mức cao 3,68% tại ngân hàng mẹ và 6,36% tại FE Credit, làm cho tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao nhất hệ thống là 4,24%. Do đó, LNTT hợp nhất 9T2018 chỉ đạt 6,12 nghìn tỷ đồng, + 8,7% YoY.

Chúng tôi dự báo LNTT hợp nhất 2018 sẽ tăng 8,8% YoY lên 8.844 tỷ đồng, giảm 15,3% so với dự báo trước đây của chúng tôi là 10,44 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu mới của LNTT bao gồm 40% từ FE Credit và 60% từ VPBank. LNTT năm 2019 ước tính đạt 9.386 nghìn tỷ đồng, tăng 7% YoY, tương ứng EPS và BVPS 2019 là 3.067 đồng và 17.103 đồng.

Ở mức giá hiện tại là 20.700 đồng/cổ phiếu, VPB đang giao dịch ở mức PB 2018 và 2019 lần lượt là 1,52x và 1,25x. VPB đã và đang phải đối mắt với vấn đề chất lượng tài sản suy yếu, vốn bắt đầu phát sinh từ quý 4/2017. Mặc dù định giá hiện tại ở mức thấp, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư xem xét cổ phiếu này khi tình hình nợ xấu cùng với tình hình cho vay của ngân hàng cải thiện (VD tăng trưởng chi phí dự phòng giảm và tỷ lệ nợ xấu giảm).

———————————————

VPB chart. Nguồn: Admin

Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (VEA: UPCOM)

Doanh thu: Trong quý 3/2018, doanh thu của VEA đạt 1.318 tỷ đồng (-11,4% YoY và -18,9% QoQ). Lũy kế 9T2018, doanh thu của VEA đạt 4.682 tỷ đồng. Trong 9T2017, doanh thu ghi nhận từ 24/01/2017 đến 30/09/2017. Doanh thu trung bình ngày 9T2018 tăng 2,7% YoY so với 9T2017.

Tỷ suất lợi nhuận gộp: Trong Quý 3/2018, tỷ suất lợi nhuận gộp của hàng sản xuất tiêp tục cải thiện lên mức 9,1%, cao hơn 8,3% trong quý 2/2018 và 6% trong quý 1/2018. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận vẫn thấp hơn mức 11,3% trong quý 3/2017. Tỷ suất lợi nhuận gộp chung trong 9T2018 đạt 7,7% (so với 11,4% trong 9T2017). Cần lưu ý rằng đây là tỷ suất lợi nhuận này phản ánh kết quả kinh doanh của Tổng Công ty.

Xu hướng lợi nhuận ròng: Trong quý 3, VEA ghi nhận 1.848 tỷ đồng lợi nhuận ròng (+26,8% YoY và -7% QoQ). VEA đạt được kết quả này nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ lợi nhuận từ các công ty liên kết và doanh thu tài chính (cụ thể là tiền lãi gửi ngân hàng). Kết quả này cũng vượt kỳ vọng của chúng tôi. Trong quý 3/2018, lợi nhuận đến từ công ty liên kết là 1.799 tỷ đồng (tăng 28,5% YoY), trong đó Honda Việt Nam (HVN) là nguồn thu nhập chính với 86% theo ước tính của chúng tôi. Lợi nhuận ấn tượng của HVN đến từ cả 2 phân khúc xe máy và ôtô. Trong quý, sản lượng tiêu thụ xe máy tăng 10% YoY so với quý 3/2017, trong khi sản lượng ôtô tăng 48% YoY. Lũy kế 9T2018, VEA ghi nhận 4,876 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế. So với 9T2017 (tính từ 24/01/2017 đến 30/09/2017), lợi nhuận trung bình ngày 9T2018 tăng 23,8% YoY.

Quan điểm sơ bộ: Chúng tôi nhận thấy công ty đã ghi nhận kết quả kinh doanh khi vượt xa kỳ vọng của các công ty chứng khoán. Điều này đến từ sản lượng tiêu thụ xe máy của HVN tăng 10% YoY, trong khi toàn thị trường chỉ tăng 2,3% YoY. Giá cổ phiếu đã tăng 17,3% từ đợt khuyến nghị của chúng tôi vào ngày 31/08 nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng VEA vẫn đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn với EPS là 4.704 đồng tương ứng PE là 7,6x. Chúng tôi sẽ điều chỉnh tăng ước tính 2018 và 2019 trong báo cáo đầy đủ sắp tới. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi duy trì đánh giá TĂNG TỶ TRỌNG đối với cổ phiếu

Cần lưu ý rằng VEA nắm giữ một khoản lớn về tiền, tương đương tiền và khoản đầu tư ngắn hạn (tất cả đều là tiền gửi có kỳ hạn tại nhiều ngân hàng) với trị giá khoảng 8.736 tỷ đồng (~ 374 triệu USD), chiếm 35% tổng tài sản của VEA. Bên cạnh đó, VEA vẫn còn khoản phải thu cổ tức từ HVN (~ 144 triệu USD) và FVL (4,8 triệu USD) vào cuối tháng 9 năm 2018.

———————————————–

VEA chart. Nguồn: Admin

Nguồn: SSI Research

One thought on “[Daily Stock Calls 09/11/2018] VPB: 9T2018 tăng trưởng chậm hơn ước tính, xem xét đầu tư khi chi phí dự phòng và tỷ lệ nợ xấu giảm; VEA: KQKD vượt xa kỳ vọng, lượng tiền và khoản phải thu dồi dào

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.