CTCP Cao su Phước Hoà (PHR: HOSE): Cập nhật nhanh từ ĐHCĐ – [MUA: 62.700, +35.7%]

Ở mức giá hiện tại 46.200 đồng/cổ phiếu, PHR đang giao dịch ở mức PE 2018 là 4,5x và PE cốt lõi là 7,8x. Dựa vào PE mục tiêu năm 2018 là 8x cho hoạt động kinh doanh chính và giá trị hợp lý trên mỗi cổ phiếu là 15.300 đồng/ cổ phiếu cho thu nhập bất thường trong 3-4 năm tới, chúng tôi đặt giá mục tiêu 1 năm cho PHR là 62.700 đồng/cổ phiếu (tăng 35,7% so với giá hiện tại). Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu.

PHR đã tổ chức cuộc họp ĐHCĐ vào ngày 14/03/2018, và sau đây là những ý chính rút ra từ sự kiện:

Tổng quan năm 2017

Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận ròng hợp nhất của PHR tăng đáng kể 42% YoY và 50%YoY, đạt lần lượt 1.932 tỷ đồng và 330,5 tỷ đồng.

Kết quả của công ty mẹ thể hiện mảng kinh doanh cao su tự nhiên (NR) cốt lõi, bao gồm doanh thu từ cao su tự nhiên và doanh thu từ gỗ cây cao su. Nhìn chung, trong năm 2017, PHR đã vượt 19% và 25% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty mẹ.

  • Doanh thu từ cao su tự nhiên: sản lượng cao su tự nhiên khai thác giảm 11% YoY do công ty đã chặt bỏ một số lượng lớn cây cao su già trong những năm gần đây, PHR vẫn công bố tăng trưởng doanh thu thuần tích cực nhờ giá bán trung bình tăng 33% YoY, cùng với xu hướng tăng giá cao su tự nhiên trong suốt năm 2017. Năm ngoái, PHR cũng đã đẩy mạnh thu mua cao su tự nhiên từ các đồn điền cao su nhỏ lẻ, tăng 21% YoY về sản lượng để đáp ứng đơn hàng, bù đắp cho sự sụt giảm đáng kể sản lượng cao su tự nhiên khai thác. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của cao su tự nhiên thu mua khá thấp đạt khoảng 500 nghìn đồng/tấn so với cao su khai thác đạt khoảng 8 triệu đồng/tấn trong năm 2017.
  • Kinh doanh gỗ cây cao su cũng ghi nhận 298 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế ( ~72% lợi nhuận trước thuế hợp nhất so với mức 55% trong năm 2016), tăng 107% YoY nhờ (1) sản lượng tiêu thụ tăng 9% YoY và (2) giá bán trung bình tăng 90,2% YoY trong bối cảnh mua bán gỗ cao su từ Trung Quốc tăng và xu hướng tăng giá cao su tự nhiên toàn cầu.

Kế hoạch 2018

PHR đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu thuần của công ty mẹ đạt 4% YoY trong năm 2018, ghi nhận 1,65 nghìn tỷ đồng dựa vào (1) giảm 11% YoY sản lượng cao su tự nhiên khai thác do công ty tiếp tục cắt bỏ các cây cao su già (tương tự như năm 2017), nhưng bù lại có thêm sản lượng cao su tự nhiên từ Phước Hòa Kampong Thom ở Campuchia, tăng sản lượng sản xuất lên 4.800 tấn trong năm 2018 (so với khoảng 1.400 tấn trong năm 2017) và (2) giá bán trung bình của cao su tự nhiên có thể giảm 8% YoY dựa vào kế hoạch của Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR: UPCOM) (PHR là một công ty con của VRG, với tỷ lệ sở hữu là 66,62%). Theo báo cáo “Dự báo triển vọng hàng hóa” của Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10/2017, giá cao su trung bình của Malaysia có thể đạt mức 2.130 USD/ tấn vào năm 2018 (-1,4% YoY). Như vậy, chúng tôi cho rằng kế hoạch giá bán trung bình cao su tự nhiên của PHR trong năm 2018 khá thấp so với ước tính của WB.

Lợi nhuận ròng của công ty mẹ ước tính giảm 4,5% YoY, đạt 400 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ cao su tự nhiên công ty mẹ giảm cũng như giá bán trung bình giảm (cần lưu ý rằng lợi nhuận từ Phước Hòa Kampong Thom không bao gồm trong kết quả kinh doanh công ty mẹ)

Công ty lên kế hoạch trả 20% trên mệnh giá cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2018, tương ứng tỷ suất cổ tức là 4,4%.

Cập nhật khác

Theo ban lãnh đạo của PHR, công ty lên kế hoạch chuyển nhượng khoảng 691 ha quỹ đất cho Khu công nghiệp Việt Nam Singapore 3 (VSIP 3) bắt đầu từ quý 2 năm 2018 (sẽ chuyển nhượng dần trong 2-3 năm tới). Tỷ lệ bồi thường sẽ là 1 tỷ đồng/ha, kèm theo 20% lợi nhuận được chia từ việc chuyển nhượng đất cho VSIP 3. Thông báo này sát với kỳ vọng của nhà đầu tư.

PHR cũng sẽ tiến hành chuyển nhượng khoảng 450 ha quỹ đất cho một trong những công ty liên kết là CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC: UPCOM) bắt đầu từ quý 2 năm 2018 để xây dựng mở rộng giai đoạn 2 của KCN Nam Tân Uyên (sẽ chuyển nhượng dần trong 2-3 năm tới). Tỷ lệ bồi thường có thể ở mức 917 triệu đồng / ha.

Tuy nhiên, GVR hoặc PHR sẽ thoái vốn khỏi NTC trong thời gian tới do quy định . Bởi vì theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty con và công ty mẹ có ít nhất 65% vốn Nhà nước không được phép góp vốn thành lập doanh nghiệp.

PHR lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.355 tỷ đồng từ mức 813 tỷ đồng trong năm 2017 và dự kiến trả cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 3:2 trong năm 2018.

Ước tính và định giá: giá mục tiêu 1 năm là 62.700 đồng / cổ phiếu, tăng 35,7% so với mức giá hiện tại

Chúng tôi ước tính PHR có thể đạt doanh thu thuần là 1.847 tỷ đồng (+11,7% YoY) nhờ đóng doanh thu từ PHR Kampong Thom. Lợi nhuận ròng có thể đạt 809 tỷ đồng, tăng 145% YoY. Trong đó, lợi nhuận ròng của hoạt động kinh doanh chính có thể đạt 576 tỷ đồng (tăng 74% YoY). Giá trị bồi thường từ dự án VSIP 3 và NTC là 233,4 tỷ đồng (giả định thuế TNDN là 20%). EPS 2018 có thể đạt 9.482 đồng (+145% YoY) (giả định PHR có thể ghi nhận tổng quỹ khen thưởng phúc lợi là 75 tỷ đồng dựa trên mức lương bình quân 3 tháng).

Ở mức giá hiện tại 46.200 đồng/cổ phiếu, PHR đang giao dịch ở mức PE 2018 là 4,5x và PE cốt lõi là 7,8x. Dựa vào PE mục tiêu năm 2018 là 8x cho hoạt động kinh doanh chính và giá trị hợp lý trên mỗi cổ phiếu là 15.300 đồng/ cổ phiếu cho thu nhập bất thường trong 3-4 năm tới, chúng tôi đặt giá mục tiêu 1 năm cho PHR là 62.700 đồng/cổ phiếu (tăng 35,7% so với giá hiện tại). Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu.

SSI Research

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.