Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank: TCB): Cho vay bán lẻ tiếp tục được gia tăng nhờ mảng cho vay mua nhà [Mục tiêu 42.500 đ/cp]

Định giá hấp dẫn so với vị thế của TCB. Mức P/B hiện tại của TCB là 0.9x, tương đối thấp hơn so với mức P/B trung bình ngành là 1.3x. Chúng tôi cho rằng đây là một mức định giá tương đối hấp dẫn so với vị thế của TCB.

Cập nhật KQKD Q3/2022 và 9T2022

Trong Q3/2022, TCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hợp nhất (TOI) đạt 10,338 tỷ đồng (+16.9% yoy). Trong đó, thu nhập lãi thuần (NII) và thu nhập thuần ngoài lãi (NOI) đạt lần lượt 7,565 tỷ đồng (+12.2% yoy) và 2,773 tỷ đồng (+36.1% yoy). Thu nhập lãi thuần trong Q3/2022 chỉ đạt mức tăng trưởng nhẹ chủ yếu do ngân hàng này đã sử dụng gần 100% room tín dụng được cấp trong nửa đầu năm 2022. Ngoài ra, NIM của Q3/2022 cũng sụt giảm về mức 5.5% so với mức 6.0% trong Q2/2022, khi chi phí vốn (CoF) của gia tăng mạnh lên mức 3.0% so với 2.4% của Q2/2022 khi mà TCB liên tục gia tăng lãi suất huy động từ cuối Q2/2022.

Luỹ kế 9T2022, TOI hợp nhất của TCB đạt 31,474 tỷ đồng (+16.9% yoy). Thu nhập lãi thuần (NII) và thu nhập thuần ngoài lãi (NOI) đạt lần lượt 23,470 tỷ đồng (+20.6% yoy) và 8,004 tỷ đồng (+7.3% yoy). Thu nhập thuần ngoài lãi gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2021 khi mà lợi nhuận gia tăng từ hoạt động thu phí và bảo hiểm được bù trừ bởi sự suy giảm từ hoạt động đầu tư chứng khoán. NFI của TCB trong 9T2022 đạt 5,993 tỷ đồng (+40.0% yoy), vẫn tiếp tục là khoản thu nhập đóng góp lớn nhất vào NOI của ngân hàng này. Chi phí hoạt động trong kỳ đạt 9,408 tỷ đồng (+20.9% yoy). Tỷ lệ CIR hợp nhất đạt 29.9%, tương đương với 6T2022 và cả năm 2021 và vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp so với mức trung bình toàn ngành. Chi phí DPRRTD trong kỳ đạt 1,245 tỷ đồng (-38.9% yoy). Trong bối cảnh chất lượng tài sản vẫn tiếp tục được đảm bảo ở mức rất an toàn, TCB đã giảm tỷ lệ trích lập dự phòng nhằm đạt được mức tăng trưởng LNTT kế hoạch đề ra. LNTT hợp nhất 9T2022 đạt 20,821 tỷ đồng (+21.8% yoy).

Về mặt chất lượng tài sản, tỷ lệ NPL và tỷ lệ nợ nhóm 2 tại cuối Q3/2022 của TCB đạt lần lượt 0.65% và 0.71%, tương đương với cuối năm 2021, tăng nhẹ so với cuối Q2/2022. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 165.0%, tương đương với cuối năm 2021 và giảm nhẹ so với cuối Q2/2022. Tỷ lệ nợ tái cơ cấu tại cuối Q3/2022 đạt 0.1%, đạt 0.5 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức tại cuối Q2/2022. Đây cũng là một trong những mức nợ tái cơ cấu thấp nhất toàn ngành, giúp ngân hàng giảm tốc tỷ lệ trích lập dự phòng trong 9T2022.

Tổng tài sản hợp nhất của TCB tại 30/09/2022 đạt 671,353 tỷ đồng (+23.9% yoy, +18.0% YTD). Tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2021 đạt 10.7%, trong khi tổng huy động tăng trưởng 1.3% so với cuối năm 2021. Điều này đẩy mức thanh khoản của TCB lên mức tương đối căng thẳng khi tỷ lệ LDR tại cuối Q3/2022 đạt 113.5%. Tỷ lệ CASA tiếp tục được duy trì ở mức cao khi đạt 46.5% tại cuối Q3/2022. Điều này giúp TCB duy trì được mức CoF thấp trong môi trường lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng và duy trì ở mức cao trong năm 2023.

Luận điểm đầu tư

Chất lượng tài sản hàng đầu ngành ngân hàng

Các chỉ tiêu về chất lượng tài sản giao động quanh mức của Quý 1 và vẫn ở mức tích cực như:

TCB là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản cao nhất toàn ngành khi tỷ lệ nợ xấu luôn thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành. Tại cuối Q3/2022, tỷ lệ nợ xấu của TCB là 0.65% trong khi con số này của 19 ngân hàng lớn nhất niêm yết trên 2 sàn HOSE và HNX là 1.56%. Bên cạnh đó, với chính sách trích lập dự phòng rất chủ động, tỷ lệ bao nợ xấu LLR của TCB cũng nằm trong nhóm cao nhất toàn ngành. Tại cuối Q3/2022, tỷ lệ LLR của TCB đạt 165.0% so với mức 149.8% của 19 ngân hàng niêm yết lớn nhất. Đây cũng là mức cao thứ 2 trong nhóm NHTMCP niêm yết trên HOSE (sau MBB) dù TCB đã giảm tốc đáng kể khoản trích lập dự phòng trong 9T2022.

Phần lớn nợ xấu của TCB đến từ mảng cho vay KHCN và SME, trong khi mảng cho vay KHDN gần như không có nợ xấu. Mặc dù tỷ trọng cho vay mảng KHCN và SME đã gia tăng đáng kể nhưng TCB vẫn duy trì được tỷ lệ NPL rất thấp so với ngành. Tỷ lệ cho vay nhóm KHCN và SME tại cuối Q3/2021 đạt 51.7% đã tăng lên mức 64.5% tại cuối Q3/2022. Trong khi đó, tỷ lệ nợ dưới chuẩn của TCB có sự giảm nhẹ trong cùng thời kỳ khi đạt 1.5% tại cuối Q3/2021 và giảm xuống còn 1.35% tại cuối Q3/2022.

Cho vay bán lẻ tiếp tục được gia tăng nhờ mảng cho vay mua nhà

Trong 9T2022, tăng trưởng tín dụng của TCB chủ yếu được dẫn dắt bởi sự tăng trưởng của 2 nhóm KHCN vá SME trong khi cho vay KHDN và TPDN lại ghi nhận sự sụt giảm. Tại cuối Q3/2022, mảng cho vay KHCN và SME tăng trưởng lần lượt 37.0% và 9.2% so với cuối năm 2021, trong khi mảng KHDN và TPDN giảm lần lượt -3.3% và -30.2% so với đầu năm.

Trong cơ cấu cho vay bán lẻ (KHCN+SME), mảng cho vay mua nhà (mortgage) vẫn đóng vai trò chủ đạo khi chiếm tỷ trọng lên tới 82% cơ cấu cho vay bán lẻ, đạt mức tăng trưởng +45.2% so với cuối năm 2021. Tỷ lệ cho vay mua nhà lần đầu của TCB chiếm 77% trong tổng dư nợ cho vay mua nhà cho thấy được nhu cầu rất cao của mảng cho vay này. Nhu cầu mua nhà được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng khi tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ có sự bùng nổ nhờ tăng trưởng cao của nền kinh tế. Việc chuyển dịch xu hướng cho vay sang cho vay mua nhà của TCB được dự báo sẽ giúp ngân hàng đón đầu được xu hướng và tạo lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh cho vay mua nhà thì cho vay thẻ tín dụng và cho vay mua xe cũng tiếp tục được chú trọng khi lần lượt chiếm 8% và 2% trong cơ cấu cho vay bán lẻ.

Độ dày vốn và CASA đứng đầu ngành ngân hàng

Trong 9T2022, tăng trưởng huy động của TCB tương đối thấp so với mức tăng trưởng tín dụng khi chỉ đạt 1.3% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA cũng giảm xuống mức 46.5% so với mức 50.5% tại cuối năm 2021.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức CASA cao nhất toàn ngành ngân hàng. Trong cơ cấu CASA, nhóm KHCN đóng góp 58.9%, tỷ lệ này giảm hơn so với mức 62.3% tại cuối năm 2021. Việc suy giảm tỷ lệ CASA chủ yếu đến từ việc ngân hàng chủ động gia tăng lãi suất nhằm đảm bảo các tỷ số thanh khoản khiến các khoản tiền gửi có kỳ hạn gia tăng trong khi tiền gửi không kỳ hạn sụt giảm. Lãi suất huy động chung của TCB tăng từ mức 2.0% tại thời điểm cuối năm 2021 lên mức 2.4% tại cuối Q3/2022.

Chúng tôi cho rằng thanh khoản hệ thống vẫn sẽ tiếp tục căng thẳng trong quý cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất huy động của các NHTM. Do đó, CASA của TCB được dự báo sẽ có sự suy giảm và lãi suất huy động tiếp tục gia tăng.

Rủi ro từ danh mục trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)

Tại cuối Q3/2022, danh mục TPDN của TCB đạt 43,501 tỷ đồng (-25.6% yoy, -30.7% YTD). TCB là một trong những ngân hàng có quy mô danh mục TPDN đang nắm giữ lớn nhất toàn ngành, trong đó phần lớn liên quan đến các công ty liên quan hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Hiện tại danh mục TPDN của TCB vẫn đang được xếp hạng nợ đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các thông tin tiêu cực liên quan đến sai phạm trong việc phát hành TPDN của các công ty BĐS lớn khiến cho hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh giảm quy mô danh mục TPDN đang nắm giữ trong 9T2022. Do đó, áp lực thanh khoản sẽ gia tăng khi nhu cầu mua lại trái phiếu trước hạn của các cty BĐS tăng mạnh trong những quý tiếp theo. Ngoài ra, việc NHNN tiếp tục kiểm soát tín dụng rất thận trọng vào lĩnh vực BĐS trong năm 2023 cũng khiến khả năng thanh toán trái phiếu và trả nợ đúng hạn của các công ty BĐS đặt ra dấu hỏi lớn. Điều này có thể khiến nợ xấu phát sinh mạnh tại các ngân hàng có tỷ lệ cho vay trong lĩnh vực BĐS cao như TCB.

Thanh khoản căng thẳng cản trở việc nhận được room tín dụng trong năm 2023

TCB hiện là một trong những ngân hàng có tỷ lệ LDR cao nhất toàn ngành. Điều này sẽ là một bất lợi trong việc nhận hạn mức tín dụng từ NHNN trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo đó, các ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ thanh khoản cùng với các ngân hàng tiếp nhận tái cơ cấu các ngân hàng “0 đồng” sẽ được ưu tiên cấp room tín dụng.

Dự phóng KQKD 2022-2023

Chúng tôi dự báo TOI hợp nhất của TCB trong năm 2022 đạt mức 41,886 tỷ đồng (+13.0% yoy), trong đó NII chiếm 72.9% TOI. Chi phí DPRRTD đạt 2,597 tỷ đồng (-2.5% yoy) với kỳ vọng TCB sẽ gia tăng trích lập trong Q4/2022. Tỷ lệ CIR hợp nhất đạt 30%. LNTT được dự phóng ở mức 26,723 tỷ đồng (+15.0% yoy), hoàn thành 100% kế hoạch cả năm 2022.

NPL và LLR cả năm 2022 được kỳ vọng sẽ đạt lần lượt 0.64% và 167.4%. ROE và ROA được dự báo sẽ đạt lần lượt 20.6% và 3.3%.

Trong năm 2023, chúng tôi kỳ vọng TCB sẽ đạt mức LNTT 30,025 tỷ đồng (+12.4% yoy) với giả định tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 15.3%. NPL trong năm 2023 được kỳ vọng tăng lên mức 0.77%. NIM được dự báo sẽ giảm nhẹ về mức 5.3%.

Định giá hấp dẫn so với vị thế của TCB

Mức P/B hiện tại của TCB là 0.9x, tương đối thấp hơn so với mức P/B trung bình ngành là 1.3x. Chúng tôi cho rằng đây là một mức định giá tương đối hấp dẫn so với vị thế của TCB. Cụ thể, ROE trong Q3/2022 của TCB đạt 20.9% cao hơn so với mức 19.5% của toàn ngành. Không chỉ vậy, TCB đã duy trì tỷ lệ ROE luôn trên mức 20% kể từ Q2/2021, cao hơn nhiều so với mức dưới 18% của toàn ngành.

Bên cạnh việc duy trì được hiệu suất sinh lợi vượt trội cùng với chất lượng tài sản hàng đầu ngành như đã phân tích ở trên, TCB còn là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hàng đầu trong ngành. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của LNTT trong 5 năm gần nhất của TCB đạt 23.7%, đứng thứ 3 toàn ngành và đứng đầu trong nhóm các NHTMCP lớn.

Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu TCB với mức giá mục tiêu 42,500 VND/cp

Nguồn: MBS


Các nguồn định giá tham khảo khác:

 


Đồ thị phân tích kỹ thuật theo Hệ thống Tín hiệu dòng tiền iBroker SIS 4.0

TCB chart. Nguồn: phowall.vn


Link tham gia room zalo Tín hiệu dòng tiền để nhận được tư vấn trong phiên cổ phiếu có tín hiệu Mua/Bán: https://zalo.me/g/izmqqe638


 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.