Số lượng cổ phiếu đang lưu hành: 43 triệu cp; Vốn hóa: 1.253 tỷ đồng; Giá trị giao dịch trung bình 3 tháng: 10,48 tỷ đồng, Giá hiện tại: 29.150 đồng/cp; và Tỷ lệ sở hữu nước ngoài: 28,83%.
Tại mức giá đóng cửa ngày 21/3/2017 là 29.150 đồng/cổ phiếu, CTI đang được giao dịch tại TTM P/E là 11.1 lần.
CTI là công ty chuyên về xây dựng cơ sở hạ tầng và vận hành các trạm thu phí đường bộ theo hợp đồng BOT trong khu vực miền Nam. Đặc biệt, hoạt động thu phí có biên lợi nhuận gộp rất cao đạt 70%, mặc dù đóng góp chỉ khoảng 40% tổng doanh thu nhưng đóng góp đến 70% lợi nhuận gộp. Hiện tại, CTI đang vận hành 4 trạm thu phí BOT trên các tuyến đường QL1A (đoạn tránh Biên Hòa, Đồng Nai), QL91 (với 2 trạm T1 và T2, kết nối Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang sang Campuchia) và TL16 (Biên Hòa, Đồng Nai).
Năm 2016, CTI ghi nhận 1.027 tỷ đồng doanh thu, tăng 23,8% so với năm 2015 chủ yếu nhờ mức thu phí tăng 50-70% từ tháng 1/2016 và trạm thu phí T1 trên QL91 bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2016. Việc gia tăng thu nhập từ hoạt động thu phí đã giúp CTI tăng biên lợi nhuận ròng lên đáng kể lên mức 11% từ mức 8,8% trong năm 2015. Theo đó, LNST đạt 113 tỷ đồng (+53,8% yoy).
Cho năm 2017, CTI đặt mục tiêu doanh thu và LNST lần lượt đạt 1.426 tỷ đồng (+38,9% yoy) và 146 tỷ đồng (+29,0% yoy). Chúng tôi cho rằng việc CTI đặt kế hoạch KQKD tăng trưởng khá tốt trong năm nay hoàn toàn có cơ sở do: Trạm thu phí T2 trên QL91 đã bắt đầu đóng góp lợi nhuận từ đầu năm nay được ước tính sẽ có mức đóng góp cao hơn so với trạm T1 trước đó, trạm thu phí đường vận chuyển VLXD dự kiến đóng góp từ quý 3/2017 và các mảng khác bao gồm khai thác đá, sản xuất ống cống, xây dựng cũng đang được đầu tư hoạt động mạnh hơn.
CTI còn 2 dự án BOT khác cho những năm tiếp theo là dự án nút giao 319 với cao tốc Long Thành – Dầu Giây sẽ bắt đầu thu phí vào giữa năm 2018 và dự án mới nâng cấp tuyến đường Trảng Bom – Cây Gáo. Đây là dự án kết hợp hình thức BOT và BT với tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, theo đó CTI sẽ được quyền thu phí trong vòng 15 năm, dự kiến kể từ tháng 7/2019 và mảnh đất 135 ha gần khu vực hồ Trị An trị giá khoảng 100 tỷ đồng.
2014 | 2015 | 2016 | 2017 KH | |
Doanh thu thuần | 722 | 830 | 1,027 | 1,426 |
% tăng trưởng | 14.9% | 23.8% | 38.9% | |
Lợi nhuận gộp (*) | 184 | 255 | 375 | |
% tăng trưởng | 38.5% | 47.3% | ||
Biên lợi nhuận gộp | 25.5% | 30.7% | 36.5% | |
LNST | 50 | 73 | 113 | 146 |
% tăng trưởng | 47.8% | 53.8% | 29% | |
Biên lợi nhuận ròng | 6.9% | 8.8% | 11.0% | 10.2% |
(*) Số liệu trước kiểm toán do chưa có BCTC đã kiểm toán đầy đủ
Nguồn: SSI Research
Tiềm năng tăng trưởng cao trong dài hạn với định hướng đúng đắn
Trong dài hạn, bên cạnh hoạt động thu phí mang lại nguồn thu ổn định, CTI còn định hướng phát triển lĩnh vực khai thác đá, sản xuất ống cống bê tông và phát triển KCN Phước Bình:
Khai thác đá: Đây là mảng có biên lợi nhuận rất cao và nhu cầu tiêu thụ lớn từ xây dựng, BĐS và phát triển hạ tầng giao thông trong khu vực miền Nam. Triển vọng của mảng này được công ty kỳ vọng nhiều dựa vào dự án Sân bay Long Thành.
CTI đang thực hiện khai thác 3 mỏ đá bao gồm Tân Cang 8, Đồi Chùa và Xuân Hòa có trữ lượng lớn (chỉ thua KSB nhưng lớn hơn DHA, NNC) và thời hạn khai thác dài (sau năm 2030). Tuy nhiên, doanh thu mảng này của CTI trong năm 2016 chỉ ở mức gần 30 tỷ đồng trong khi DHA và NNC đạt lần lượt là 195 tỷ đồng và 567 tỷ đồng. Hiện tại, công ty đã bắt đầu đầu tư thêm máy móc và tăng cường khai thác sau khi bóc xong tầng phủ, đặc biệt sau khi các trạm thu phí BOT đi vào hoạt động ổn định.
Sản xuất ống cống bê tông: Đây là mảng hoạt động truyền thống rất được kỳ vọng bởi có biên lợi nhuận cao và nhu cầu tiêu thụ lớn trong thời gian tới sẽ từ các dự án nâng cấp hệ thống ống cống thoát nước chống ngập lụt khu vực miền Nam, đặc biệt là TP. HCM và Đồng Nai với tổng vốn đầu tư lớn lần lượt khoảng 7.000 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng. Do chưa chắc chắn nên CTI vẫn chưa đưa vào kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên chỉ xét trong 3 tháng đầu năm 2017, giá trị hợp đồng cung cấp ống cống bê tông mà công ty ký kết được đã gần đạt mức kế hoạch 130 tỷ đồng đặt ra cho năm nay.
Phát triển KCN Phước Bình (tổng diện tích 640 ha): Thay vì phát triển BĐS thông thường sẽ chịu nhiều rủi ro thì việc xây dựng hạ tầng để phát triển KCN lại là thế mạnh của CTI. Với chủ trương của nhà nước tập trung vào phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo cùng dòng vốn đầu tư FDI đổ mạnh vào ngành này, chúng tôi cho rằng nhu cầu thuê đất công nghiệp để kinh doanh sản xuất là tất yếu và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Công ty dự kiến trong năm 2017 sẽ hoàn thành các thủ tục về đầu tư
Ngoài ra, CTI còn một số dự án khác như khu du lịch Đảo Ó – Đồng Trường, nhà ở xã hội tại phường Tam Hòa và xã Phước Tân…
Quan điểm đầu tư
Tại mức giá đóng cửa ngày 21/3/2017 là 29.150 đồng/cổ phiếu, CTI đang được giao dịch tại TTM P/E là 11.1 lần, khá hấp dẫn với mức chiết khấu cao nhất so với P/E của VNIndex từ đầu năm 2014 đến nay. Xét về các khía cạnh hoạt động kinh doanh thì chúng tôi cho rằng CTI xứng đáng để đầu tư dựa trên các quan điểm sau:
- CTI có mô hình hoạt động kinh doanh khép kín khá hiệu quả khi tận dụng được nguồn lực bên trong, đi từ khai thác đá, sản xuất bê tông, cống cống sử dụng trong xây dựng và vận hành các trạm thu phí BOT.
- Hoạt động kinh doanh ít rủi ro với nguồn thu ổn định dòng tiền mạnh từ các trạm thu phí do nhu cầu lưu thông đường bộ là tất yếu. Do đó, mức cổ tức hàng năm hoàn toàn có thể duy trì: trong năm 2016, CTI quyết định trả cổ tức tiền mặt 16% và 2017 dự kiến là 17%, tương ứng với tỷ suất cổ tức lần lượt là 5,8% và 6,2%.
- Xét trong ngắn hạn, KQKD quý 1/2017 sẽ có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ khi cả 2 trạm thu phí QL91 cùng đi vào hoạt động (trạm T1 đóng góp doanh thu từ quý 2/2016 và trạm T2 từ quý 1/2017) và mảng ống cống bê tông có giá trị hợp đồng ký kết cao hơn dự kiến
- Xét trong dài hạn, các mảng hoạt động khai thác đá, sản xuất ống cống cùng dự án mới có tiềm năng tăng trưởng cao
Thông tin phát hành: CTI dự kiến sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu trong quý 1 hoặc quý 2 năm nay để đầu tư cho các dự án hiện hữu và dự án mới, trong đó bao gồm 2 triệu cổ phiếu ESOP (4,56% số cổ phiếu đang lưu hành) và 18 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ với giá từ 22.000 đến 25.000 đồng/cổ phiếu (41,86% số cổ phiếu đang lưu hành). Các cổ phiếu này được phát hành cho các quỹ đầu tư là cổ đông hiện tại và quỹ đầu tư mới. Lượng cổ phiếu phát hành bị hạn chế chuyển nhượng trong một năm.
Rủi ro pha loãng không đáng ngại với giả định CTI sẽ phát hành thành công vào cuối quý 2/2017 và hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm 2017. Theo đó, tại mức giá 29.150 đồng/cổ phiếu thì CTI đang được giao dịch lại P/E 2017 pha loãng là 10,6 lần.
SSI Research