[Market Recap] Vietnam FM Monitor – Báo cáo Thị trường Tài chính Tiền tệ tháng 01/2019 – Dấu hiệu ổn định đã quay trở lại

Thị trường tiền tệ

Đồng USD suy yếu, vàng tăng giá mạnh

Thị trường tiền tệ VND ổn định, các áp lực với lãi suất, tỷ giá đã giảm đáng kể

Siết chặt tín dụng bất động sản và thông tin về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với một số ngân hàng

Thị trường trái phiếu

Nhu cầu tăng cao trên đấu thầu sơ cấp, lãi suất giảm mạnh trên cả sơ cấp và thứ cấp

Thị trường chứng khoán

Ảnh hưởng từ những diễn biến quốc tế phức tạp

Khối ngoại mua ròng

Kết quả kinh doanh Q4/2018 – Tăng trưởng chậm lại, phân hóa theo từng doanh nghiệp

Thị trường tiền tệ

Đồng USD suy yếu, vàng tăng giá mạnh

Trước những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại và đóng cửa Chính phủ kéo dài, ngay từ những ngày đầu năm 2019, FED đã đưa ra thông điệp về lộ trình tăng lãi suất chậm hơn và chính thức phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất sau phiên họp hai ngày vào cuối tháng. Chu kỳ tăng lãi suất của FED kéo dài 3 năm qua được cho là đã chấm dứt và mở ra cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất trong trường hợp cần thiết. Đồng USD vì thế cũng giảm giá khá mạnh trong tháng qua, chỉ số DXY mất mốc 96, giảm về 95.6 vào cuối tháng.

Lợi tức TPCP Mỹ giảm ở tất cả các kỳ hạn trong đó mạnh nhất là kỳ hạn 5 năm khiến cho lợi tức kỳ hạn này vẫn duy trì ở mức thấp hơn kỳ hạn 2 năm, lợi tức TPCP kỳ hạn 10 năm chạm đáy trong vòng 1 năm (2.55%/năm) trước khi tăng nhẹ về mức 2.63%/năm vào cuối tháng. Đồng USD suy yếu cũng khiến cho giá vàng bật tăng tới 3% trong tháng 1, lên mức 1.321 USD/oz; JPY lên giá 0.8% so với USD.

Đồng GPB có sự hồi phục mạnh trong tháng khi tăng 2.7% so với USD do Thủ tường May đưa ra được kế hoạch B Brexit nhưng sự bác bỏ của Quốc hội đã khiến cho GBP quay đầu giảm giá trong những ngày đầu tháng 2. Tiền trình Brexit lại quay trở về vạch xuất phát khi mà thời hạn đang tới rất gần, sự chia rẽ trong nội bộ nước Anh ngày càng sâu sắc sẽ là tạo ra áp lực giảm giá với đồng tiền nước này.

Đối với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, mặc dù chưa có thỏa thuận cụ thể nào được đưa ra nhưng những cuộc gặp các cấp liên tục được tổ chức cũng thể hiện sự tích cực và thiện chí của hai bên. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) liên tục bơm ròng thông qua hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và hoạt động thị trường mở để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhờ vậy, đồng CNY tiếp tục đà hồi phục khi tỷ giá USD/CNY giảm tới 2.6%, về mức 6.7 – mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua. 

Thị trường tiền tệ VND ổn định, các áp lực với lãi suất, tỷ giá đã giảm đáng kể

Bên cạnh diễn biến hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng USD, nguồn cung USD mùa vụ dồi dào đã khiến cho tỷ giá giao dịch USD/VND duy trì ổn định trên thị trường ngân hàng ờ mức 23.160/23.250 (giảm 5đ/USD MoM) và giảm mạnh trên thị trường tự do, về mức 23.200/23.220 (giảm 70đ/USD MoM)

Bước vào giai đoạn cao điểm về kiều hối chuyển về nước, ngay từ đầu tháng, NHNN đã tăng mạnh tỷ giá mua vào thêm 500đ/USD, lên 23.200đ/USD và hút được tới 4 tỷ USD trong tháng qua. Đây là diễn biến rất tích cực khi gia tăng đáng kể dự trữ ngoại hối đồng thời tăng lượng tiền VND lưu thông trong tháng cận tết.

Bên cạnh kênh mua ngoại tệ, NHNN bơm ròng 66.868 tỷ đồng qua kênh mua kỳ hạn trong khi kênh tín phiếu vẫn không phát sinh giao dịch, số dư tín phiếu duy trì ở mức 0. Những đợt mua kỳ hạn 14, 21, 28 ngày vào 2 tuần giáp tết đã đẩy khối lượng OMO lưu hành lên hơn 144 nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có sự sụt giảm mạnh trong nửa đầu tháng 1, về mức 4%/năm với kỳ hạn qua đêm sau đó tăng và dao động quanh 4.8-5.0%/năm vào những ngày giáp Tết Nguyên đán.

Lãi suất USD kỳ hạn qua đêm trên liên ngân hàng tăng thêm 13bps, đây là diễn biến tương đồng với việc nâng lãi suất của FED. Hiện tại áp lực tăng lãi suất USD từ phía FED không còn, chênh lệch lãi suất USD-VND có thể thu hẹp do khả năng sụt giảm lãi suất VND trên liên ngân hàng khi dòng tiền lưu thông quay trở về hệ thống ngân hàng thời gian sau Tết.

Trên thị trường 1, lãi suất VND tiếp tục duy trì ổn định ở mức 4.8-5.5%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng, 5.5-7.5%/năm kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6.8-8.0%/năm với kỳ hạn 12 -13 tháng. Đến cuối tháng, một số ngân hàng có điều chỉnh giảm 10-20bps trên biểu lãi suất công bố nhưng lãi suất thỏa thuận thực tế ít thay đổi, cá biệt có trường hợp còn nhích nhẹ ở kỳ hạn dài 12-13 tháng.

Việc đón nhận các thông tin tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 về tăng trưởng kinh tế, cán cân xuất nhập khẩu, chỉ số lạm phát…, áp lực quốc tế giảm bớt và gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối đã giải tỏa áp lực với tỷ giá. Do đó, việc dự đoán xu hướng lãi suất 2019 đã được đặt trong bối cảnh hoàn toàn khác so với 1-2 tháng trước đây. Với bối cảnh hiện tại, lãi suất huy động các tháng tới có thể được duy trì ổn định ở mức hiện tại, thậm chí có thể giảm. Tuy vậy, các rủi ro từ diễn biến quốc tế vẫn còn và có thể thay đổi cục diện rất nhanh nên rất khó để đưa ra đoán định diễn biến trong trung và dài hạn.

Siết chặt tín dụng bất động sản và thông tin về giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với một số ngân hàng

Kể từ đầu năm 2019, các ngân hàng đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%, tăng hệ số rủi ro với cho vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 200%. NHNN chủ trương sẽ tiếp tục siết chặt tín dụng với bất động sản khi đưa ra lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 35% vào 2020 và 30% trong giai đoạn sau đó đồng thời có thể nâng hệ số rủi ro với cho vay kinh doanh BĐS lên 250-300%. Thực tế, tín dụng bất động sản những năm gần đây đã giảm nhanh chóng và giải pháp huy động vốn phù hợp nhất sẽ là kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Gần đây NHNN đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong đó có nội dung TCTC hỗ trợ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt. TCTD hỗ trợ là tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Hiện tại, các TCTD hỗ trợ gồm có BIDV (hỗ trợ DAB), Vietcombank (hỗ trợ CB) và Vietinbank (hỗ trợ Oceanbank, GP bank) là 3 ngân hàng có tổng số dư tiền gửi khách hàng chiếm trên 40% tiền gửi toàn hệ thống. Thực chất, đây chỉ quy định phù hợp với khoản 7 điều 148đ của Luật số 17/2017/QH14, không phải là nội dung mới.

Trên thực tế, thông tin này sẽ không có nhiều tác động đến chính sách tiền tệ vì: (1) từ dự thảo đến thực tế có độ trễ thời gian khá lớn và ngay cả trong trường hợp được ban hành, tỷ lệ DTBB được giảm của từng ngân hàng sẽ còn phụ thuộc vào khoản hỗ trợ thực tế. Khoản hỗ trợ thực tế sẽ được xem xét và chấp thuận rất chặt chẽ và có thể thấp hơn nhiều con số 50%; (2) tỷ lệ DTBB hiện tại đã ở mức rất thấp (3% với tiền gửi VND dưới 12 tháng và 1% với tiền gửi VND từ 12 tháng trở lên); (3) tỷ lệ DTBB theo quy định là mức tối thiểu, thực tế các NHTM có thể gửi NHNN vượt con số này và được hưởng lãi trên phần vượt, vì vậy việc giảm tỷ lệ DTBB tối thiểu không đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng tiền tương ứng được bơm ra thị trường.

Thị trường trái phiếu

Nhu cầu tăng cao trên đấu thầu sơ cấp, lãi suất giảm mạnh trên cả sơ cấp và thứ cấp

Thị trường sơ cấp tháng đầu năm 2019 hoạt động rất sôi nổi với tổng khối lượng chào thầu là 41.500 tỷ đồng, khối lượng đăng ký gấp 3.5 lần lượng gọi thầu, khối lượng trúng thầu là 36.343 tỷ đồng – bằng 87.6% khối lượng gọi thầu và là mức cao nhất tính theo tháng trong hơn 2 năm trở lại đây. Hiện chưa có kế hoạch phát hành chính thức của KBNN nhưng theo thông tin từ bộ Tài chính, lượng TPCP dự kiến phát hành năm 2019 là khoảng 200.000 tỷ đồng. Nếu như vậy, chỉ trong 1 tháng đầu năm, khối lượng phát hành đã đạt 18% con số dự kiến này.

Tất cả các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm đều được phát hành trong đó nhiều nhất là 17.150 tỷ đồng (chiếm 47%) kỳ hạn 10 năm và 14.000 tỷ đồng (chiếm 39%) kỳ hạn 15. Mức lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đều giảm mạnh so với những phiên trúng thầu gần nhất các tháng trước. Cụ thể, lãi suất trúng thầu gần nhất của kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm lần lượt là 3.8%, 4.17%, 4.8%, 5.12%, 5.59% và 5.8%. Như vậy, các kỳ hạn 10 năm và 15 đã giảm 30bps và 18bps so với tháng trước; kỳ hạn 5 năm cũng đã giảm tới 40bps so với phiên trúng thầu gần nhất từ cuối tháng 10/2018.

Trên thị trường thứ cấp, lợi tức trái phiếu sụt giảm mạnh từ 20-73bps ở tất cả các kỳ hạn trong đó mức giảm mạnh nhất là ở các kỳ hạn từ 1-5 năm, kỳ hạn 10 năm mất mốc 5%/năm, độ dốc của đường cong lợi tức tăng lên rõ rệt so với cuối tháng trước. Cụ thể, lợi tức các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm tại 31/1/2019 là 3.36%, 3.51%, 3.75%, 4.81% và 5.11%. Lãi suất trên sơ cấp và thứ cấp gần như ngang bằng nhau.

Tổng khối lượng giao dịch tháng 1 đạt 157 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước trong đó tỷ trọng giao dịch outright vẫn duy trì ở mức 48%, còn lại là repos. Khối ngoại tham gia tích cực hơn với tổng khối lượng giao dịch là 8.224 tỷ đồng – tăng 50% so với tháng trước và tiếp tục mua ròng tháng thứ 3 liên tiếp với giá trị mua ròng là 2.121 tỷ đồng.

Với tuyên bố ngừng tăng lãi suất của FED, thanh khoản dồi dào trở lại sau cao điểm Tết Nguyên đán cùng với dự thảo về cắt giảm dự trữ bắt buộc của NHNN với một số đối tượng sẽ khiến cho tăng cầu TPCP trên sơ cấp, việc phát hành trên sơ cấp sẽ tương đối thuận lợi, lợi tức TPCP trên cả sơ cấp và thứ cấp khả năng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

 

Thị trường chứng khoán

VN Index đóng cửa phiên ngày 31/01 tại mức 910.65 điểm, tăng thêm 2.03% so với thời điểm cuối năm 2018. VIC, VNM, VHM cùng nhóm cổ phiếu Ngân hàng (VCB, MBB, EIB) đóng vai trò hỗ trợ cho đà tăng của chỉ số. Tuy nhiên, giắng co, phân hóa đi kèm với thanh khoản thấp vẫn là diễn biến chính của tháng 1 khi thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 12 đầy biến động (VN Index giảm 3.81% MoM) trong khi đó kinh tế toàn cầu giảm tốc và diễn biến đa chiều từ thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc  tạo ra tâm lý thận trọng cho giới đầu tư.

Ảnh hưởng từ những diễn biến quốc tế phức tạp

Báo cáo của IMF cắt giảm triển vọng toàn cầu, số liệu vĩ mô kém tích cực của Trung Quốc, nhiều cơ quan của Chính phủ Mỹ đóng cửa là những mảnh ghép trong bức tranh màu xám của thị trường tài chính toàn cầu trong tháng 1. VN Index mất 1.52% giá trị, ghi nhận mức giảm cao nhất tháng đầu năm trong phiên 03/01 khi Trung Quốc công bố số liệu PMI tháng 12 sụt giảm so với tháng liền trước. Không chỉ PMI, tăng trưởng GDP Q4 cùng số liệu xuất nhập khẩu kém khả quan là nguyên nhân chính tạo ra các phiên điều chỉnh đối với TTCK.

Trong khi thị trường bắt đầu lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc thì hai cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung ngay trong tháng 1 của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hỗ trợ cho tâm lý của nhà đầu tư. FED cũng phát đi những tín hiệu tích cực hơn đối với TTCK, khi mà Chủ tịch Jerome Powell cho thấy sự thận trọng đối với khả năng tăng lãi suất trong năm 2019.

Phân hóa giữa các thông tin vĩ mô, S&P 500 vẫn tăng trưởng mạnh 7.86% MoM. Động lực chính hỗ trợ cho diễn biến của các chỉ số tại thị trường Mỹ là KQKD Q4/2018 của các doanh nghiệp niêm yết. Theo The Earnings Scout, tính đến ngày 05/02, có gần 50% các doanh nghiệp công bố KQKD Q4, trong đó có 71% vượt ước tính của giới phân tích.

Mức hồi phục mạnh mẽ của thị trường Hoa Kỳ  hỗ trợ tâm lý giao dịch của nhà đầu tư Việt Nam. Mặc dù xu hướng chủ đạo vẫn là giằng co với phần lớn các phiên giao dịch đều biến động dưới 1%, tuy nhiên mức tăng của VN Index trong tháng 1 vẫn được duy trì.

Thanh khoản thị trường cơ sở rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017; phản ánh tâm lý thận trọng của giới đầu tư. GTGD bình quân trên 3 sàn đạt 3.7 nghìn tỷ đồng, giảm 30.6% MoM, chỉ bằng 1/3 giá trị giao dịch trên thị trường HĐTL (đạt 11.1 nghìn tỷ đồng trong tháng 1).

Khối ngoại mua ròng

Nối tiếp giao dịch mua ròng 730 tỷ đồng trong tháng 12, NĐTNN mua ròng 1.3 nghìn tỷ đồng trên HOSE trong tháng đầu năm 2019. Tính riêng kênh khớp lệnh, khối ngoại mua thêm 728 tỷ đồng. Đứng đầu top mua ròng của NĐTNN là VNM với giá trị 566.7 tỷ đồng, vượt trội so với con số mua ròng 293 tỷ đồng trong tháng 12. Giao dịch tích cực của khối ngoại là động lực chính giúp VNM tăng 12.5% MoM, đứng thứ hai trong các cổ phiếu hỗ trợ mạnh nhất cho chiều tăng của VN Index, chỉ xếp sau VIC.

Bên cạnh VNM, danh mục mua ròng của NĐTNN còn tập trung vào một số các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như MWG (566 tỷ đồng), VCB (317.9 tỷ đồng).

Kênh đầu tư ETF cũng cho thấy có dòng tiền vào VFM VN30 với giá trị xấp xỉ 110 tỷ và Vaneck là 280 tỷ. Tâm lý tích cực hơn của giới đầu tư trên thế giới đã có tác động đến dòng tiền mới qua ETF và giá trị mua ròng của NĐTNN tại Việt nam.

Kết quả kinh doanh Q4/2018 – Tăng trưởng chậm lại, phân hóa theo từng doanh nghiệp

Tính đến hết ngày 01/02, có 521 doanh nghiệp niêm yết công bố KQKD Q4/2018, mức tăng trưởng lợi nhuận ước tính của toàn thị trường đạt 7.76% YoY, thấp nhất trong các quý của năm 2018. Tốc độ tăng trưởng của các DNNY sàn HOSE là 8.74% trong khi con số này đối với VN30 là 0.41%.

Tính riêng nhóm VN30, có 16 doanh nghiệp giảm lãi, nhiều hơn so với 13 công ty tăng lãi trong Q4/2018. SAB, VJC, CTD, HPG, CTD, GAS đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 2 doanh nghiệp lỗ trong Q4/2018 là CTG và SBT.

Lĩnh vực Ngân hàng là tiêu biểu cho sự phân hóa về kết quả kinh doanh. MBB, ACB, HDB ghi nhận mức tăng trưởng LNST trên 100%, VPB tăng 26.7% YoY. Ngược lại, BID, TCB có lợi nhuận sụt giảm trong quý cuối năm 2018 còn CTG lỗ 698 tỷ đồng, đưa tổng lợi nhuận 2018 của ngân hàng này giảm 27.2% YoY, về mức 5.4 nghìn tỷ đồng.

Trái ngược với mùa công bố KQKD Q3/2018, khi giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng từ diễn biến chung của thị trường, không phản ánh theo mức tăng trưởng lợi nhuận, tình hình quý IV/2018 đã có chút thay đổi. Đã có nhiều cổ phiếu diễn biến đồng pha theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. VCB, VNM, DHG, REE, HPG, SAB, CTD là những ví dụ tiêu biểu.

Tính trong năm 2018, lĩnh vực Bất động sản và Ngân hàng dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của thị trường, với giá trị lần lượt 94% YoY và 33% YoY. Nhóm Bán lẻ và Hàng, dịch vụ Công nghiệp đứng tiếp theo với tốc độ 28% và 21% trong khi đó Xây dựng & VLXD, Bảo hiểm ghi nhận mức tăng trưởng âm, lần lượt là -30% và -13% YoY.

Nguồn: SSI Research

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.