[Market Recap] Vietnam Trade Monitor – Báo cáo thương mại Việt Nam 2018 – THẶNG DƯ NHƯNG CÒN NHIỀU THÁCH THỨC

FDI giảm tốc, hướng tới tăng trưởng nhờ nội lực

Xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản: thách thức để vươn lên

Cơ hội và thách thức từ chiến tranh thương mại

Năm 2018 khép lại là một năm nhiều thành công của thương mại Việt Nam. Cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp với giá trị xuất siêu cao kỷ lục đạt 6.8 tỷ USD, trong đó riêng khối FDI xuất siêu 30.1 tỷ USD. Xuất nhập khẩu tuy tăng chậm hơn năm 2017 nhưng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tích cực. Tổng giá trị xuất khẩu tăng 13.2% đạt 243.5 tỷ USD, nhập khẩu tăng 11.1% đạt 236.7 tỷ USD, tổng kim ngạch hai chiều đạt 480 tỷ USD, tương đương 196% GDP, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có độ mở lớn nhất thế giới.   

Năm 2018 cũng ghi nhận nhiều thành công của Việt Nam trong các nỗ lực hội nhập quốc tế với việc CPTPP chính thức được ký kết vào tháng 3/2018 và những tiến triển rõ nét của hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU).

Tuy nhiên, độ mở của nền kinh tế tăng nhanh đồng nghĩa với việc kinh tế Việt Nam cũng nhạy cảm hơn với các diễn biến từ bên ngoài. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đi kèm với những biểu hiện ban đầu của suy thoái kinh tế đặc biệt là sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đang dần thể hiện ảnh hưởng khi đây là hai đối tác thương mại chính của Việt Nam.

FDI giảm tốc, hướng tới tăng trưởng nhờ nội lực

Chiếm 70% tỷ trọng hàng xuất khẩu và 60% tỷ trọng hàng nhập, khối FDI có ảnh hưởng trọng yếu lên hoạt động thương mại. Tuy nhiên, tăng trưởng cả hai chiều xuất và nhập khẩu của khối này đang giảm tốc rất nhanh, tương ứng chỉ tăng 12.4% và 10.8% trong năm 2018, so với mức tăng 22.9% và 26.6% trong năm 2017, và đều thấp hơn khối doanh nghiệp trong nước (tăng 15.4% và 16.4%).

Khối FDI chịu ảnh hưởng của hai nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất là Điện thoại và Máy vi tính, chiếm tỷ trọng tương ứng 28.6% và 16.2% trong tổng giá trị XK. Cả hai mặt hàng này cùng thể hiện xu hướng giảm mạnh trong những tháng cuối năm. Máy vi tính và linh kiện đã tăng trưởng âm hai tháng liên tiếp khiến tăng trưởng cả năm 2018 chỉ đạt 12.5%, giảm mạnh từ mức 36.9% trong năm 2017. Trong tháng 12, XK Điện thoại đã giảm -39.7% so với tháng 11 và giảm -26.3% so với tháng 12/2017, tăng trưởng cả năm chỉ đạt 8.5%, mức thấp nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu mặt hàng Điện thoại từ năm 2010.

Theo IDC, doanh số smartphone toàn cầu đã giảm 6% yoy trong Q3/2018 về mức 355.2 triệu chiếc, với 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp thị trường đã rơi vào suy thoái. Ước tính thị trường smartphone giảm lần đầu tiên trong năm 2018 (-3% yoy), sau khi tăng trưởng ở mức bình quân 16% trong 5 năm trước đó. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc (30% sản lượng toàn cầu) ước tính giảm -8.8% trong năm 2018. Không chỉ Samsung có doanh thu mảng điện thoại sụt giảm (-13.4% yoy trong Q3/2018), triển vọng với các hãng sản xuất lớn như Apple, LG, Sony cũng không mấy sáng sủa khi thị trường smartphone toàn cầu suy yếu. Tuy nhiên, IDC dự báo thị trường smartphone có thể phục hồi lấy lại tăng trưởng nhẹ trong năm 2019.

Một số mặt hàng khác của khối FDI duy trì được tăng trưởng xuất khẩu tích cực như Máy ảnh, máy quay phim (+31.2%), Máy móc, thiết bị (+27.4%), Hàng dệt may (+15.1%), Sắt thép (+53.8%) nhưng không đủ bù đắp được cho tăng trưởng chung.

Nhập khẩu của khối FDI chủ yếu là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ hoạt động sản xuất và xuất khẩu nên cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của xu hướng này. Top 10 mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu bởi nhóm doanh nghiệp FDI. Ngoại trừ mặt hàng Sắt thép và Xăng dầu, nhóm FDI chiếm tỷ trọng vượt trội ở tất cả các mặt hàng còn lại, riêng hai mặt hàng Điện thoại và Máy vi tính và linh kiện có tỷ trọng hơn 90% được nhập khẩu bởi khối FDI.

Ngoài Kim loại thường khác (+35.1%), tất cả các mặt hàng trong top Nhập khẩu của khối FDI trong năm 2018 đều tăng chậm hơn 2017. Hai nhóm đầu vào quan trọng là Điện thoại và linh kiện và Máy móc thiết bị đều có tăng trưởng âm -5.2% và -7.5% trong năm 2018.

Trái lại, nhập khẩu của khu vực trong nước lại tăng trưởng khá tích cực với mức tăng +16.4%. Nhiều mặt hàng chính có mức tăng trên 20% như Vải, Chất dẻo nguyên liệu, Máy vi tính và linh kiện, Máy ảnh máy quay phim, Kim loại thường khác do cả nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước đều có sự cải thiện. Nhập khẩu Dầu thô tăng gấp 6 lần đạt 2.7 tỷ USD cùng với việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, trong khi nhập khẩu Xăng dầu chỉ tăng 8.8% (2017 tăng 38.6%).

Nhập khẩu Dược phẩm giảm 1% nhờ chính sách ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước. Nhập khẩu ô tô giảm mạnh trong năm nay do tâm lý chờ đợi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đưa thuế nhập khẩu ô tô từ 30% về 0% nếu đủ điều kiện tỷ lệ nội địa hóa đạt 40%. Để được áp dụng mức thuế 0%, các lô hàng cần thời gian để kiểm định và hoàn thành các thủ tục cần thiết, nên đến nửa cuối năm nhập khẩu mới phục hồi, và nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dù giảm -20.2% so với năm trước, nhưng riêng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ lại tăng +38.8% với 9/10 trong số này (48.000 chiếc) được nhập khẩu từ ASEAN.

Xuất khẩu của khối trong nước tuy tăng chậm hơn năm 2017 nhưng vẫn cao hơn khối FDI, đạt +15.4%, kéo tăng trưởng chung đạt +13.2%. Xuất khẩu Dệt may là điểm sáng khi nhóm hàng này tiếp tục duy trì mức tăng khá ổn định +16.5%, so với mức tăng 9.6% năm 2017. Đây là nhóm hàng có sự tham gia của cả hai khối FDI và khối trong nước với tỷ trọng 60% – 40%. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước đang thể hiện sự tăng trưởng rõ rệt với mức tăng 18.8%, gấp đôi tốc độ tăng 9.2% của năm 2017.

Trong năm 2018, xuất khẩu của hai khối và nhập khẩu của khối FDI đều giảm tốc do chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của cầu thế giới. Riêng nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng từ mức 13.1% trong năm 2017 lên 16.4% trong năm 2018 cho thấy cầu trong nước vẫn được duy trì. Động lực tăng trưởng kinh tế và thương mại đang dịch chuyển trở lại về thị trường nội địa với kỳ vọng vào nội lực mạnh mẽ cả trong tình huống kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.

Xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản: thách thức để vươn lên

Nông sản từ trước đến nay vẫn được định hướng là nhóm hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, với nhiều mặt hàng từng bước tiến sâu vào thị trường thế giới như: Gạo, Hạt điều, Hạt tiêu, Cà phê, Thủy sản, Rau quả, Gỗ,… Năm 2018, giá trị nông sản xuất khẩu đã vượt mức 40 tỷ USD, chiếm 16.5% tổng giá trị XK, và đứng thứ 15 thế giới với 6 mặt hàng vượt mức 3 tỷ USD là Tôm (3.59 tỷ USD), Rau quả (3.81 tỷ USD), Hạt điều (3.43 tỷ USD), Cà phê (3.46 tỷ USD), Gỗ và sản phẩm gỗ (8.86 tỷ USD) và Gạo (3.08 tỷ USD). Thặng dư thương mại đạt 8.72 tỷ USD tương đương năm 2017.

Tuy nhiên, xuất khẩu năm nay không đạt tăng trưởng hai con số mà giảm về mức 9.6%. Cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu khiến cho nguồn cung tăng nhanh trong bối cảnh cầu yếu đã đẩy giá các mặt hàng nông sản sụt giảm mạnh. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có sản lượng XK tăng tích cực nhưng giá trị tăng không tương xứng hay thậm chí giảm như Cà phê +19.9% về SL nhưng GT chỉ tăng +1.1%, Cao su tăng +13.3% về SL nhưng giảm -7% về GT, SL Hạt điều tăng +5.9% nhưng GT giảm -4.2%, Hạt tiêu tăng +8.3% SL nhưng giá trị giảm mạnh -32% về dưới ngưỡng 1 tỷ USD, xuất khẩu Tôm cũng giảm -7.8% trong bối cảnh cầu thế giới sụt giảm.

Hạt điều là mặt hàng chủ lực của Việt Nam với thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều thế giới. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu hạt điều giảm -4.2% trong năm 2018 chỉ đạt 3.43 tỷ USD khi giá giảm 9% so với năm 2017. Cả 3 thị trường lớn nhất là Mỹ (39%), Trung Quốc (15%) và Hà Lan (13%) đều giảm. Khác với các giống cây trồng khác, ngành điều Việt Nam không thể chủ động về đầu vào khi có tới 70% nguyên liệu là nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi nên phụ thuộc rất nhiều vào các biến động về nguồn cung.

Xuất khẩu Rau quả lần đầu lọt vào Top 3 mặt hàng nông lâm sản chủ lực với giá trị 3.81 tỷ USD. Đây là mặt hàng mũi nhọn của nông sản Việt Nam trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm là 29%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng năm 2018 giảm tốc đáng kể, chỉ đạt 9.5% sau khi tăng 50% trong năm 2016 và 43% trong năm 2017. Mặt hàng này chịu ảnh hưởng rất lớn bởi thị trường Trung Quốc khi chiếm tới 70% tổng giá trị. Trong năm 2018, giá thanh long (tỷ trọng khoảng 30%) đột ngột giảm mạnh do cầu từ Trung Quốc giảm. Mặt hàng ớt (khoảng 10%) và đu đủ cũng gặp khó khăn do không đạt các chỉ tiêu an toàn.

Tỷ lệ giá trị gia tăng thấp, việc thiếu đa dạng sản phẩm và phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường và sản phẩm chủ đạo khiến ngành Rau quả tiềm ẩn nhiều rủi ro dễ bị ảnh hưởng khi có các biến động về cung cầu.

Ngành nông sản nói chung cũng chịu không ít khó khăn khi các thị trường phát triển ngày càng chú trọng quản lý và siết chặt các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm, đòi hỏi hàng hóa phải đạt các tiêu chuẩn rất khắt khe. Việc đẩy mạnh sản xuất theo quy mô lớn và phát triển thương hiệu theo hướng tăng cường xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp hàng nông sản Việt Nam kiểm soát chất lượng và ổn định đầu ra của sản phẩm.

Ở phía tích cực, xuất khẩu gạo tăng mạnh +16.3% nhờ tăng trưởng cả về lượng và giá, bên cạnh các mặt hàng cá tra, đồ gỗ là một vài điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu năm nay.

Xuất khẩu Gỗ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm (+15.6%) đạt 8.86 tỷ USD trong năm 2018, trong đó, gỗ thành phẩm đạt 6.24 tỷ USD (70%). Nhập khẩu Gỗ và sản phẩm gỗ là 2.32 tỷ USD, giá trị xuất siêu cao đạt 6.55 tỷ USD, Gỗ và các sản phẩm gỗ lần đầu tiên vượt Thủy sản trở thành mặt hàng nông lâm thủy sản số một về giá trị xuất khẩu. Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ ở Đông Nam Á, xếp thứ 2 ở Châu Á và thứ 5 toàn cầu. Đây là một trong những ngành được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khi các đơn hàng và vốn đầu tư vào ngành này có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam để tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ. Thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ (45% tỷ trọng) liên tục đạt mức tăng trên 20% trong 6 tháng cuối năm, cả năm tăng 18.9% so với 2017.

Xuất khẩu cá tra phục hồi ấn tượng với mức tăng kỷ lục 26.5% đạt 2.26 tỷ USD. Các thị trường chính đều tăng trưởng tốt: EU khởi sắc trở lại, Trung Quốc và ASEAN tiếp tục tăng mạnh +28% và +41%, tuy nhiên động lực chính nằm ở thị trường Mỹ với mức tăng +59% trong năm 2018, riêng tháng 12 tăng +124% yoy, để lấy lại vị trí thị trường xuất khẩu số 1 của cá tra. Giá cá tra phục hồi tích cực cùng với việc thuế chống bán phá giá theo kết luận sơ bộ từ POR14 giảm mạnh, hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam được công nhận tương đương và cơ hội giành thị phần nhờ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã thúc đẩy thị trường này. Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng +5.7% mặc dù xuất khẩu tôm giảm.

Cơ hội và thách thức từ chiến tranh thương mại

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2018, mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của cuộc chiến, những phân tích ban đầu cho rằng Việt Nam được kỳ vọng là quốc gia hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư và thương mại hàng hóa theo nhiều cách: (i) hàng hóa Trung Quốc đi đường vòng để tìm đường vào thị trường Mỹ; (ii) hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trở nên kém cạnh tranh tạo điều kiện cho hàng hóa từ các nước khác trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, thách thức với Việt Nam cũng không nhỏ nếu (i) hàng hóa Trung Quốc không xuất được sang Mỹ tìm tới các thị trường khác trong đó có Việt Nam, (ii) Trung Quốc tăng cường tiêu dùng nội địa gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, (iii) hàng linh phụ kiện của Việt Nam xuất sang Trung Quốc để chế biến, lắp ráp hàng xuất khẩu đi Mỹ cũng gặp khó khăn.

Số liệu ban đầu cho thấy xuất khẩu sang Mỹ tăng tốc khá rõ nét trong nửa cuối năm 2018, tăng trưởng từ mức 9.4% trong 6 tháng đầu năm lên 13.8% cả năm 2018, đáng chú ý là các mặt hàng Điện thoại, Máy vi tính và sản phẩm điện tử, Gỗ và Hàng thủy sản. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc chậm dần từ tháng 8 và đặc biệt rơi về âm -6.8% yoy trong tháng 11 và -19.8% yoy trong tháng 12. Nhiều mặt hàng chính giảm khá mạnh trong tháng cuối năm như Điện thoại (-42% yoy), Máy ảnh (-17% yoy), Hàng rau quả (-16% yoy), Gỗ (-31% yoy).

Chiến tranh thương mại như giọt nước tràn ly thêm vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang gặp nhiều bất ổn. Tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc thấp nhất trong gần 30 năm, PMI xuống dưới 50 điểm lần đầu sau 18 tháng do sản lượng sản xuất và đơn hàng xuất khẩu đều giảm do xung đột thương mại với Mỹ.

Chiếm 17% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, cầu từ thị trường Trung Quốc suy giảm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam mà còn tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số ngành đã nhanh chóng bị ảnh hưởng điển hình như xuất khẩu Điện thoại, Hàng rau quả,… và có thể tiếp tục tác động tới nhiều ngành khác khi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể còn thấp hơn trong năm 2019.

Năm 2018 là năm Việt Nam đạt nhiều thành tựu về đàm phán thương mại. CPTPP được chính thức ký kết vào tháng 3/2018 bởi 11 nước thành viên còn lại của TPP và đã chính thức có hiệu lực vào ngày 30/12/2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng đạt được bước tiến lớn.

Với 12 FTAs đã ký kết với tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA khoảng 35%, độ mở tăng nhanh chóng từ 120% lên gần 200% GDP trong 10 năm khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, điển hình là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Do đó, tận dụng giao thương để tăng trưởng nhanh cũng cần đi kèm củng cố nội lực để tăng trưởng bền vững hơn.

SSI Research


Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.