GVR – Tập đoàn Cao su Việt Nam: Triển vọng tích cực của BĐS khu công nghiệp tạo tiền đề tăng trưởng bền vững trong tương lai[Mục Tiêu: 41,500 đ/cp]

Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu GVR với giá mục tiêu VND 41.500 trên cơ sở (i) giá cao su duy trì đà tăng khá kể từ tháng 9/2021, thúc đẩy gia tăng biên LN gộp, (ii) định hướng đẩy mạnh đầu tư hoạt động KCN của GVR khi triển vọng từ thị trường BĐS KCN tiếp tục là điểm sáng trong những năm tới, và (iii) kỳ vọng hoàn tất thương vụ thoái vốn khỏi NTC trong năm 2022.

Giá hiện tại (15/04/2022): 36,000 đ/cp

Giá mục tiêu: 41,500 đ/cp

Lợi nhuận kỳ vọng: 15,3%

Kết Quả Kinh Doanh

Sản lượng tiêu thụ cao su 2021 của GVR tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 493.400 tấn, tăng 14,6% n/n và vượt 7% so với kế hoạch, trong khi đó giá bán bình quân ước tính đạt 35,9 triệu đồng/tấn, tăng 22% n/n, giúp doanh thu mảng kinh doanh này đạt hơn 17.700 tỷ đồng, tăng 39,4% so với kết quả thực hiện năm 2020, trở thành động lực chính cho sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu của Tập đoàn. Biên LN gộp đạt 29,1%, cao hơn nhiều so với mức 18,8% của năm 2020.

Mảng xây dựng, bất động sản & cơ sở hạ tầng chứng kiến giảm nhẹ năm thứ 2 liên tiếp trước những tác động của dịch bệnh Covid-19, đạt 767 tỷ đồng, tương ứng 86% doanh thu năm 2020. Các mảng kinh doanh khác gồm kinh doanh SP từ cao su & chế biến gỗ duy trì tăng nhẹ so với cùng kỳ trong bối cảnh nhu cầu cao về găng tay y tế & sự hồi phục của thị trường bất động sản.

Lãi ròng 2021 chỉ tăng 10,3% n/n trong bối cảnh DN không phát sinh lợi nhuận từ thoái vốn đầu tư trong năm 2021. Năm 2020, GVR ghi nhận ~2.000 tỷ đồng tiền lãi từ thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG và CTCP Xây dựng và Tư vấn đầu tư, trong khi năm 2021 không có thương vụ thoái vốn nào được diễn ra khiến thu nhập tài chính giảm mạnh 73% n/n.


Kỳ vọng tiếp tục duy trì khả quan trong năm 2022 trong bối cảnh giá cao su được dự báo sẽ phục hồi mạnh trở lại.

Giá cao su được dự báo duy trì đà tăng trong năm 2022 trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao su vẫn duy trì ở mức cao khi:

  • Tốc độ tăng trưởng doanh số bán ôtô khả quan ở các nền kinh tế lớn.
  • Nhu cầu găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân tăng khi dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, sản lượng cao su trên thế giới đang giảm bởi nhiều yếu tố, trong đó tác động nhiều nhất là tình hình biến đổi khí hậu khiến diện tích cao su trên thế giới sụt giảm.

Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính sản lượng cao su toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 14,55 triệu tấn, trong khi tiêu thụ ở mức 14,39-14,82 triệu tấn, tăng 2,5% n/n. Ngưỡng thâm hụt này có thể kéo dài đến năm 2031, do khoảng cách cung cầu ngày càng lớn.

Gia tăng tiêu thụ CSTN tại Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới với sản lượng nhập khẩu chiếm trên 40% mức tiêu thụ toàn cầu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu cao su 2 tháng đầu năm 2022 đạt 2,29 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cao su Việt Nam tăng khá trong 3T2022. Theo ước tính của Bộ Công Thương, xuất khẩu cao su trong tháng 3 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 233 triệu USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 28,2% về trị giá so với tháng 2. Giá cao su xuất khẩu bình quân ở mức 1.792 USD/tấn, gần như không đổi so với tháng 2.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 424 nghìn tấn, trị giá 746 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Chúng tôi dự phóng sản lượng tiêu thụ mủ cao su của GVR năm 2022 đạt ~520.000 tấn, tăng 5,6% n/n trong khi giá bán bình quân tăng 10% n/n. Doanh thu từ mảng kinh doanh mủ cao su ước đạt hơn 20.600 tỷ đồng.

Bên cạnh lợi thế về quỹ đất lớn & định hướng chuyển đổi sang phân khúc khu công nghiệp

GVR dự kiến chuyển đổi đất cao su sang mục đích quy hoạch phát triển KCN, nông nghiệp công nghệ cao & phát triển cơ sở hạ tầng với diện tích lần lượt 20.000ha, 40.000ha, và 40.000ha. Như vậy, diện tích đất trồng cao su ước tính giảm từ hơn 402.000ha xuống còn khoảng 300.000ha trong vòng 5-10 năm tới. Tập đoàn lên kế hoạch tổng diện tích KCN cho thuê đạt gần 2.700ha trong giai đoạn 2021 – 2025, gấp 10 lần so với diện tích cho thuê của năm 2020, đạt CAGR là 17% trong khi mủ cao su khai thác chỉ đạt CAGR là 3,6% trong giai đoạn này.

GVR hiện đang triển khai nhiều dự án mở rộng cũng như xây mới các KCN như: Nam Tân Uyên mở rộng, Rạch Bắp mở rộng, Hiệp Thạnh (Tây Ninh – 500ha), Cẩm Mỹ… Chúng tôi kỳ vọng các dự án KCN sẽ được đẩy mạnh triển khai trong những năm tới khi Covid-19 được xác định là bệnh đặc hữu, nền kinh tế dần được mở cửa trở lại.

Triển vọng tích cực của BĐS khu công nghiệp tạo tiền đề tăng trưởng bền vững cho GVR trong tương lai. Thị trường BĐS CN được dự báo sẽ là điểm sáng trong năm 2022 nhờ:

  • Lợi thế từ tham gia các hiệp định thương mại tự do.
  • Xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam.
  • Hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các KCN được cải thiện như: cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Bắc – Nam, cảng Thị Vải – Cái Mép…, trong khi.
  • Nguồn cung đất KCN sẵn có ngày càng hạn chế. Thậm chí, đà tăng của thị trường BĐS công nghiệp có thể kéo dài sang năm 2023 với giá thuê đất tăng khoảng 4%/năm (theo CBRE)

Sức hút mạnh mẽ của các tỉnh miền Nam đối với các nhà đầu tư khi Long An, TP. HCM và Bình Dương vẫn nằm trong top 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI. Tỷ lệ lấp đầy các KCN và nhà xưởng xây sẵn lần lượt duy trì ở mức cao, đạt tương ứng 90% và 86% trong Q4 2021.

Mô hình dự phóng

Năm 2022, chúng tôi dự phóng doanh thu tăng 14% n/n trong khi lãi ròng tăng 28% n/n trong bối cảnh hoạt động kinh doanh phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Sản lượng mủ cao su tiêu thụ ước tăng 5,6% n/n trong khi giá bán bình quân tăng 10% n/n nhờ giá cao su đang tăng mạnh & kỳ vọng tiếp diễn đà tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh BĐS CN sẽ đóng góp tích cực hơn với mức tăng kỳ vọng 5% n/n.

Chúng tôi cũng kỳ vọng thương vụ thoái vốn khỏi NTC sẽ được hoàn tất trong năm 2022, đem lại khoản lãi thoái vốn cho VRG khoảng 800 tỷ đồng, tương ứng trên 50% doanh thu từ hoạt động tài chính.

Định giá

Chúng tôi xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu GVR vào khoảng 41.500 đồng dựa trên phưng pháp định giá từng phần, trong đó áp dụng phương pháp so sánh EV/EBITDA đối với mảng kinh doanh cao su và gỗ, và phương pháp xác định giá trị tài sản ròng đối với mảng hoạt động BĐS khu công nghiệp. Trong đó, EV/EBITDA của hai mảng cao su và gỗ được xác định dựa trên mức EV/EBITDA bình quân của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực tương ứng trong khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương.

 

Nguồn: MBS


Các nguồn định giá tham khảo khác


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

GVR chart. Nguồn Admin 


 

Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.