[Nhận định thị trường ngày 16/01] Khối lượng giao dịch cần được cải thiện mạnh để hỗ trợ xu hướng tăng ngắn hạn – Khối ngoại duy trì mua ròng – Cập nhật TCM

ĐIỂM NHẤN THỊ TRƯỜNG

Theo diễn biến chung của thị trường Châu Á, các chỉ số trên TTCK Việt Nam cũng đã có diễn biến tích cực. Trừ UpCom-Index giảm nhẹ 0.06%, còn lại đều tăng gần như suốt phiên và đóng cửa gần sát mức cao nhất trong ngày. VN-Index tăng 7.88 điểm (+0.87%), VN30-Index tăng 5.68 điểm (+0.66%) nhờ VHM, MSN, VRE và nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tương tự, HNX-Index và HNX30-Index tăng 0.98% nhờ VGC và 2 cổ phiếu ngân hàng là ACB và SHB.

Nhóm ngân hàng thể hiện rõ vai trò với các chỉ số khi trong nhóm chỉ có TPB và VIB mất điểm trong khi đó MBB, TCB, BID, ACB, VCB, VPB… là các cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm.

Nhóm cảng biển và khu công nghiệp cũng đồng thuận tăng với sự dẫn dắt của GMD và KBC.

Nhóm Dệt may là tâm điểm thị trường với dư mua trần ở TCM và STK; các cổ phiếu còn lại cũng ghi nhận mức tăng đáng kể như TNG +8.4%, MSH +6.5%, VGT +6.4%… CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Khi CPTPP bắt đầu có hiệu lực, thị trường sẽ đánh giá cao các công ty dệt may có khả năng mở rộng thị trường và có chuỗi sản xuất “từ sợi trở đi”.

Đêm qua, giá dầu Brent sụt giảm 2.45% về mức 59.3 USD/thùng do lo ngại về tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, nhóm dầu khí vẫn khởi sắc với các mã chính trong nhóm đều tăng điểm như GAS, PVD, PVS…

Thanh khoản thị trường vẫn chưa cải thiện với GTGD xấp xỉ hôm qua, khoảng 3.100 tỷ đồng ở cả 2 sàn. Khối ngoại mua ròng +65 tỷ đồng trên HOSE, rải đều ở VNM +38.2 tỷ đồng, VRE +35.7 tỷ đồng, MSN +22.3 tỷ đồng và VCB +20.7 tỷ đồng. Phía bán ròng, tập trung ở 3 mã VJC -24.5 tỷ đồng, HPG -21.2 tỷ đồng, VIC -13.5 tỷ đồng.

Chứng khoán phái sinh tăng điểm mạnh mẽ với mức tăng từ 11-21 điểm ở tất cả các hợp đồng. Thị trường chuyển biến tích cực đã kích thích chiều Mua kéo giá các HĐTL lên gần hơn với chỉ số cơ sở. HĐ F1901 hiện còn thấp hơn chỉ số VN30 -5.1 điểm khi còn 2 ngày nữa là tới ngày đáo hạn hợp đồng.

Thống kê toàn thị trường

DỰ BÁO XU HƯỚNG VN30-INDEX

Nhận định kỹ thuật

Giảm điểm vào đầu phiên hôm qua và tăng điểm dần lên trong cả phiên giao dịch, chỉ số VN30 đóng cửa tăng 5.68 điểm lên mốc 865.1 điểm. Nến ngày tăng điểm trở lại sau phiên giảm nhẹ ngày hôm trước và vượt nhẹ lên trên đường trung bình động 20 ngày với 20 mã tăng và 6 mã giảm giá.

KLGD ở mức gần 33.6  triệu đơn vị, tăng nhẹ so với phiên  trước hơn 1 triệu đơn vị, nhưng vẫn thấp hơn hơn 5 triệu đơn vị so với KLGD bình quân 20 phiên. KLGD phân kỳ âm ngắn hạn với chỉ số VN30, nhưng điểm tích cực là chỉ số VN30 chuyển từ xu hướng giảm sang xu hướng tăng ngắn hạn sau phiên tăng điểm khá ấn tượng, đặc biệt là các HĐ Phái sinh đều tăng giá mạnh.

KLGD cần phải được cải thiện mạnh hơn để hỗ trợ cho xu hướng tăng hồi phục ngắn hạn hiện tại, tuy vậy quán tính tăng điểm phiên giao dịch hôm qua có thể giúp cho chỉ số VN30 sẽ tiếp tục tăng điểm trong ngắn hạn. Chúng tôi giữ mức hỗ trợ ngắn hạn đảo chiều phiên ở mốc 862 điểm cho phiên giao dịch hôm nay.

Hỗ trợ ngắn hạn: 858-862 – Kháng cự ngắn hạn: 868-873

VN30index

Quan điểm đầu tư

Trước các tác động trái chiều từ diễn biến thị trường thế giới, khả năng đà tăng từ hôm qua của TTCK Việt Nam sẽ chậm lại. Điểm tích cực trong phiên hôm nay là nhân tố khối ngoại và giá dầu hồi phục mạnh mẽ sẽ giúp cung cầu thị trường duy trì ở mức cân bằng.

Top pick:  CTI, FPT, GAS, GMD, HPG, KSB, MWG, PNJ, PTB, QNS, TCM, KBC, POW

UpCom: (i) mặt bằng chung định giá thấp (ii) giá không tăng nhiều trong năm 2017 và 2018, downside risks thấp (iii) ít chịu áp lực margin

  • Các cổ phiếu triển vọng: QNS, ACV, VEA, NTC

Dệt may: CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019

  • TCM, STK, MSH

Chiến thuật giao dịch phái sinh

Vị thế MUA ngắn hạn                              

  • Vị thế Mua: VN30 tiếp tục vận động trên mốc 862 điểm
  • Đóng vị thế: Quanh 868- 873 điểm hoặc đạt mức lợi nhuận kỳ vọng
  • Stoploss: VN30 bẻ gãy trở lại mốc 862 điểm

Vị thế BÁN ngắn hạn 

  • Vị thế bán: VN30 phá vỡ hỗ trợ 862 điểm
  • Đóng vị thế: Quanh 854 – 858 điểm hoặc đạt mức lợi nhuận kỳ vọng
  • Stoploss: VN30 vận động trở lại lên trên 862 điểm

CẬP NHẬT CÔNG TY

TCM: CTCP Dệt may thương mại Thành Công

  Giá hiện tại % chang (t-3) P/E P/B
TCM 24.35 8.9% 5.64 1.08

Tổng quát năm 2018

TCM gần đây đã công bố kết quả sơ bộ năm 2018, trong đó doanh thu được ghi nhận là 3,6 nghìn tỷ đồng (+12,9% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 223 tỷ đồng (+16% YoY). Kết quả sơ bộ này báo hiệu công ty đã đạt 110% kế hoạch doanh thu thuần và 114% kế hoạch lợi nhuận ròng cho cả năm, điều này cũng vượt ước tính của chúng tôi. Số liệu có khả năng được điều chỉnh sau kiểm toán cuối năm. Biên lợi nhuận gộp cả năm được ước tính ở mức 17,2% (2017: 15,7%). Mảng dệt may chiếm hơn 75% tổng doanh thu, đạt tăng trưởng doanh thu mạnh nhất ở mức 11% YoY.

Liên quan đến các khoản phải thu từ Tập đoàn Sears Holding đã nộp đơn phá sản vào tháng 11 năm trước, công ty đã trích lập dự phòng là 28 tỷ đồng, thấp hơn so với ước tính cho tổng dự phòng của chúng tôi là 95 tỷ đồng. TCM đã chỉ định một luật sư hỗ trợ cho trường hợp này và quyết định cuối cùng được dự báo sẽ được công bố vào tháng 3/2019. Cho đến lúc đó, công ty sẽ tiếp tục trích lập dự phòng hàng tháng cho các khoản phải thu. TCM cũng đang tích cực tìm kiếm những khách hàng mới để bù đắp khoản lỗ từ Sears. Trong khi đó, TCM đang nỗ lực tăng sản lượng ứng với mỗi đơn hàng cho các khách hàng hiện tại, đặc biệt là E-land.

Kế hoạch năm 2019: trong năm 2019, TCM đưa ra kế hoạch sẽ đạt doanh thu cốt lõi là 3,6 tỷ đồng (tương đương YoY) và lợi nhuận ròng đạt 192 tỷ đồng (-14% YoY).  Chúng tôi cho rằng đây là mức mục tiêu thấp được dựa trên tình huống xấu nhất mà TCM sẽ phải xóa toàn bộ nợ trong các khoản phải thu từ Sears. Dựa trên kế hoạch của công ty, EPS năm 2019 được ước tính là 2.990 đồng (2018: 3.473 đồng).

Định giá: Ở mức giá hiện tại là 22.250 đồng/ cổ phiếu, TCM đang giao dịch P/E 2019 ở mức 7,4x. Chúng tôi sẽ cung cấp phần tích chi tiết một khi BCTC chính thức được công bố.

HOẠT ĐỘNG KHỐI NGOẠI

Mua ròng đáng kể trở lại

Thanh khoản thị trường vẫn chưa cải thiện với GTGD xấp xỉ phiên trước, khoảng 3.100 tỷ đồng ở cả 2 sàn. Khối ngoại mua ròng +65 tỷ đồng trên HOSE, rải đều ở VNM +38.2 tỷ đồng, VRE +35.7 tỷ đồng, MSN +22.3 tỷ đồng và VCB +20.7 tỷ đồng. Phía bán ròng, tập trung ở 3 mã VJC -24.5 tỷ đồng, HPG -21.2 tỷ đồng, VIC -13.5 tỷ đồng.

Cập nhật ETF

Quỹ VFM VN30 có thêm 500.000 ccq trong phiên ngày 14/1, tương đương 7.08 tỷ đồng. Khối lượng gia tăng không lớn nhưng là một tín hiệu tích cực cho xu hướng dòng vốn.

 

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Shanghai Composite hôm qua tăng thêm 1.36% lên mức 2,570.34 điểm. Đồng nhân dân tệ tăng giá trở lại so với USD, thêm 0.1% lên mức 1 USD đổi 6.761 CNY. Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra đề xuất cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau khi quốc gia này công bố số liệu thương mại tháng 12 kém tích cực

Chứng khoán Hoa Kỳ tiếp tục tăng điểm trong đêm ngày thứ Ba nhờ nỗ lực hồi phục của các cổ phiếu Tài chính cùng giao dịch khởi sắc tại nhóm Công nghệ. DJ và S&P 500 tăng lần lượt 0.65% và 1.07% lên mức 24,065.59 điểm và 2,610.3 điểm.

JP Morgan tăng thêm 0.8% từ mức giảm 2% trong phiên do KQKD Q4/2018 thấp hơn mức ước tính của giới phân tích. Chỉ số đánh giá ngành Tài chính đóng cửa tăng nhẹ 0.8%.

Netflix tăng 6.52% sau khi doanh nghiệp công bố tăng phí đăng ký từ mức 11 USD lên 13 USD/tháng, kéo theo cổ phiếu các công ty thuộc nhóm FANG đều tăng trên 2%.

CBOE VIX giảm lại 2.46% về còn 18.60 điểm, mức trung lập cho thấy rủi ro thị trường thấp. CNNMoney – Fear and Greed Index (FGI – phản ánh chỉ số VIX và 6 thước đo khác về tâm lý NĐT) cải thiện đáng kể so với phiên trước, đã ra khỏi vùng vùng Extreme Fear.

Giá vàng giảm 0.17% về mức 1,289.15 USD/ounce.

Giá dầu thô hồi phục mạnh mẽ nhờ kế hoạch đề xuất từ Trung Quốc, giúp giới đầu tư kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu có thể được cải thiện trong thời gian tới. Giá dầu Brent tăng 2.66% lên mức 60.56 USD/thùng.

Không theo diễn biến của thị trường Hoa Kỳ, TTCK châu Á điều chỉnh trong phiên sáng ngày thứ Tư trước diễn biến phức tạp ở Anh. Tính đến 7h30, Nikkei 225 và KOSPI giảm 0.7% và 0.14%. Kế hoạch Brexit của thủ tướng Theresa May tiếp tục bị trì hoãn khi số thành viên bỏ phiếu chống tại Nghị viện trong ngày thứ Ba đạt mức 432, vượt trội so với 202 phiếu thuận. Dự kiến, Chính phủ sẽ đệ trình kế hoạch mới, chậm nhất vào ngày 21/01. Thời hạn thực hiện kế hoạch Brexit mà EC chấp thuận là 29/03 và không ngoại trừ khả năng thời hạn này sẽ được lùi lại..

Nguồn: SSI Research

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.