[Weekly Recap] Tuần 24-28/02: Cập nhật vĩ mô – Thị trường trong nước và quốc tế – Dòng vốn ETF – Danh mục khuyến nghị tuần tới

Tâm điểm: dịch Covid-19
➢ Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ngoài biên giới Trung Quốc, đáng chú ý là tình hình gia tăng số ca nhiễm nhanh chóng tại Hàn Quốc và Iran.
Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới vận động của thị trường tài chính toàn cầu ở thời điểm hiện tại.
➢ Tính đến 13h00, ngày 01/03/2020, toàn thế giới có 86,980 trường hợp mắc bệnh, trong đó 7,156 ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc. Hiện tại, có hơn 42 nghìn trường hợp đã phục hồi. Hàn Quốc từ 1 trường hợp mắc bệnh vào ngày (20/02/2020) đến hết ngày 29/02 đã tăng lên mức 3,150 ca mắc bệnh trong đó có 17 trường hợp tử vong. Trong 3 ngày gần đây, số ca nhiễm hằng ngày tại quốc gia này liên tục tăng lên (27/02: 505, 28/02: 571; 29/02: 813). Iran cần thêm các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn khi tỷ lệ tử vong tại quốc gia này là 7.25% (cao nhất trong tất cả các khu vực). Đối với Hoa Kỳ, quốc gia này đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vào ngày 29/02
➢ Việt Nam trở thành điểm sáng trên toàn cầu về khả năng kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Có 16 ca được ghi nhận nhiễm virus Corona và tất cả đều đã được điều trị khỏi.
❖ Nhìn từ góc độ kinh tế, Việt Nam cũng đang rất chủ động trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của Covid 19. Cụ thể, NHNN vừa ban hành văn bản 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid19. Theo đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/03/2020,..
❖ Tính đến thời điểm cuối tháng 2, Chính Phủ Việt Nam vẫn đang giữ nguyên mức tăng trưởng GDP kế hoạch năm 2020 (6.8%-7%), đồng thời tiếp tục theo dõi và đánh giá ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tới nền kinh tế .

Tin vĩ mô trong nước➢ Sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng 6.2% YoY trong 2T2020, thấp hơn so với mức tăng 2 năm gần đây (2T2018:13.7% YoY, 2T2019: 9.2% YoY). Dịch covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động của ngành, tuy nhiên có một số điểm cần phải lưu ý. Thứ nhất, tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái được hỗ trợ nhiều từ các nhà máy mới bắt đầu hoạt động (Formosa, Nghi Sơn,..). Thứ hai, việc tích trữ nguyên liệu giúp sản xuất công nghiệp có thể duy trì tình trạng ổn định thêm 1-2 tháng trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn. Thứ ba, các cửa khẩu thông quan trở lại với Trung Quốc, cùng với nhiều nhà máy tại Trung Quốc bắt đầu tái hoạt động, sẽ hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp trong các tháng tiếp theo.
➢ Xuất nhập khẩu: ước tính sơ bộ của GSO cho thấy kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng 2.4% YoY trong 2 tháng đầu năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng kém khả quan từ Covid-19 tuy nhiên động lực hỗ trợ đến từ việc Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20.
➢ CPI. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0.17% MoM do ảnh hưởng của nhóm giao thông, tuy nhiên mức giảm này thấp hơn kỳ vọng do giá bán lẻ thịt lợn không bám sát với mức giảm của giá bán buôn. CPI bình quân 2T2020 tăng 5.91% YoY, mức tăng cao nhất trong 7 năm qua. Đây là vấn đề đáng lưu ý ở thời điểm hiện tại. Chỉ số giá tiêu dùng đối với riêng lĩnh vực Hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng mạnh 10.12% YoY trong 2T đầu năm, trong đó thực phẩm tăng 13.2% YoY trong khi ăn uống ngoài gia đình tăng 7.26% YoY. Nếu xét riêng tháng 2, ăn uống ngoài gia đình cải thiện 1.03% MoM bất chấp tác động của Covid-19, đây là diễn biến đi ngược với kỳ vọng ban đầu.

Tin thị trường quốc tế
➢ Thị trường chứng khoán: Các chỉ số chứng khoán chủ chốt trên toàn cầu đều giảm điểm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Với Trung Quốc, Shanghai Composite giảm 4/5 phiên giao dịch trong đó phiên cuối tuần chịu áp lực bán mạnh (-3.71%). Trung Quốc cũng vừa mới công bố số liệu PMI tháng 2/2020, trong đó PMI sản xuất giảm sâu về mức 35.7 điểm. Tuy nhiên con số trên chỉ mang tính chất thực hiện điều tra và thể hiện sự lo ngại của các doanh nghiệp về ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc Trung Quốc kiểm soát tốt hơn dịch bệnh cùng với việc nhiều nhà máy tái sản xuất trở lại, sẽ hỗ trợ cho diễn biến của PMI trong các tháng tới.
❖ Chứng khoán Hoa Kỳ trải qua một tuần giao dịch tồi tệ khi S&P 500 đã giảm 7 phiên liên tiếp, trong đó có các phiên giảm sâu như ngày 27/02 (-4.42%). CBOE VIX tăng mạnh 135% trong tuần qua phản ánh lo ngại của nhà đầu tư tại thị trường Hoa Kỳ
➢ Hàng hóa: Giá dầu Brent biến động rất mạnh trong các phiên gần đây, hiện đã giảm về ngưỡng 50.5 USD/thùng. Lo ngại về tiêu thụ đi xuống tại các thị trường quan trọng, là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới vận động của giá dầu. Vàng chịu áp lực chốt lời mạnh trong các phiên cuối tuần, sau chuỗi tăng giá gần đây, hiện vận động quanh ngưỡng 1,566.7 USD/ounce.

Thị trường chứng khoán Việt Nam
➢ VN Index giảm mạnh 5.45% trong tuần qua do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Chỉ số đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại ngưỡng 882.19 điểm, tương ứng với trailing P/E là 13.73 lần, thấp nhất kể từ tháng 5/2016.
❖ Nhóm Large Cap chịu áp lực cung lớn, xét riêng nhóm VN30, có 28 cổ phiếu giảm điểm và chỉ có FPT và STB tăng điểm.
❖ Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên sàn HOSE, với quy mô 960 tỷ đồng.
➢ So với diễn biến trên HOSE, các chỉ số sàn Hà Nội diễn biến tích cực hơn, trong đó HNX Index tăng thêm 1.4% trong tuần qua. SHB tăng mạnh, trở thành động lực nâng đỡ vận động của chỉ số.

Cập nhật dòng vốn ETF
➢ Dòng vốn ETF có dấu hiệu chững lại trong tuần qua khi VFM VN30 ETF ghi nhận 3 phiên bán ròng trong khi đó DB FTSE sau nhiều phiên không giao dịch cũng bán ròng trở lại trong ngày thứ Năm. Thống kê trong tuần qua (tính đến 27/02), các quỹ ETF bán ròng tổng cộng 163.2 tỷ đồng, mặc dù vậy trạng thái mua ròng vẫn được duy trì nếu tính từ đầu năm 2020
❖ Giai đoạn 01/02 – 27/02/2020, VFMVN30 ETF mua ròng 406.6 tỷ đồng, trong khi Van Eck ETF và DB FTSE bán ròng lần lượt 11.5 tỷ đồng và 99.6 tỷ đồng

Cập nhật giao dịch tự doanh
➢ Thống kê riêng trên sàn HOSE, khối tự doanh các công ty chứng khoán mua ròng hơn 252 tỷ đồng trong tuần qua. MWG và VCB là các cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với quy mô lần lượt là 75.5 tỷ đồng và 45.5 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối tự doanh chủ yếu bán ròng MBB (-23.6 tỷ đồng)
➢ Tính từ đầu năm 2020, khối tự doanh các công ty chứng khoán mua ròng 233 tỷ đồng trên sàn HOSE

Điểm nhấn thị trường: câu chuyện về VN Diamond
➢ Ngày 27/02/2020, UBCKNN đã chính thức cấp giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ra công chúng cho VFMVN Diamond ETF. Đây là quỹ thực hiện mô phỏng VN Diamond Index, chỉ số tập trung vào các cổ phiếu đã full room nước ngoài hoặc room nước ngoài còn lại không đáng kể.
➢ Sau khi được cấp phép chào bán CCQ ra công chúng, quỹ VFMVN Diamond ETF sẽ tiến hành IPO bắt đầu từ ngày 03/03, cụ thể, giai đoạn từ ngày 03/03 đến hết ngày 23/03 là giai đoạn đăng ký góp vốn; từ ngày 24/03 đến ngày 26/03 là giai đoạn thực hiện góp vốn. Ngày 15/05/2020 dự kiến là ngày đầu tiên niêm yết CCQ trên HOSE.
Danh mục phân tích kỹ thuật ngắn hạn (TA Short-term)

➢ Cổ phiếu FRT nằm trong Danh mục TA shortterm hiện tại đã đóng, do mức giá trong phiên đã chạm tới mức Trailing 3%, mức này được tính là mức thấp hơn 3% so với mức giá cao nhất trong kỳ. Đồng thời, danh mục hiện tại được đóng cùng thời điểm. Chúng tôi sẽ tiếp tục chọn lọc mã phù hợp cho khuyến nghị tiếp theo.

Các danh mục 3-6 tháng
➢ Các danh mục 3-6 tháng giữ nguyên trạng thái trong đợt cơ cấu ngày 02/03/2020

Danh mục Tăng trưởng (Growth)

 

 

Danh mục Giá trị (Value)

 

SSI Research


 

Gửi phản hồi

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.