[Nhận định thị trường ngày 11/04] Thị trường giằng co trong xu hướng giảm nhẹ – Thuế bán phá giá mới đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam về 0% đối với 31 công ty – Cập nhật AST

Thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh với số mã giảm điểm áp đảo. Mặc dù vậy, lực cầu vùng giá thấp vẫn được duy trì khá tốt, giúp các chỉ số thu hẹp đà giảm điểm về cuối phiên và điều này cho thấy cán cân cung cầu đã tạm thời cân bằng trở lại.

ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG

Thị trường có phiên giảm điểm với thanh giảm nhẹ. Khối ngoại mua ròng trở lại và độ rộng thị trường nghiêng về phía các cổ phiếu giảm giá.

Trên sàn HSX, bộ đôi VHM(-1.4%) VIC(-1.1%) cùng với VCB(-1.3%) dẫn đầu đà giảm giảm giá và tác động tiêu cực nhất đến các chỉ số. Nỗ lực của SAB(+0.8%) VRE(+1.2%) ROS(+2.6%) GAS(+0.2%)… không thay đổi được tình trạng chung do số cổ phiếu vốn hóa lớn giảm giá chiếm ưu thế hoàn toàn. Rổ VN30 có 05 mã tăng giá và 23 mã giảm giá.  Sàn HNX diễn biến tích cực hơn do không chịu ảnh hưởng của VIC-VHM.

Về diễn biến các nhóm ngành, hầu hết các nhóm ngành đều giảm với biên độ không lớn. Nhóm đầu khí phục hồi sau phiên đảo chiều giảm hôm qua. Các cổ phiếu thủy sản đồng loạt tăng mạnh, riêng FCM CMX ACL tăng hết biên độ sau thông tin Mỹ bất ngờ áp thuế bán phá giá 0% với tôm Việt Nam. Ngược lại, CTD giảm hết biên độ phiên thứ 2 liên tiếp sau đai hội cổ đông.

Trên thị trường phái sinh, cả 04 hợp đồng đều giảm nhẹ hơn chỉ số VN30. Khoảng cách trung bình cả các hợp đồng với VN30 Index thu hẹp rất nhanh, thấp hơn từ 7.99 đến 16.39 điểm.

Thuế bán phá giá mới đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam về 0% đối với 31 công ty, theo thông báo từ Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 10/4. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13), với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Trong đó, DOC kết luận sơ bộ rằng các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Công ty Sao Ta và Công ty Hải sản Nha Trang không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018. Vì vậy, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty là 0%. Vì đây là hai bị đơn bắt buộc trong đợt POR13 nên 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên cũng được hưởng mức thuế 0%. Ngược lại, với 67 công ty khác của Việt Nam không thuộc các trường hợp nêu trên, DOC cho rằng không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất riêng nên sẽ chịu thuế suất thuế bán phá giá chung cho sản phẩm cùng loại từ Việt Nam là 25.76%.

Mức thuế sơ bộ này là cơ sở tốt để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới. Với mức thuế này, việc xuất khẩu tôm sang Mỹ của doanh nghiệp Việt sẽ thuận lợi hơn, tăng sức cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu tôm lớn như Ấn Độ và Thái Lan vào thị trường Mỹ. Trước thông tin tích cực nêu tên, giá cổ phiếu ngành thủy sản trong phiên giao dịch ngày hôm nay bứt phá mạnh mẽ. FMC và ACL đóng phiên ở mức giá trần trong khi MPC, VHC lần lượt tăng 1.32%, 1.78%.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây của IMF đã giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2019 xuống còn 3.3% – mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008, đây cũng là lần thứ 3 liên tiếp IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 6 tháng trở lại đây. Tăng trưởng của Mỹ và EU cũng lần lượt giảm xuống 2.3% và 1.3% từ mức 2.5% và 1.6% trước đó. Ngược lại, tăng trưởng Trung Quốc được dự báo tăng nhẹ lên 6.3% thay vì 6.2% nhờ những biện pháp kích cầu của Chính phủ Trung Quốc.

Ngoài ra, thông tin tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 thông báo áp thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa châu Âu, làm gia tăng căng thẳng liên quan đến chính sách trợ giá các hãng sản xuất máy bay, nguy cơ tạo ra một cuộc chiến thương mại với phạm vi rộng hơn. Cả 3 chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm khoảng 0.5 – 0.7% trong phiên ngày 9/4.

Thị trường chứng khoán Châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Nikkei 225 và Hangseng Index lần lượt giảm -0.53% và -0.13% trong khi Shanghai Composite gần như đi ngang.

Trong tối nay, những thông tin về biên bản cuộc họp FOMC, chỉ số lạm phát tháng 3 của Mỹ và các quyết định của ECB về chính sách tiền tệ sắp tới sẽ được công bố và sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thị trường trong phiên ngày mai.

Quan điểm đầu tư

Thị trường tiếp tục có phiên điều chỉnh với số mã giảm điểm áp đảo. Mặc dù vậy, lực cầu vùng giá thấp vẫn được duy trì khá tốt, giúp các chỉ số thu hẹp đà giảm điểm về cuối phiên và điều này cho thấy cán cân cung cầu đã tạm thời cân bằng trở lại.

Theo quan sát của chúng tôi, các chỉ số chính đang quay xuống các vùng hỗ trợ gần và phản ứng hồi phục có thể sẽ xuất hiện. Tuy nhiên, một số mã dẫn dắt thuộc nhóm ngân hàng và dầu khí hiện đang thử thách các vùng kháng cự mạnh và điều này sẽ cản trở đà hồi phục của thị trường. Nhà đầu tư được khuyến nghị chưa vội nâng tỷ trọng cổ phiếu, tiếp tục kết hợp các chiến lược trading ngắn theo chiều bán trước mua sau để giảm giá vốn của các vị thế còn lại trong danh mục.

Mã cổ phiếu khuyến nghị:  PNJ TCB BMP KBC MBB DXG REE FPT GMD PVS

AST – Cập nhật ĐHCĐ 2019

Kế hoạch 2019: Doanh thu và LNTT tăng trưởng lần lượt 31% và 21%

Hoạt động bán lẻ tại sân bay: Để tiếp tục tạo động lực tăng trưởng hoạt động kinh doanh cốt lõi, AST đã tham gia đấu thầu để mở mới thêm hệ thống điểm kinh doanh. Dự kiến, trong năm nay AST sẽ mở thêm 15 điểm kinh doanh, bao gồm 04 điểm tại sân bay Tân Sơn Nhất, 05 điểm tại sân bay Phú Quốc, 03 điểm tại sân bay Vân Đồn (sau khi đường bay quốc tế được mở tại đây vào tháng 6 năm nay), 01 CIP Lounge tại sân bay Nội Bài, 02 điểm tại ga quốc nội sân bay Cam Ranh. Hiện tại, AST chia sẻ hiện đã 8 điêm đã có kết quả đấu thầu là: 3 điểm tại ga T2 sân bay Tân Sơn Nhất và 5 điểm tại sân bay Phú Quốc.

Hoạt động kinh doanh khách sạn:  năm 2019 dự báo lượng khách sạn đi vào hoạt động sẽ tiếp tục tăng cao dẫn tới cạnh tranh khốc liêt. Doanh thu dự kiến 140 tỷ đồng (-22% yoy), LNTT khoảng 15 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư bất động sản: AST còn sở hữu hơn 400m2 đất tại Đà Nẵng (đầu tư cùng tập đoàn mẹ), dự kiến năm nay ghi nhận lợi nhuận khoảng 2.5 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh biển quảng cáo: năm 2019 dự kiến doanh thu 102 tỷ, LNST 20 tỷ.

Kế hoạch M&A: AST sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn và các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng ngành dịch vụ hàng không. Trên thực tế, AST sở hữu cổ phần tại công ty chuyển giao nhận hàng không AAL. Công ty này cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh bằng đường hàng không (quốc tế và nội địa), vận chuyển đường bộ các tuyến vận tải từ Sân bay Nội Bài đến các vùng, các tỉnh miền Bắc.

Dự phóng và khuyến nghị

Cho năm 2019, chúng tôi dự phóng doanh thu tăng trưởng 27%, đạt 1,102 tỷ đồng; LNST tăng trưởng 12%, đạt 180 tỷ đồng. Giả định chính của chúng tôi là:

– Đóng góp chính cho tăng trưởng của doanh thu đến từ hoạt động bán lẻ đạt 620 tỷ đồng (+12% yoy) và doanh thu của JDV đạt 186 tỷ đồng. JDV sẽ được không được hợp nhất trong quý 1, do AST nắm quyền chi phối JDV từ cuối tháng 3.

– LN gộp đạt 565 tỷ đồng (+21% yoy), biên gộp giảm từ 53.9% xuống còn 51.3% do ảnh hưởng của (1) mảng khách sạn bị cạnh tranh và (2) đóng góp của mảng duty-free có biên gộp thấp hơn hoạt động bán lẻ.

– Các công ty liên kết lỗ 9 tỷ. Trong đó, chúng tôi ước tính VinaCS sẽ lỗ khoảng 55 tỷ đồng, đóng góp lỗ 15 tỷ đồng. JDV đóng góp lãi 6 tỷ đồng (trong quý 1/2019).

Tóm lại, chúng tôi dự phóng LNTT tăng trưởng 23% đạt 251 tỷ đồng, LNST tăng trưởng 12% đạt 180 tỷ đồng. Theo đó, EPS cơ bản đạt 5,005 đồng (chưa tính pha loãng do phát hành cổ phiếu trả cổ tức trong năm 2019). Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu AST là 75,000 đồng/cổ phiếu với P/E dự phóng là 15 lần, khuyến nghị TÍCH LŨY

KBSV research, VDSC

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.