[Macro Data] Báo cáo cập nhật nhanh số liệu vĩ mô tháng 3 2019: GDP, CPI, FDI, Xuất nhập khẩu, Tỷ giá và Thị trường tài chính chứng khoán

Tăng trưởng GDP, Chỉ số giá tiêu dùng CPI, Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, Xuất nhập khẩu, Tỷ giá hối đoái và Thị trường chứng khoán


  • GDP quý 1 tăng 6.79%, mức tăng trưởng thấp nhất 6 quý tuy vậy con số này vẫn cao hơn so với mức 6.58% trong ước tính hồi giữa tháng 3 của Bộ KHĐT. Nông nghiệp tăng +1.84%, thấp nhất 8 quý và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12.35%, thấp nhất 7 quý là điều chúng tôi đã nhắc đến trong báo cáo tháng 2 và vì vậy mức tăng thấp của quý 1 không gây bất ngờ.

  • Chỉ số công nghiệp tháng 3 tăng 9.2% trong đó công nghiệp điện tử chỉ tăng +2.9%. Các ngành sản xuất xe có động cơ, dầu mỏ tinh chế, sản xuất kim loại có tăng trưởng rất cao giúp kéo tăng trưởng chung. Ngành dệt may cũng có tăng trưởng trên mức trung bình nhưng lại có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm.

  • CPI tháng 3 giảm -0.21% so với tháng 2, kéo giảm CPI tính từ đầu năm xuống +0.69%. Có nhiều nhóm hàng cùng giảm âm trong tháng 3 trong đó nhóm tỷ trọng cao là Lượng thực và Thực phẩm cùng giảm -0.55% và -1.97% do giá gạo, thịt lợn, trứng, rau tươi … giảm. CPI tăng thấp là điều kiện để các tăng giá các hàng hóa, dịch vụ theo chính sách, trong đó có giá điện. .

Chỉ số tiêu dùng quý 1 tăng +9%, quý 1 có mức tăng cao nhất 4 năm. Dẫu vậy chỉ số lao động, tăng trưởng khách du lịch quốc tế và kể cả tăng trưởng thấp của ngành nông nghiệp không thực sự ủng hộ cho sức tăng tiêu dùng nói chung. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt nam trong quý 1 chỉ tăng +7% (cùng kỳ tăng +30.9%), riêng Trung Quốc giảm -5.6% (cùng kỳ tăng +42.9%)

  • Tổng vốn đầu tư toàn XH tăng +8.8%, là quý 1 có mức tăng thấp nhất nhiều năm và là một cảnh báo cần đặc biệt quan tâm. Vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước chỉ tăng 3.2%, mức thấp nhất 15 quý cho thấy một nguồn lực rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng đang bị lãng phí do chậm giải ngân trong khi nguồn lực lớn nhất là vốn tư nhân đang tăng chậm lại do đã liên tục tăng cao từ năm 2017. Vốn đầu tư tư nhân quý 1 tăng +13.6%, thấp nhất 9 quý.

  • Tăng trưởng xuất khẩu quý 1 giảm xuống mức rất thấp là +4.7%, cũng là một cảnh báo. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng âm như điện thoại, thủy sản, rau quả, gạo … sắt thép tăng trưởng thấp 3.6%. Một vài ngành còn giữ được tăng trưởng cao trên 10% là dệt may, giày dép và đồ gỗ.

Nhập khẩu vẫn tăng tương đối cao do Việt nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoại để sản xuất. Tuy vậy những thành phẩm như ô tô nguyên chiếc hay dược phẩm nhập khẩu lại quay về mức tăng nhập khẩu cao, ô tô nguyên chiếc tăng gấp 7 lần, dược phẩm tăng +15.3%. Các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước cần tiếp tục phải được đẩy mạnh. 

  • So với cuối năm 2018, tỷ giá USD chính thức giảm -0.06% còn thị trường tự do giảm tới -0.32%. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã ổn định hơn rất nhiều so với hồi giữa năm 2018 là một động lực làm gia tăng nguồn cung USD giúp ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối. Tuy vậy với xuất khẩu đang chậm lại, nguồn cung ngoại tệ có thể sẽ không còn dồi dào trong phần còn lại của năm.
  • Thị trường tài chính chứng khoán

Nguồn: Tổng cục thống kê

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.